Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai ở 26 cơ quan cho phép tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân theo quy trình. Mặt khác, hệ thống có thể kết nối trực tuyến đến Cổng thông tin điện tử Chính phủ để cập nhật tiến trình xử lý hồ sơ của tỉnh Hà Nam nhanh chóng và thuận tiện. Cổng thông tin điện tử của tỉnh được cập nhật khá đầy đủ thông tin hữu ích nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan chưa tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành; Phần hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức nên còn tồn tại nhiều máy tính tại các cơ quan có cấu hình thấp, hoạt động không ổn định, chưa được nâng cấp, ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, mức kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhiều chương trình, kế hoạch không triển khai thực hiện được hoặc triển khai thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan. Đặc biệt, trình độ của một số cán bộ chuyên trách về CNTT còn yếu, chưa đáp ứng được nhiệm vụ tham mưu về CNTT.
Nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những hạn chế còn tồn tại của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước – trong năm 2017, tỉnh hướng đến mục tiêu xây dựng Chính quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn; Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước hướng tới Chính phủ điện tử phải thúc đẩy, gắn liền với quá trình cải cách hành chính tại Hà Nam. Cụ thể, trong thời gian tới, tỉnh đưa vào triển khai, sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số với tỷ lệ đạt 100% các cơ quan; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ đạt 95%; Tỷ lệ văn bản điện tử tại các cơ quan được trao đổi trên môi trường mạng đạt 90%; Tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%; Các dịch vụ hành chính công trực tuyến đã tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh được sử dụng hiệu quả; Tỷ lệ cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số trong ứng dụng CNTT là 100%.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, trong năm 2017, tỉnh chú trọng triển khai 05 nội dung chính: (1) Trang bị máy chủ, máy trạm và các thiết bị khác phục vụ xây dựng Trung tâm hành chính công của tỉnh; Triển khai, ứng dụng chữ ký số điện tử trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan; Nâng cấp hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước; (2) Trang bị phần mềm phục vụ xây dựng Trung tâm hành chính công của tỉnh; Thực hiện xử lý, điều hành trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trong các cơ quan theo quy trình khép kín; Sử dụng thư điện tử công vụ trong việc gửi nhận các văn bản trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; Triển khai tích hợp chữ ký số điện tử trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thông thư điện tử; (3) Duy trì Cổng thông tin điện tử của tỉnh đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai phần mềm Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, mức 4 tại tất cả các cơ quan; (4) Xây dựng cơ sở dữ liệu trọng điểm phục vụ cho các mục đích tra cứu, tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng trên môi trường mạng; Tiếp tục nâng cấp một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu công tác hiện nay; (5) Đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT; an toàn, an ninh mạng cho cán bộ quản trị mạng các cơ quan; Hỗ trợ các cơ quan tập huấn ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức.
Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa