Theo đó, đối tượng thu thập số liệu để đánh giá, xếp hạng năm 2018 có 2 nhóm đối tượng:
- Đối tượng 1: Khối các sở, ban, ngành tỉnh (cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh);
- Đối tượng 2: Khối Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (bao gồm văn phòng và các phòng chức năng).
Các tiêu chí được đánh giá, gồm: Hạ tầng kỹ thuật, Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, Nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Kết quả xếp hạng năm 2018 như sau:
1. Khối các sở, ban, ngành:
Đơn vị có tổng số điểm cao nhất là Sở Y tế (184.9 điểm), xếp hạng thứ 02 là Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (184 điểm), Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ 4 (166.5 điểm).
Đơn vị có tổng số điểm thấp nhất là Ban Dân tộc (114.5 điểm) xếp hạng thứ 19, xếp hạng thứ 18 là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (114.9 điểm).
2. Khối Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Đơn vị có tổng số điểm cao nhất là Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ (186.6 điểm), xếp hạng thứ 02 là Ủy ban nhân dân thị xã Mường Lay (171.3 điểm) và xếp hạng thứ 03 là Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà (166.4 điểm).
Đơn vị có tổng số điểm thấp nhất là Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ (134.1 điểm).
Năm 2018, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai.
- Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: được quan tâm đầu tư, gần 100% cán bộ công chức được trang bị máy tính; 100% các máy tính được kết nối internet; tỷ lệ máy tính được cài phần mềm diệt virus có bản quyền tăng. Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin khối sở, ban, ngành tỉnh đã có sự quan tâm và đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin như hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dữ liệu dự phòng, …
- Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin: đa số các cơ quan đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng. 100% các cơ quan đã xây dựng trang/cổng thông tin điện tử và thành lập Ban Biên tập, tuy nhiên việc cập nhật thông tin chưa thường xuyên. Ngoài ra, do tỉnh chưa ứng dụng chữ ký số nên số lượng văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh còn hạn chế.
- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được các cơ quan đơn vị quan tâm. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 119 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Đa số các cơ quan đã bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và có trình độ công nghệ thông tin từ cao đẳng trở lên.
- Sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, ban hành các văn bản liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm: Kế hoạch, các quy chế, quy định về sử dụng thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản, trang thông tin điện tử, kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin, … được thực hiện tương đối tốt.
Qua kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Điện Biên năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã có kết luận:
Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin đã được đầu tư như các hệ thống: Hệ thống một cửa điện tử theo hướng hiện đại, thư điện tử công vụ của tỉnh, phần mềm Quản lý điều hành văn bản; Trang/cổng thông tin điện tử; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo các cơ chế, chính sách và tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cácn bộ chuyên trách về công nghệ thông tin
Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần chú trọng, quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý công việc, cung cấp dịch vụ công mức độ cao phục vụ người dân và doanh nghiệp, ứng dụng chữ ký số tăng cường trao đổi văn bản điện tử.
Trần Thị Duyên