Về điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử:
- Hạ tầng công nghệ thông tin
Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh vẫn được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ Cán bộ công chức (CBCC) trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được trang bị máy tính bao gồm các sở , ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 100%; UBND các xã, phường, thị trấn đạt 94,76% (tăng 5,65% so với năm 2018).
100% các đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã đã có mạng nội bộ kết nối internet cáp quang tốc độ cao và được kết nối mạng diện rộng của tỉnh (mạng WAN).
Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trong đó 19/20 đơn vị cấp sở, ban, ngành đã triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông” (Sở ngoại vụ không triển khai do chưa có thủ tục), 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã triển khai hệ thống “Một cửa điện tử”. Nhiều cơ quan đơn vị đã đầu tư các trang thiết bị để phục vụ tổ chức, công dân đến thực hiện các TTHC.
Hệ thống hội nghị truyền hình: Hiện tại 17/17 đơn vị cấp huyện đã được trang bị phòng họp trực tuyến kết nối vào hệ thống của tỉnh; tuy nhiên hệ thống được đầu tư năm 2010 đã quá cũ nên chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản cho các cuộc họp trực tuyến.
Năm 2019 nhiều địa phương thuộc tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã, tính đến nay tỷ lệ cấp xã đã triển khai đạt tỷ lệ 40%.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng: Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin như: hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dự phòng, trang bị phần mềm phòng, chống virus cho các máy tính…
- Nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin:
Năm 2019 Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ CNTT với gần 300 học viên là cán bộ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bản tỉnh.
Hầu hết các đơn vị cấp sở, cấp huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm được đào tạo về CNTT, tuy nhiên ở cấp xã, hầu hết các đơn vị chưa bố trí cán bộ phụ trách về CNTT, nên việc tham mưu, triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, cung như triển khai các nhiệm vụ, dư án CNTT đến cấp xã vẫn còn khó khăn.
- Môi trường chính sách:
Trong năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT; nhiều đơn vị đã ban hành quy chế khai thác sử dụng hệ thống thông tin điện tử và ban hành Quy chế hoạt động của Ban biên tập cổng/trang thông tin điện tử, quy định về quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử.
- Về đầu tư cho CNTT:
Tại hầu hết cơ quan, đơn vị đã bố trí kinh phí và tham mưu cấp có thẩm quyền về kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT hằng năm để: Nâng cấp xây dựng hệ thống mạng nội bộ, xây dựng trang thông tin điện tử, triển khai các phần mềm ứng dụng chuyên ngành, xây dựng các hệ thống CNTT phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Chính quyền điện tử…
Kết quả Chính quyền điện tử
- Mức độ hiện diện:
100% các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã có Cổng/trang thông tin điện tử; các mục thông tin tối thiểu của Cổng/trang thông tin điện tử cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh.
Hầu hết các đơn vị đã thành lập Ban biên tập trang thông tin điện tử, ban hành quy chế hoạt động để thực hiện việc quản lý, cung cấp thông tin lên trang thông tin điện tử.
- Mức độ tương tác:
Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành: 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Phần mềm đảm bảo kết nối liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đáp ứng các yêu cầu về tính năng, chức năng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. CBCC tại các cơ quan, đơn vị được cấp tài khoản sử dụng phần mềm. Tỷ lệ văn bản đi được số hóa, gửi liên thông trên phần mềm đạt gần 100% (trừ văn bản mật). Tỷ lệ văn bản đến được lãnh đạo đơn vị xét duyệt, chỉ đạo, giao việc trên phần mềm đối với các cơ quan cấp tỉnh đạt 100%; đối với cấp huyện là gần 60%, riêng cấp xã tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30% (trong đó, chủ yếu là xử lý văn bản đến).
Ứng dụng Chữ ký số: Đến nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và gần 100% đơn vị cấp xã đã được cấp Chữ ký số. Tổng số chứng thư số được cấp hơn 2300. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện hầu hết đều ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử và thực hiện các giao dịch điện tử như: giao dịch với Kho bạc, kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội…
Hệ thống thư điện tử công vụ: Tỷ lệ CBCC được cấp hộp thư điện tử công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt hơn 90%. Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ khoảng hơn 70%.
Ứng dụng phần mềm quản lý quá trình giải quyết thủ tục hành chính: 19/20 đơn vị cấp tỉnh (Sở Ngoại vụ chưa triển khai do chưa có thủ tục hành chính), 17/17 đơn vị cấp huyện, 220/220 đơn vị cấp xã đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ, TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng phần mềm nội bộ, chuyên môn: 100% các cơ quan, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phần mềm tài chính – kế toán, các ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý người có công… Một số đơn vị, địa phương trong năm 2019 đã triển khai các phần mềm, hệ thống CNTT chuyên ngành để phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ như: Phần mềm hệ thống thông tin tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp tỉnh Gia Lai (Sở Tài chính), cơ sở dữ liệu về thông tin công tác dân tộc tỉnh Gia Lai (ban Dân tộc)…
- Mức độ giao dịch:
Năm 2019 thống kê trên hệ thống toàn tỉnh đã tiếp nhận 128.974 hồ sơ, trong đó: Hồ sơ trễ đã xử lý là 1.122 (chiếm 0,87% trên tổng số hồ sơ) tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,13% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống.
Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động tại địa chỉ internet http://dichvucong.gialai.gov.vn; cung cấp 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong năm 2019, tỷ lệ TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ nhưng còn thấp, chủ yếu phát sinh tại các sở, ngành, cụ thể: đã tiếp nhận 1.051 hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến mức độ 3, 132 hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ sử dụng dịch vụ công mức độ 3 đạt 39,08%; dich vụ công mức độ 4 đạt 66,24% (so với tổng số hồ sơ phát sinh ở thủ tục hành chính đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4).
Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động, tần suất hoạt động của hệ thống ngày càng nhiều và ngày càng phát huy hiệu quả. Trong năm 2019, ngoài các cuộc họp Trung ương với tỉnh, tỉnh với các huyện, nhiều cuộc họp từ Trung ương với tỉnh đã được thực hiện chuyển tiếp đến các huyện. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến qua các thiết bị di động để phục vụ các hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo tỉnh và nhu cầu hội họp của các đơn vị, đia phương.
- Mức độ chuyển đổi:
Trong năm 2019, qua kết quả kiểm tra, đánh giá, tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, tất cả các loại văn bản (trừ văn bản mật) đều được số hóa và gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản của tỉnh; trong năm 2019 đã có 952.140 lượt văn bản điện tử đã gửi, nhận qua hệ thống liên thông.
Hiên nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã ứng dụng các mẫu biểu điện tử trong công việc; các biểu mẫu chủ yếu là mẫu tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho công dân.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử trong các cơ quan nhà nước tỉnh Gia Lai năm 2019:
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử các sở, ban, ngành của tỉnh: Đứng thứ nhất là Sở Thông tin và Truyền thông đạt 96,789 điểm; đứng thứ 2 là Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 96,011 điểm; xếp thứ 3 là Văn phòng UBND tỉnh đạt 95,700 điểm. Xếp thứ 19 là Sở Lao động, Thương binh và xã hội đạt 76,553 điểm; xếp cuối là Thanh Tra tỉnh đạt 75,566 điểm.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử cấp huyện: Đứng thứ nhất là UBND huyện Kbang đạt 112,90 điểm; xếp thứ 2 là UBND thành phố Pleiku đạt 112,17 điểm; xếp thứ 3 là UBND huyện Đức Cơ đạt 111,36 điểm. Xếp thứ 15 là Thị xã Ayun Pa đạt 96,60 điểm, xếp cuối là UBND huyện Krông Pa đạt 87,67 điểm.
Căn cứ kết quả xếp hạng mức độ chính quyền điện tử năm 2019, các cơ quan nhà nước tỉnh Gia Lai đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Hạnh