Tại Thông báo số 32-TB/VPUB ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Văn phòng Tỉnh ủy về ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông ngày 24 tháng 12 năm 2020, trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông được giao thí điểm thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Sở Thông tin và Truyền thông (quý I năm 2021), đến nay kết quả triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cụ thể như sau:
Sở Thông tin và Truyền thông luôn sát sao, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là thực hiện thí điểm 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở hoàn thành trong quý I năm 2021.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với VNPT Hải Dương thực hiện rà soát, tổng hợp các dịch vụ công có thu phí, lệ phí thuộc các lĩnh vực giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác tích hợp thu phí, lệ phí trực tuyến trên phần mềm dịch vụ công của tỉnh.
Phòng Công nghệ thông tin của Sở thường xuyên cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và đã tích hợp, hỗ trợ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có thu lệ phí, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng, thực hiện các thủ tục hành chính được thuận lợi hơn; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và VNPT Hải Dương vận hành, kiểm thử một số dịch vụ công trực tuyến triển khai tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết bằng nhiều hình thức, như: triển khai bằng văn bản, hướng dẫn trực tiếp, gọi điện thoại hướng 2 dẫn, gửi tài liệu hướng dẫn qua zalo (đã gửi tới 143 tài khoản zalo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông trong năm 2020)… Sau khi được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cơ bản nhất trí, đồng thuận trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4 qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Như vậy, đến nay Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã hoàn thành việc xây dựng 42/42 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp lên Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (đạt 100%), bao gồm: Lĩnh vực báo chí: 11 thủ tục; Lĩnh vực xuất bản, in, phát hành: 15 thủ tục; Lĩnh vực Bưu chính: 6 thủ tục; Lĩnh vực Viễn thông, Internet: 5 thủ tục; Lĩnh vực Thông tin điện tử: 5 thủ tục. Trong đó, 07/42 TTHC có thu phí; 01/42 TTHC có thu lệ phí.
Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 15/3/2021, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận 12/12 hồ sơ gửi trực tuyến, trả kết quả 12/12 hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích, gồm:
Thủ tục cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh: 02 hồ sơ.
Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh: 03 hồ sơ.
Thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu: 04 hồ sơ.
Thủ tục thay đổi thông tin đăng ký hoạt động cơ sở in: 02 hồ sơ.
Thủ tục cấp giấy phép xuất bản bản tin: 01 hồ sơ.
Trong đó 5/12 hồ sơ có thu phí, lệ phí (02 hồ sơ thu phí; 03 hồ sơ thu lệ phí. Trong đó, 01 hồ sơ nộp lệ phí qua hệ thống thanh toán tích hợp trên phần mềm dịch vụ công, 04 hồ sơ nộp phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai như:
+ Vướng mắc về quy định trong thành phần hồ sơ:
Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc xây dựng 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp lên Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tuy nhiên, khi Sở đề nghị tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia có 07 thủ tục hành chính không đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 do các thủ tục hành chính này quy định phải nộp bản chính trong thành phần hồ sơ, cụ thể:
06 thủ tục hành chính quy định phải nộp bản chính của giấy phép đã được cấp trước đó, gồm: Cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Cấp lại giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Cấp lại giấy phép hoạt động in; Cấp lại giấy phép bưu chính khi bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được; Cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính khi bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được; Cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
01 thủ tục hành chính quy định phải nộp bản chính Sơ yếu lý lịch trong trường hợp có xác nhận của địa phương: Cấp giấy phép hoạt động in xuất bản.
+ Vướng mắc về sử dụng chữ ký số:
Theo Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định “Nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến phải có chứng thư số của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép để xác nhận trên toàn bộ hồ sơ” khi thực hiện một số thủ tục hành chính như: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Cấp lại giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính này, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa sử dụng chữ ký số và ngại đăng ký chữ ký số do phải mất chi phí đăng ký và duy trì chữ ký số vì ít khi dùng đến chữ ký số.
+ Về tuyên truyền, vận động thực hiện dịch vụ công mức độ 4: Mặc dù Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, vận động thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, việc nộp hồ sơ trực tuyến là hình thức mới, các tổ chức, cá nhân chưa biết nhiều đến hình thức này. Ngoài ra, trình độ một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế, ngại tiếp xúc với công nghệ, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thao tác các bước nộp hồ sơ trên phần mềm, nhất là những hồ sơ yêu cầu phải sửa đổi bổ sung các thành phần hồ sơ và những hồ sơ yêu cầu thanh toán lệ phí trực tuyến, nên vẫn ưa thích nộp hồ sơ trực tiếp, truyền thống.
Nguyễn Hạnh