Đối tượng thu thập số liệu để đánh giá, xếp hạng năm 2019 của tỉnh Điện Biên được chia làm 02 nhóm đối tượng cụ thể: Khối các sở, ban, ngành tỉnh (cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh) và Khối Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (bao gồm văn phòng và các phòng chuyên môn).
Phương pháp chuẩn hóa, đánh giá, xếp hạng: dựa trên các số liệu thu thập được từ các cơ quan, sau khi kiểm tra, cập nhật, đối chiếu, tổng hợp tiến hành phân tích, đánh giá và xếp hạng theo các chỉ số Chính quyền điện tử Dien Bien E-Gov index với ba mức độ cụ thể:
Ứng dụng công nghệ thông tin mức độ khá: Tổng điểm từ 150 điểm đến 200 điểm.
Ứng dụng công nghệ thông tin mức độ trung bình: Tổng điểm từ 100 điểm đến dưới 150 điểm.
Ứng dụng công nghệ thông tin mức độ thấp: Tổng điểm dưới 100 điểm.
Theo đó năm 2019 thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên như sau:
- Về hạ tầng kỹ thuật
Tỷ lệ kết nối Internet: Từ năm 2017 đến năm 2019 đều đạt 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã kết nối mạng internet.
Tỷ lệ máy tính/ cán bộ công chức: Các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện đạt tỷ lệ 100% từ năm 2017 đến năm 2019, cấp xã đạt tỷ lệ 77% năm 2017, 79% năm 2018 và đến năm 2019 đạt tỷ lệ 80%.
Điểm truy cập Internet công cộng: Năm 2019 đạt 201 điểm truy cập.
Tỷ lệ các cơ quan được trang bị hệ thống an toàn an ninh mạng: Các cơ quan hành chính cấp tỉnh năm 2017 và năm 2018 đều đạt tỷ lệ 42%, năm 2019 đạt tỷ lệ 47%; Các cơ quan hành chính cấp huyện năm 2017 đạt tỷ lệ 60%, năm 2018 và 2019 đạt tỷ lệ 70%. Riêng cấp xã chưa được trang bị hệ thống an toàn an ninh mạng.
Như vậy hạ tầng kỹ thuật CNTT tại tỉnh Điện Biên năm vừa qua đã được quan tâm đầu tư, gần 100% cán bộ công chức được trang bị máy tính; 100% các máy tính được kết nối internet; tỷ lệ máy tính được cài phần mềm diệt virus có bản quyền tăng. Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở cả 2 khối đã quan tâm và đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin như: phần mềm diệt virus có bản quyền, hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dữ liệu dự phòng…
- Về Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước:
Tỷ lệ các cơ quan triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng: Từ năm 2017 đến năm 2019 các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã triển khai đạt tỷ lệ 100%.
Tỷ lệ các cơ quan ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong việc ký số các văn bản điện tử: Các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã triển khai năm 2017 và năm 2018 với tỷ lệ 5%, năm 2019 đạt tỷ lệ 68%; cấp huyện năm 2017 và 2018 chưa triển khai, năm 2019 đã đạt tỷ lệ 20%; cấp xã đến năm 2019 chưa triển khai được chữ ký số.
Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc: Các cán bộ công chức, viên chức cơ quan hành chính cấp tỉnh năm 2017 đạt tỷ lệ 92,2%, năm 2018 đạt 93%, năm 2019 đạt 100%; Cấp huyện năm 2017 và 2018 đạt tỷ lệ 90%, năm 2019 đạt tỷ lệ 100%; Cấp xã từ năm 2017 đến năm 2019 đạt tỷ lệ 80%.
Tỷ lệ các cơ quan nhà nước trong tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử: Từ năm 2017 đến năm 2019 tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh đã có cổng/trang thông tin điện tử, đạt tỷ lệ 100%.
Số các dịch vụ công trực tuyến: Năm 2017 Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 là 2020 dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 136 dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 22 dịch vụ; Năm 2018 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 là 1809 dịch vụ; mức độ 3 là 119 dịch vụ; mức độ 4 là 9 dịch vụ; Năm 2019 Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 là 1785 dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 251 dịch vụ và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 86 dịch vụ.
Số hệ thống một cửa điện tử tại sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Năm 2017 có 12 hệ thống, đến năm 2019 có13 hệ thống.
Đa số các cơ quan đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng. 100% các cơ quan đã xây dựng trang/cổng thông tin điện tử và thành lập Ban Biên tập. Đã có 13/29 cơ quan, đơn vị đã ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong việc ký số các văn bản điện tử trên phần mềm QL&ĐHVB (trong đó: cấp tỉnh 11 cơ quan; cấp huyện 2 đơn vị) do đó việc trao đổi văn bản trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị đã tăng đáng kể.
- Về nguồn nhân lực Công nghệ thông tin
Tỷ lệ cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước được qua đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin: Năm 2017 mới chỉ có 83% cán bộ được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin thì đến năm 2019 đã đạt tỷ lệ 100% cán bộ được đào tạo.
Tỷ lệ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin: Năm 2017 đạt tỷ lệ 83%, đến năm 2019 đã đạt tỷ lệ 90% cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin.
2. Kết quả đánh giá xếp hạng theo chỉ số Chính quyền điện tử của tỉnh (DienBien e-Gov index):
Khối các sở, ban, ngành tỉnh:
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức khá (150 điểm trở lên) có 15 cơ quan: Xếp thứ nhất là Sở Y Tế, xếp thứ 2 là Sở Thông tin và Truyền thông và thứ 3 là Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó các cơ quan tăng hạng gồm: Sở Thông tin và Truyền thông tăng 4 bậc; Sở Giáo dục và Đào tạo tăng 2 bậc; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng 4 bậc; Sở Tư pháp tăng 2 bậc; Sở Công thương tăng 3 bậc; Sở Tài nguyên và Môi trường tăng 5 bậc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 5 bậc.
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức trung bình (từ 100 đến dưới 150 điểm) có 04 cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc tỉnh.
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức thấp (dưới 100 điểm): không có.
Khối UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức khá (150 điểm trở lên) có 9 đơn vị: Xếp thứ nhất là UBND Thành phố Điện Biên Phủ, xếp thứ 2 là UBND huyện Mường Ảng, xếp thứ 3 là UBND huyện Điện Biên Đông. Các cơ quan tăng hạng gồm: UBND huyện Mường Ảng tăng 2 bậc; UBND huyện Điện Biên Đông tăng 4 bậc; UBND huyện Tuần Giáo tăng 1 bậc.
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức trung bình (từ 100 đến dưới 150 điểm) có 01 đơn vị: UBND huyện Mường Nhé.
Nhóm chỉ số E-GOV INDEX đạt mức thấp (dưới 100 điểm): không có.
Như vậy Năm 2019, việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai. Nhóm có chỉ số E-GOV INDEX đạt mức khá (150 điểm trở lên) ở cả 2 khối đều tăng so với năm 2018: Khối sở, ban, ngành tỉnh tăng 7 cơ quan; khối UBND các huyện tăng 2 đơn vị.
Để đảm bảo thực hiện tốt việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian tới Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị:
Tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng CNTT đã được đầu tư như các hệ thống: Dịch vụ công trực tuyến, phần mềm Quản lý và điều hành văn bản; trang/cổng thông tin điện tử; các ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT; đảm bảo các cơ chế, chính sách và tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ chuyên trách về CNTT.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần chú trọng, quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý công việc, ứng dụng chữ ký số tăng cường trao đổi văn bản điện tử…
Nguyễn Hạnh