Đang xử lý.....

Đà Nẵng: Ban hành Lộ trình triển khai Dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2017 - 2020  

Để tăng số lượng và hiệu quả sử dụng đối với các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 do các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cung cấp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân, ngày 20 tháng 02 năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 892/QĐ-UBND ban hành Lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020.
Thứ Năm, 16/03/2017 2726
|

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là:

- Tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 lên 1,5 lần so với năm 2016 (khoảng 780 dịch vụ công trực tuyến) – theo số liệu báo cáo của thành phố Đà Nẵng;

- Xây dựng 100% dịch vụ công trực tuyến ưu tiên triển khai theo các văn bản quy định của Trung ương.

Để hoàn thành được các mục tiêu nêu trên, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Lộ trình thực hiện xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên trong giai đoạn 2017-2020 như sau:

- Trong năm 2017, triển khai cung cấp khoảng 40 dịch vụ theo các nhóm ưu tiên (theo Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2779/VPVP-KGVX ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến ưu tiên thực hiện); đồng thời triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến để phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

- Triển khai khoảng 215 dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn 2018-2020, bao gồm các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Du lịch, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội; và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện.

Với Lộ trình xây dựng dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2017-2020, thành phố Đà Nẵng cũng đã đưa ra bốn giải pháp thực hiện:

Thứ nhất về cơ chế, chính sách: rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ hài lòng về dịch vụ công đã được triển khai tại thành phố; giám sát thường xuyên hoạt động của dịch vụ công trực tuyến; giảm tải hồ sơ đầu vào của các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tin học hóa và nộp hồ sơ qua môi trường mạng của tổ chức, công dân; kết hợp với việc ban hành danh mục các giấy tờ được chấp nhận nộp dưới dạng điện tử để giảm tối thiểu việc sử dụng các văn bản giấy.

Thứ hai về kỹ thuật, công nghệ: xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng hệ thống thông tin Chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng (địa chỉ egov.danang.gov.vn) để bảo đảm nhất quán về công nghệ, tiết kiệm chi phí triển khai và thống nhất một đầu mối cổng thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố.

Thứ ba về nhân lực: chú trọng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đủ năng lực xây dựng, phát triển, vận hành các hệ thống thông tin của thành phố nói chung và các dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Thứ tư - giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thực, hướng dẫn sử dụng: thành phố chú trọng công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu thường xuyên về dịch vụ công trực tuyến để tổ chức, công dân biết và hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Trần Thị Duyên