Ngày 03/04/2016, Ban Chỉ đạo ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Điện Biên đã có Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bản tỉnh năm 2016, đây là năm thứ 5 Ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tiến hành thu thập số liệu và tiến hành đánh giá xếp hạng theo chỉ số Chính quyền điện tử của tỉnh (DienBien e-Gov index).
Theo đó, năm 2016 tỉnh tập trung đánh giá vào 04 tiêu chí chính là: (1) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính Nhà nước; (3) Nguồn nhân lực công nghệ thông tin; (4) Chính sách và đầu tư công nghệ thông tin. Đối tượng thu thập số liệu được chia làm 2 nhóm đối tượng là Khối các sở, ban, ngành tỉnh và Khối Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Kết quả xếp hạng chung cho thấy trong năm 2016, khối các Sở, ban ngành ứng dụng công nghệ thông tin được xếp ở mức độ khá (từ 150 - 200 điểm) gồm có 06 đơn vị, dẫn đầu là Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh (đạt 159 điểm) trong nhóm này có 04 cơ quan tăng hạng; 01 cơ quan giữ nguyên hạng và 01 cơ quan tụt hạng), ở mức trung bình (từ 100 – dưới 150 điểm) có 11 đơn vị (có 04 cơ quan tăng hạng; 06 cơ quan tụt hạng) và có 02 đơn vị xếp ở mức độ thấp (dưới 100 điểm).
Đối với khối Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được xếp ở mức độ khá có duy nhất 01 cơ quan là Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ; mức trung bình có 07 đơn vị (02 cơ quan tăng hạng và 03 cơ quan tụt hạng) và mức thấp có 02 đơn vị. Nhìn chung, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan tăng cao hơn so với năm 2015, tuy nhiên, vẫn còn chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị xếp cuối.
Về Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được các đơn vị quan tâm đầu tư, đặc biệt là khối các sở, ban, ngành tỉnh được đầu tư gần 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính; phần mềm diệt virus có bản quyền được trang bị nhiều hơn cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn thông tin như hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dữ liệu dự phòng,…cả 02 khối đều chưa có sự quan tâm nhiều.
Về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành đa số các đơn vị đều có sự quan tâm nâng cao hiệu quả khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, nhiều phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng. Đa số cán bộ, công chức đều được cấp hộp thư điện tử công vụ nhưng tỷ lệ sử dụng trong công việc còn hạn chế. Các đơn vị đều có trang thông tin điện tử và thành lập Ban Biên tập, tuy nhiên, việc cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử phần lớn là thông tin mang tính chất báo chí, các thông tin chỉ đạo điều hành chưa nhiều. Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa được ứng dụng chữ ký số nên việc trao đổi văn bản trên môi trường mạng còn hạn chế.
Về Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ngày càng tăng (từ 50 dịch vụ năm 2015 lên 87 dịch vụ năm 2016), có 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Sở Tài chính. Đa số các cơ quan đã bố trí được cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Lãnh đạo các đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, công chức được tham gia các lớp đào tạo về công nghệ thông tin.
Để đẩy mạng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo của người đứng dầu mỗi cơ quan đơn vị đối với ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đinh Thị Thanh Vân