Sau đây là một số kết quả chung đã đạt được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
- Kết quả về điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử
+ Hạ tầng công nghệ thông tin:
Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư. Hầu hết cán bộ, công chức (CBCC) trong các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
100% tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và hầu hết UBND cấp xã đã có mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao đáp ứng được nhu cầu công tác trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước, được kết nối mạng diện rộng của tỉnh (mạng WAN).
Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trong đó, 20/20 đơn vị cấp sở, ban, ngành đã được triển khai mô hình "Một cửa điện tử liên thông", 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã triển khai hệ thống "Một cửa điện tử" theo quy định.
Hệ thống hội nghị truyền hình: Hiện tại 17/17 đơn vị cấp huyện đã được trang bị phòng họp trực tuyến kết nối vào hệ thống của tỉnh, phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện; năm 2020, hệ thống được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo họp trực tuyến đến 100% UBND cấp xã.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng: Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin như: Hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dự phòng, trang bị phần mềm phòng, chống virus cho các máy tính...
Trên địa bàn tỉnh có 96,2% điểm Bưu điện văn hóa xã có kết nối Internet và thực hiện hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin về giải quyết TTHC; gần 57,4% hộ gia đình có máy tính kết nối Internet (tăng 11,7% so với năm 2019) và 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có kết Internet.
+ Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT:
Trên địa bàn tỉnh 100% (47/47) trường Trung học phổ thông; 84,04% (158/188) trường Trung học cơ sở và 51,1% (144/282) trường tiểu học đã thực hiện giảng dạy môn tin học.
Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ CBCC, cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm.
+ Môi trường chính sách:
Trong năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT; nhiều đơn vị đã ban hành quy chế khai thác sử dụng hệ thống thông tin và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Biên tập cổng/trang thông tin điện tử, quy định về quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên cổng/ trang thông tin điện tử.
+ Đầu tư cho CNTT:
Tại hầu hết cơ quan, đơn vị đã bố trí kinh phí và tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT hằng năm để: Nâng cấp xây dựng hệ thống mạng nội bộ, xây dựng trang thông tin điện tử, triển khai các phần mềm ứng dụng chuyên ngành, xây dựng các hệ thống CNTT phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT)...
- Kết quả Chính quyền điện tử
+ Mức độ hiện diện:
Tất cả (100%) các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã có Cổng/trang thông tin điện tử; các mục thông tin tối thiểu của Cổng/Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên đối với cấp xã thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định.
+ Mức độ tương tác:
Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành: 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản đi được số hóa, gửi liên thông trên phần mềm đạt gần 100% (trừ văn bản mật). Tỷ lệ văn bản đến được lãnh đạo đơn vị xét duyệt, chỉ đạo, giao việc trên phần mềm đối với các cơ quan cấp tỉnh đạt 100%; đối với cấp huyện là gần 98%, cấp xã đạt khoảng 80%.
Ứng dụng Chữ ký số: Đến nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và 100% đơn vị cấp xã đã được cấp Chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Tổng số chứng thư số được cấp hơn 3.525.
Hệ thống thư điện tử công vụ (gồm hộp thư công vụ của tỉnh ...@gialai.gov.vn và thư điện tử theo ngành dọc): Tỷ lệ CBCC được cấp hộp thư điện tử công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt hơn 95%. Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ khoảng 80%.
Ứng dụng phần mềm quản lý quá trình giải quyết TTHC: 20/20 đơn vị cấp tỉnh, 17/17 đơn vị cấp huyện, 220/220 đơn vị cấp xã đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ, TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng phần mềm nội bộ, chuyên môn: Các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai, sử dụng hiệu quả các ứng dụng chuyên môn, nghiệp vụ; 100% các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phần mềm tài chính - kế toán, các ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý người có công, các phần mềm, hệ thống CNTT chuyên ngành để phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
+ Mức độ giao dịch:
Trong năm 2020, thống kê trên hệ thống toàn tỉnh đã tiếp nhận 403.086 hồ sơ, trong đó: hồ sơ trễ đã xử lý là 4.127 (chiếm 1,02% trên tổng số hồ sơ) tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,98% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống.
Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động tại địa chỉ internet https://dichvucong.gialai.gov.vn; cung cấp 178 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 349 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống hoạt động ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc nộp hồ sơ, theo dõi, nhận kết quả giải quyết hồ từ các cơ quan hành chính nhà nước. Đã tiếp nhận 103.758 hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến mức độ 3, 9.842 hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến mức độ 4.
Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động, tần suất hoạt động của hệ thống ngày càng nhiều và ngày càng phát huy hiệu quả. Trong năm 2020, ngoài các cuộc họp Trung ương với tỉnh, tỉnh với các huyện, nhiều cuôc họp từ Trung ương với tỉnh đã được thực hiện chuyển tiếp đến các huyện; góp phần thực hiện tiết kiệm chi phí, thời gian, hiện đại nền hành chính.
+ Mức độ chuyển đổi:
Trong năm 2020, qua kết quả kiểm tra, đánh giá, tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, tất cả các loại văn bản (trừ văn bản mật) đều được số hóa và gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản của tỉnh; trong năm 2020 đã có 1.817.077 lượt văn bản điện tử đã gửi, nhận qua hệ thống liên thông.
Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã ứng dụng các mẫu biểu điện tử trong công việc; các biểu mẫu chủ yếu là mẫu phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa được số hóa và có khả năng kết xuất, in ấn để hẹn trả kết quả cho công dân.
Kết quả mức độ chính quyền điện tử cấp sở: Sở TTTT xếp thứ nhất với 116.83 đạt điểm, xếp thứ 2 là Sở Khoa học và Công nghệ đạt 115.62 điểm, thứ 3 là Văn phòng UBND tỉnh đạt 115.01 điểm; xếp cuối cùng là Ban Quản lý Khu Kinh tế với 97.74 điểm.
Kết quả mức độ chính quyền điện tử cấp huyện: Xếp thứ nhất là Huyện Chư Pưh đạt 140.29 điểm, xếp thứ 2 là Thành phố Pleiku đạt 140.28 điểm; xếp thứ 3 là Huyện Chư Sê đạt 136.58 điểm. Xếp cuối cùng là Huyện Krông pa đạt 98.04 điểm.
Mai Xuân Cường