Đang xử lý.....

Hải Dương: Kế hoạch triển khai xây dựng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4  

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Chủ Nhật, 27/06/2021 140
|

Ngày 26 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch triển khai xây dựng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Hải Dương với mục tiêu chung:

Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Tỉnh ủy Hải Dương. Đồng thời, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sớm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp.

Theo đó, mục tiêu cụ thể là:

 Tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đáp ứng các quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật theo Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối cổng Dịch vụ công quốc gia với cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành” và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; áp dụng cơ chế đăng nhập một lần (SSO) đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính và kết nối hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc.

 Cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến, không dùng tiền mặt, bằng nhiều phương tiện khác nhau khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tận dụng hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính. Hoàn thành việc nâng cấp các dịch vụ công mức 2 và 3 lên mức độ 4; từng bước nâng cấp hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

Hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ cập kỹ năng để người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến của mỗi dịch vụ công.

 Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể như:

Xây dựng, cung cấp đầy đủ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, thường xuyên rà soát, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ.

Nâng cấp Hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung (LGSP) cấp tỉnh, đáp ứng chức năng đăng nhập một lần (SSO) và tích hợp đồng bộ trạng thái xử lý của tất cả hồ sơ thủ tục hành chính.

Kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia, các hệ thống thanh toán đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia với Cổng Dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tại Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành”.

 Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự nhằm tuyên truyền, quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo thực hiện kế hoạch hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã  giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị:

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thẩm định danh mục các thủ tục hành chính đủ điều kiện nhằm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 do các cơ quan, đơn vị rà soát đề xuất.

Sở Thông tin và Truyền thông:

Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nâng cấp, đảm bảo Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đáp ứng các yêu cầu về chức năng, về kỹ thuật, vận hành thông suốt. Là đầu mối tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến điều chỉnh, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các phóng sự, chuyên đề nhằm tuyên truyền, quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, cân đối, bố trí nguồn kinh phí trong dự toán kế hoạch hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch này đúng theo quy định hiện hành.

Kho bạc Nhà nước tỉnh: Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện việc đối soát, hạch toán các khoản thu phí, lệ phí theo quy định.

Các Sở, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quán triệt, triển khai rà soát, đề xuất các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, 4 đơn vị đủ điều kiện nhằm xây dựng, cung cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chủ động bố trí nguồn tài chính, trang thiết bị, nguồn nhân lực, xây dựng các quy định, quy chế cần thiết đáp ứng việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo đúng Kế hoạch đề ra.

Thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cần thực hiện và thời gian cụ thể hoàn thành trong Quý II năm 2021 và các biện pháp cụ thể (đối với các thủ tục hành chính phù hợp) để cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được hiệu quả; đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng xử lý dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến) đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền của đơn vị.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh