Trong những năm qua, dịch vụ công trực tuyến đã được các sở, ban, ngành tích cực rà soát, cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 87% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp; chưa được người dân và doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến. Năm 2021, tỉnh Cao Bằng chỉ đạt 10% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến chỉ đạt 9,8%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước…
Để phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao; nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân hiệu quả, thực chất, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh, các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố cần sớm triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Với các mục tiêu chính, cụ thể như sau:
- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp DVCTT ở mức độ 4.
- Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%.
- Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.
- Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử tỉnh được kết nối, khai thác và sử dụng ngày các dich vụ dữ liệu đã sẵn sàng được cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh Cao Bằng đã đưa ra các giải pháp cụ thể như sau:
1. Giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến
- Nội dung thực hiện: Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ và hồ sơ phát sinh trực tuyến trong năm 2022, cụ thể như sau:
+ Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ (bao gồm phát sinh hồ sơ trực tuyến và trực tiếp) đạt 80% trở lên.
+ Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ của DVCTT ở mức độ 3. 4 (bao gồm hồ sơ trực tuyến và trực tiếp) đạt 50% trở lên.
- Thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.
2. Lựa chọn, đề xuất dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến
- Nội dung thực hiện: Các Sở, Ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã lựa chọn, thực hiện chỉ tiếp nhận hồ sơ đối với một số DVCTT tương ứng với một số đối tượng sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ (lựa chọn ít nhất 01 DVCTT trở lên chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến); công bố, thông báo rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện; đồng thời gửi về Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn thực hiện.
3. Ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến
3.1. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai thực hiện chính sách giảm thời gian giải quyết và ưu tiên giải quyết đối với các hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến
3.2. Tham UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến
3.3 Rà soát, đưa các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4
- Nội dung thực hiện: Các Sở, Ban ngành, nhất là các đơn vị có tỷ lệ DVCTT mức độ 4 chưa cao, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý, các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đặc biệt là thủ tục phát sinh nhiều hồ sơ, các thủ tục trong danh mục dịch vụ công thiết yếu được quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01.2022 (Đề án 06) và danh mục DVCTT tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4, bảo đảm các DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến; gia tăng số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến
4.1. Tăng cường công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp
- Nội dung thực hiện:
+ Đẩy mạnh, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông về sự thuận tiện của DVCTT trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; đổi mới nội dung và hình thức để truyền thông, hướng dẫn phù hợp, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, xã triển khai hiệu quả nội dung này.
+ Biên soạn tờ rơi giới thiệu DVCTT, hướng dẫn sử dụng cho từng DVCTT theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn ngữ thân thiện phát cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã; xây dựng hình ảnh minh họa, video hướng dẫn đăng tải trên các trang thông tin điện tử, màn hình hiển thị.
+ Xây dựng tin, bài tuyên truyền về DVCTT phát trên đài truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có sức lan tỏa, tương tác cao (như Zalo, Facebook,…).
+ Hoàn thành việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
4.2. Bảo đảm các dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 được tối ưu trải nghiệm, dễ thực hiện cho người dân và doanh nghiệp
- Nội dung thực hiện:
+ Hoàn thiện các mẫu đơn, tờ khai dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác trên Cổng dịch vụ công tỉnh, sử dụng các thông tin có sẵn từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng lại thông tin, hồ sơ, giấy tờ đã nộp trước đó; tối ưu hóa giao diện theo hướng dẫn thân thiện “lấy tổ chức và cá nhân thực hiện thủ tục hành chính làm trung tâm”.
+ Rà soát, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
+ Thường xuyên chạy thử trải nghiệm của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh từ bước nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả cho từng dịch vụ công nhằm kịp thời hiệu chỉnh các bất cập, cải thiện qui trình và yêu cầu hồ sơ.
4.3. Chú trọng giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ bưu chính
- Nội dung thực hiện: Rà soát, đánh giá khă năng đáp ứng của bưu điện huyện, điểm phục vụ bưu chính xã để giới thiệu, hỗ trợ cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến tại các điểm phục vụ bưu chính có đủ điều kiện.
4.4. Đăng ký, quản lý tài khoản ngân hàng dùng cho việc thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính trực tuyến
- Nội dung thực hiện: Cơ quan Giải quyết thủ tục hành chính các cấp đăng ký mở tài khoản ngân hàng thương mại, khai báo trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh phục vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến. Không sử dụng tài khoản cá nhân hoặc tài khoản dùng chung với các mục đích khác.
5. Đẩy mạnh kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương
- Nội dung thực hiện: Kết nối, khai thác và sử dụng ngay các dịch vụ dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT.
6. Chế độ báo cáo
Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch này định kỳ tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, báo cáo hàng quý trước ngày 28 tháng cuối quý gửi UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh) về tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành: Các cơ quan chủ trì báo cáo kết quả thực hiện khi hết thời hạn giao hoàn thành nhiệm vụ.
Xuân Cường