Đang xử lý.....

Hà Giang: Thực trạng xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Hà Giang  

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2012 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Ngày 20 tháng 11 năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo số 485/BC-UBND về thực trạng xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang...
Thứ Sáu, 13/12/2019 18
|

Theo báo cáo, năm 2019 việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Về hạ tầng nhân lực

Công nghệ thông tin: Đến nay 100% các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư tại 73 điểm kết nối trong tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư hệ thống mạng nội bộ có dây và không dây giúp kết nối và chia sẻ thông tin nội bộ được nhanh chóng, tiết kiệm.

Bưu chính, viễn thông: Hà Giang có trên 1.880 trạm thu phát sóng di động (BTS) với tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động trong toàn tỉnh đạt trên 98,5% đáp ứng hầu hết nhu cầu sử dụng của người dân và các cơ quan, tổ chức; Mạng lưới bưu chính, chuyển phát phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh với đa dạng các loại hình dịch vụ, hiện đã có 05 đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Thông tin, truyền thông: Cùng với truyền thông truyền thống như Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thì truyền thông số đến nay đã có 239 Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.

Cung cấp dịch vụ công: Nhiều mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng và hoạt động hiệu quả; Ngành bảo hiểm xã hội được thiết lập thống nhất từ tỉnh đến huyện và đã được ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ; Hệ thống một cửa tập trung đã được thành lập đồng bộ từ tỉnh đến xã, cổng dịch vụ công cấp tỉnh đã cho phép thực hiện dịch vụ công mức 3 và một số dịch vụ công mức 4 đối với các thủ tục không thu phí, đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung chức năng thanh toán điện tử triển khai dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục thu phí.

2. Về Ứng dụng công nghệ thông tin:

- Hệ thống ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp:

Hệ thống Cổng dịch vụ công cấp tỉnh: Cung cấp các tính năng, tiện ích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện các giao dịch về Thủ tục hành chính.

Hệ thống du lịch thông minh: Giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận cũng như quảng bá, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ về lĩnh vực du lịch.

Hệ thống cổng/trang thông tin điện tử: Được đầu tư trang bị tới 100% các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các thông tin về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Triển khai chữ ký số công cộng áp dụng trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội để thực hiện giao dịch trực tuyến.

Áp dụng một số hệ thống phần mềm do các cơ quan trung ương triển khai trong một số lĩnh vực như: đăng ký kinh doanh, tài chính, kho bạc, giao thông vận tải, điện lực, thuế, bảo hiểm…

Triển khai cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên di động, cung cấp hệ thống wifi công cộng cho người dân và du khách.

- Hệ thống ứng dụng phục vụ trong các cơ quan:

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc được đưa vào vận hành sử dụng thống nhất đối với các cơ quan từ tỉnh đến xã, tích hợp với trục liên thông văn bản Quốc gia; hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc dùng riêng cho khối Đảng; hệ thống thư công vụ được cấp phát tới toàn cán bộ, công chức, viên chức; triển khai chữ ký số chuyên dùng cho toàn bộ các cá nhân có thẩm quyền ký và các cơ quan đơn vị.

Hệ thống một cửa điện tử triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã và tích hợp với cổng dịch vụ công của tỉnh.

Phần mềm quản lý khám, chữa bệnh kết nối liên thông với toàn bộ các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh và liên thông dữ liệu với cơ quan bảo hiểm.

Phần mềm quản lý giáo dục triển khai áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai đồng bộ ba cấp cả khối chính quyền và khối Đảng từ tỉnh đến xã, tích hợp với hệ thống truyền hình trực tuyến của Trung ương.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành thuế, kho bạc, tài chính, bảo hiểm đã được triển khai đến các cơ quan trong tỉnh.

3. Đề án xây dựng đô thị thông minh:

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh thành phố Hà Giang đến năm 2020 với 12 nội dung, nhiệm vụ triển khai đến năm 2020.

Đến nay có 02 nhiệm vụ đã hoàn thành là: Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên di động và Cung cấp hệ thống wifi công cộng cho người dân và du khách.

Một số nhiệm vụ chưa triển khai như: Xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung; Triển khai ứng dụng đô thị thông minh trên di động cho người dân thành phố; Giám sát trật tự công cộng và Trung tâm giám sát trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh; Trung tâm điều hành đô thị thông minh…

Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang:

Việc triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 còn chậm, vướng mắc trong việc triển khai trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu, việc sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng chưa thống nhất.

Một số ứng dụng công nghệ thông tin tự phát theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị nên chưa đồng bộ, có sự chồng chéo, khó khăn trong việc liên thông, liên kết tích hợp thành các cơ sở dữ liệu của tỉnh, khó khăn trong quá trình tra cứu, truy xuất, người dùng phải sử dụng nhiều phần mềm khác nhau.

Ngân sách đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính vẫn còn hạn hẹp, chưa theo kịp tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Để đảm bảo thực hiện tốt việc xây dựng Chính quyền điện tử, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã đề ra các phương hướng để triển khai thực hiện, cụ thể:

Xây dựng trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) - nền tảng quan trọng để làm cơ sở phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin một cách thống nhất, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng.

Hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản: Đây là hệ thống phần mềm chủ yếu, cốt lõi của các cơ quan, phần mềm cần đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ hành chính bao gồm: Quản lý văn bản và quá trình giải quyết các văn bản, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc công việc..

Nâng cấp hệ thống các trang/cổng thông tin điện tử để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện được quy định. Nâng cấp hệ thống các trang thông tin điện tử thành phần theo hướng tích hợp thông tin từ tỉnh đến xã vừa tập trung vừa phân tán gắn với phân quyền người sử dụng ở các cấp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quảng bá và điều hành: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, hình ảnh của Hà Giang; Xây dựng hệ thống các phần mềm thống kê, báo cáo, phân tích dữ liệu đa lĩnh vực hỗ trợ cho công tác chỉ đạo điều hành; Xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử tổng hợp có chức năng điều phối về nội dung, thời lượng, thời điểm phát các bản tin cơ sở tại các đài truyền thanh xã và các hệ thống truyền thông điện tử khác.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông: Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật hiện có.

Xây dựng hệ thống đăng nhập một lần và quản lý người dùng: Xây dựng hệ thống đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) gắn với bảo mật hai lớp trên nền tảng thư điện tử công vụ cho phép cán bộ, công chức, viên chức sử dụng một tài khoản, đăng nhập một lần để sử dụng toàn bộ các hệ thống thông tin của tỉnh một cách thống nhất, an toàn, bảo mật thông tin.

Giám sát, đảm bảo an toàn an ninh mạng: Triển khai giải pháp tổng thể phòng chống mã độc cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, nhằm phục vụ công tác giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh: Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh thành trung tâm điều hành tập trung quy mô thành phố hiện đại với màn hình ghép lớn và hệ thống điều khiển máy trạm, máy chủ lưu trữ, hệ thống kênh truyền số liệu chuyên dùng, tốc độ cao để thu thập và xử lý từ các hệ thống ứng dụng đã được thiết lập trong từng lĩnh vực một cách tập trung phục vụ giám sát, điều hành các hoạt động của tỉnh.

Tăng cường xã hội hóa trong xây dựng Chính quyền điện tử bằng cách thuê dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp và người dân đã đầu tư về hạ tầng, thiết bị ở những lĩnh vực có thể xã hội hóa được đồng thời tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động xã hội hóa để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như đảm bảo về an toàn thông tin.

Trần Thị Duyên