Đang xử lý.....

Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.  

Ngày 04/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi Văn bản số 4946/BTTTT-THH về việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng...
Thứ Năm, 27/10/2022 114
|

Để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy sử dụng DVCTT, Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị Hướng dẫn các nội dung về triển khai DVCTT theo quy định mới của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

Hình 1 – Hội nghị hướng dẫn triển khai DVCTT theo nghị định 42/2022/NĐ-CP

          Đây là hội nghị đầu tiên được đồng tổ chức bởi hai đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ, nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Hội nghị được tổ chức quy mô toàn quốc, điểm cầu trực tiếp tại Cục Chuyển đổi số quốc gia và trực tuyến đến 63 điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hình 2 – Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị đồng chủ trì của hai đơn vị, về phía Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông có đồng chí Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, về phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ có đồng chí Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Hình 3- Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia

Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia có đồng chí Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng giới thiệu tổng quan Nghị định 42/2022/NĐ-CP, đồng thời nêu lại nhóm nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP đối với các đơn vị như sau:

Nhóm nhiệm vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì:

- Nhóm 1: Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ
thuật (hỗ trợ người khuyết tật; cấu trúc, bố cục; tiêu chí kỹ thuật…).

- Nhóm 2: Xây dựng các nền tảng, công cụ kỹ thuật.

- Nhóm 3: Kiểm tra, đánh giá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; Báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.  

 Nhóm nhiệm vụ do Văn phòng Chính phủ chủ trì:

- Nhóm 1: Hướng dẫn rà soát, đánh giá TTHC đáp ứng yêu cầu xây dựng DVCTT theo 02 mức độ.

- Nhóm 2: Phát triển, vận hành và duy trì Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

- Nhóm 3: Quy định, hướng dẫn việc chuẩn hóa danh mục DVCTT các cấp và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

- Nhóm 4: Phát triển, hoàn thiện Cổng DVCQG và tích hợp DVCTT của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng DVCQG; theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương bằng dữ liệu theo thời gian thực.
  Nhóm nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương:

- Quản lý, giám sát và cải tiến chất lượng cung cấp thông tin và dịch vụ công
trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về cung cấp thông
tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình cung cấp thông tin và dịch vụ
công trực tuyến.

- Tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này tại bộ, ngành, địa phương.

Hình 4- Ông Nguyễn Đình Lợi – Trưởng phòng – Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

Về phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính có ông Nguyễn Đình Lợi trình bày về Hướng dẫn rà soát thủ tục hành chính để triển khai DVCTT.

Hình 5 – Ông Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng – Cục Chuyển đổi số quốc gia.

Cục Chuyển đổi số quốc gia do ông Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng trình bày các giải pháp thúc đẩy sử dụng DVCTT, gồm có 7 giải pháp như sau:

1. Chuẩn hóa danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

2. Giao chỉ tiêu DVCTT gắn trách nhiệm với người đứng đầu.

3. Chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT.

4. Ban hành chính sách giảm phí, lệ phí khuyến khích sử dụng DVCTT.

5. Ban hành chính sách giảm thời gian khuyến khích sử dụng DVCTT.

6. Triển khai thí điểm ngay một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy.

7. Ứng dụng Trợ lý ảo hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến nội dung triển khai Nghị định 42/2022/NĐ-CP và tại công văn hướng dẫn số 4946/BTTTT-THH của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía Cục Chuyển đổi số quốc gia và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thống nhất sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để triển khai Nghị định 42/2022/NĐ-CP, cụ thể:

Đồng chí Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính:

- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức thêm nhiều hội nghĩ nữa để hỗ trợ cho các bộ, ngành, địa phương. Hai đơn vị cùng phối hợp thì chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả, chất lượng DVCTT.

- DVCTT là vấn đề liên bộ, VPCP có chức năng nhiệm vụ, Bộ TTTT có chức năng nhiệm vụ, nhưng người hưởng lợi là bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, chúng ta phải mời Ban Cơ yếu CP (cung cấp chữ ký số chuyên dùng); Bộ Công an (C06) về định danh sử dụng DVCTT. 4 bộ/ngành phải thống nhất một cách hiểu để bảo đảm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương.

- Về ra soát, tái cấu trúc quy trình, chuẩn hóa là trách nhiệm của các sở, ban, ngành chuyên môn. VPCP hay Bộ TTTT chỉ hướng dẫn thôi.

Hiện nay, các HTTT cung cấp DVCTT (Cổng DVC/HTMCĐT) chưa đáp ứng theo yêu cầu của NĐ 107 thì người dân không sử dụng được. Cần phải đáp ứng về Hạ tầng, công nghệ.

          - Về hỗ trợ cho người dùng: Đề án 468 là đề án hỗ trợ cho người dùng, mỗi trung tâm HCC phải trở thành trung tâm CĐS hỗ trợ cho người dân, tuy nhiên, do đặc thù của người VN là người nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì Chính phủ đã chỉ đạo cán bộ ở bộ phận 1 cửa phải hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT, số hóa hồ sơ của người dân để sử dụng lại. Giải pháp: đưa dịch vụ bưu chính công ích vào hỗ trợ người dân. Đến năm 2025: 15 phút là xử lý xong hồ sơ của người dân.

          - Việc phối hợp giữa Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Cục Chuyển đổi số quốc gia đã tốt rồi, tuy nhiên cần phải tốt hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn hóa các số liệu, chỉ tiêu đo lường DVCTT.

          - Về yêu cầu tiến độ hoàn thành rà soát danh mục DVCTT toàn trình, một phần: Sở TTTT và VPUBND tỉnh có tài khoản trên Cổng DVCQG để trích xuất ban hành danh mục ra luôn.

          - Về ngành dọc, phải thực hiện kết nối đúng theo NĐ 42: chỉ đồng bộ hồ sơ 1 lần thôi, giảm tải khó khăn cho bộ, tỉnh.

          - Đề nghị mỗi tháng 02 cục thường xuyên làm việc, phối hợp. Có văn bản gửi cho các đơn vị nay không tham dự vì đây là việc chung của Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia:

          - Muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì đi cùng nhau. DVCTT thì phải đi xa nên chúng tôi đi cùng nhau. Để cung cấp DVCTT hiệu quả, bản thân các đồng chí hãy đóng vai người dân để thử sử dụng DVCTT xem có thực hiện được ko? Khó khăn ở đâu?

          - Bộ, ngành, địa phương phải đề nghị doanh nghiệp phải có trải nghiệm cho người dân khi sử dụng DVCTT.

          - Về danh mục DVCTT toàn trình, như đồng chí Ngô Hải Phan đã gợi ý: xuất file DVCTT mức độ 4 và rà soát lại theo toàn trình. Cố gắng: ngày 30/10, bộ, tỉnh gửi danh mục DVCTT toàn trình, một phần.

          - Thống nhất toàn bộ chỉ tiêu, số liệu về DVCTT giữa Bộ TTTT – VPCP trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố ra ngoài.

          - Về giải pháp thúc đẩy sử dụng DVCTT: Cục Cục Chuyển đổi số quốc gia đã đề xuất 7 giải pháp. Ví dụ, Tây Ninh đã có sáng kiến là sở, huyện không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Do đó, tôi tin chắc là vài tháng nữa, HSTT của Tây Ninh rất cao. Hay như Vĩnh Long, thời gian Dịch bệnh covid thì người dân dùng DVCTT rất nhiều … 23 tỉnh có văn bản giao chỉ tiêu DVCTT, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cũng sẽ có HSTT rất cao.

 

Xuân Cường