Đang xử lý.....

Gia Lai: Kết quả Đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021  

Ngày 29 tháng 7 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 489 /QĐ-UBND về phê duyệt kết quả Đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021.
Thứ Tư, 10/08/2022 160
|

Về kết quả chung của đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021

 Điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử:

 Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT): Hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động xây dựng chính quyền điện tử; 100% cơ quan có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng (WAN) và Internet băng thông rộng; Trung tâm tích hợp dữ liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

 Hệ thống hội nghị truyền hình (HNTH): đến thời điểm hiện tại, hệ thống HNTH do tỉnh quản lý (thiết bị trung tâm đặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông) đã thiết lập kết nối thông suốt với 251 điểm cầu.

 Công tác bảo đảm an toàn thông tin được tăng cường, triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình "04 lớp"; tổ chức tập huấn và diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh cho công chức phụ trách về CNTT các cơ quan, đơn vị. Triển hai hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; duy trì hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT: Trên địa bàn tỉnh có 100% (47/47) trường Trung học phổ thông; 100% (162/162) trường Trung học cơ sở và 52,13% (147/282) trường Tiểu học đã thực hiện giảng dạy môn tin học, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tin học các cấp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT, tạo tiền đề hình thành công dân điện tử trong tương lai.

Môi trường chính sách: Trong năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin năm 2021; hầu hết các đơn vị đã ban hành quy chế khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Biên tập cổng/trang thông tin điện tử, quy định về quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên cổng/ trang thông tin điện tử.

Về đầu tư cho CNTT: Tại hầu hết cơ quan, đơn vị đã bố trí kinh phí và tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT hằng năm để: nâng cấp xây dựng hệ thống mạng nội bộ, xây dựng trang thông tin điện tử, triển khai các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số... Nhìn chung, việc đầu tư cho CNTT ở các đơn vị, địa phương là đúng định hướng, có tính đồng bộ, hiệu quả tốt.

Kết quả xây dựng Chính quyền điện tử:

 Mức độ hiện diện: 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có Cổng/trang thông tin điện tử; các mục thông tin tối thiểu của Cổng/Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu theo khoản 2 Điều 28 Luật Công nghệ thông tin, Điều 10 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 32/2017/BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định khác có liên quan. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh. Tuy nhiên đối với cấp xã thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định.

 Mức độ tương tác: Ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH): 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 911 cơ quan, đơn vị tham gia sử dụng phần mềm dùng chung này, với sự tham gia của tất cả công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

 Ứng dụng Chữ ký số: đến nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và 100% đơn vị cấp xã đã được cấp Chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Tổng số chứng thư số đã được cấp hơn 4.830. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện hầu hết đều ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử và thực hiện các giao dịch điện tử như: giao dịch với Kho bạc, kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội,...Tuy nhiên tại nhiều xã việc sử dụng chữ ký số còn chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng văn bản điện tử phát hành và gửi liên thông không được ký số.

 Hệ thống thư điện tử công vụ (gồm hộp thư công vụ của tỉnh ......@gialai.gov.vn và thư điện tử theo ngành dọc): tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được cấp hộp thư điện tử công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt hơn 95%.

 Ứng dụng phần mềm quản lý quá trình giải quyết thủ tục hành chính: 20/20 đơn vị cấp tỉnh, 17/17 đơn vị cấp huyện, 220/220 đơn vị cấp xã đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông để tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ, TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp; việc thực hiện quy trình xử lý trong nội bộ cũng đã được thực hiện trên môi trường mạng.

 Ứng dụng phần mềm nội bộ, chuyên môn: các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai, sử dụng hiệu quả các ứng dụng chuyên môn, nghiệp vụ; 100% các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý người có công và các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ như: Phần mềm hệ thống thông tin tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp tỉnh Gia Lai, Cơ sở dữ liệu về thông tin công tác dân tộc tỉnh Gia Lai, các ứng dụng quản lý thư viện, quản lý trường học...

 Mức độ giao dịch: Trong năm 2021, trên hệ thống toàn tỉnh đã tiếp nhận 508.364 hồ sơ.

 Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động tại địa chỉ internet https://dichvucong.gialai.gov.vn; cung cấp 136 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 1.069 DVCTT mức độ 4.

 Hệ thống Hội nghị truyền hình (HNTH) của tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, tần suất họp trực tuyến qua HNTH ngày càng nhiều.

 Mức độ chuyển đổi: Trong năm 2021, qua kết quả kiểm tra, đánh giá, tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, 100% văn bản (trừ văn bản mật) đều được số hóa và gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản của tỉnh; trong năm 2021 đã có 2.568.409 lượt văn bản điện tử đã gửi, nhận qua hệ thống liên thông.

Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử trong các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Gia Lai năm 2021:

- Chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh: Đứng đầu là Sở Thông tin và Truyền thông đạt 117,69 điểm, tiếp sau thứ 2 là văn phòng UBND tỉnh đạt 117,08 điểm; Hai đơn vị là Ban Quản lý Khu Kinh tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là hai đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng.

- Chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử của các huyện, thị xã, thành phố: Đứng thứ nhất và thứ hai là UBND thành phố Pleiku đạt 148,43 điểm và UBND huyện chư Pưh đạt 148,07 điểm; Đứng cuối bảng xếp hạng là hai huyện Mang Yang đạt 127,61 điểm và huyện Đak Đoa đạt 122,52 điểm.

- Về chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử của các xã, phường, thị trấn có đánh giá nhưng không xếp hạng. Đứng đầu vể điểm số là phường Hội Thương đạt 60,90 điểm.

Xuân Cường