- Về triển khai nhiệm vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng:
Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) Cao Bằng đã ban hành Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng như: Quy định về trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn; Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice trên địa bàn tỉnh; Đang lấy ý kiến Dự thảo Quy định về trao đổi, xử lý văn bản điện tử.
Về gửi nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng đến thời điểm hiện tại đạt được một số kết quả: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ trao đổi văn bản điện tử; 92% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử; 34% hồ sơ công việc trong hoạt động của cơ quan nhà nước được xử lý trên môi trường mạng; 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp chứng thư số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 100% cán bộ công chức lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước của tỉnh được cấp và sử dụng chứng thư số.
- Về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên cổng Dịch vụ công quốc gia: Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử đã được kết nối, tích hợp sử dụng chung Hệ thống xác thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia; đã kết nối, tích hợp với nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia; Đang triển khai tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình (hiện đã có 06 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia).
- Về chuẩn hóa, điện tử hóa báo cáo; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương: Đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan nhà nước, chuẩn hóa 14 chế độ báo cáo định kỳ của các cơ quan nhà nước, công bố danh mục báo cáo định kỳ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện và vận hành khai trương đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh, kết nối các hệ thống điều hành của Chính phủ. - Về tỉnh hình triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành làm căn cứ quan trọng cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định về công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương, rà soát cập nhật các quyết định công bố TTHC của Bộ, ngành Trung ương để tham mưu kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương.
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được quan tâm thực hiện, trong 8 tháng đầu năm đã tiếp nhận, xử lý 514 phản ánh, kiên nghị trên Hệ thống.
UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và đạt một số kết quả tích cực, Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai thực hiện đến 100% các xã, phường, thị trấn; Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; tuyên truyền cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện TTHC thời kỳ phòng chống dịch Covid-19.
Tại cấp huyện, cấp xã đến nay 10/10 huyện, thành phố, 161/161 xã, phường, thị trấn đã kiện toàn Bộ phận Một cửa và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa.
- Triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử theo quy định; hiện tỉnh đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện cấp bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính
Bên cạnh những kết quả đã đạt được UBND tỉnh Cao Bằng còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc:
- Việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Tại tỉnh Cao Bằng hiện cơ sở vật chất, hạ tầng (máy tính, máy quét văn bản, hạ tầng mạng…), trình độ công chức, viên chức một số cơ quan, đơn vị (đặc biệt tại cấp xã) chưa đáp ứng được yêu cầu để kịp thời triển khai một số dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu. Ngoài ra một số dịch vụ công đã được tích hợp, cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhưng các quy định pháp luật để thực hiện các dịch vụ này chưa phù hợp đáp ứng yêu cầu nộp hồ sơ, nhận kết quả trên môi trường điện tử (ví dụ như: người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn phải đến để chụp ảnh, giấy khám sức khỏe…) hoặc chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về quy trình, nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trách nhiệm thực hiện (như dịch vụ công cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao điện tử từ bản chính).
- Kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Về kiểm soát thủ tục hành chính: Hiện nay bộ phận kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND tỉnh chưa được quy định rõ cho biên chế thực hiện công tác này gây khó khăn trong phối hợp, tham mưu chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ; Mốt số Bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời công bố, đăng tải công khai các TTHC quy định trong các văn bản pháp luật hoặc công bố không đầy đủ các bộ phận của TTHC gây khó khăn cho địa phương trong công bố danh mục TTHC áp dụng tại địa phương.
Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
Theo quy định thì UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện thì với vị trí pháp lý theo quy định này Trung tâm phục vụ hành chính công gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp công tác với các sở, ban, ngành, công tác quản lý công chức, viên chức của các đơn vị cấp sở.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa, gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện hỗ trợ cho công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa các cấp.
Để giải quyết các khó khăn vướng mắc nói trên và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị:
- Đề nghị Văn phòng Chính phủ tăng cường đôn đốc, giám sát việc gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện nghiêm việc trao đổi văn bản điện tử, đặc biệt là việc sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử từ bộ, ngành trung ương đến địa phương.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho chính quyền các cấp khi thực hiện; Lựa chọn dịch vụ công trực tuyến để cung cấp, triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phù hợp với từng nhóm địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng nhau và có lộ trình phù hợp; không triển khai cùng lúc quá nhiều dịch vụ công trực tuyến đối với các địa phương có điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nguồn nhân lực chưa đảm bảo.
- Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương: Công bố TTHC theo đúng quy định, nâng cao chất lượng công tác công bố, đăng tải TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; công bố kịp thời TTHC tạo điều kiện cho địa phương tổ chức thực hiện.
- Đề nghị Bộ Tư pháp: nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản theo hướng cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành thủ tục hành chính đối với một số TTHC đặc thù để triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù do tỉnh ban hành (Nội dung này tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Bộ Tư pháp trong cuộc làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2019).
- Đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ: Ban hành văn bản quy định rõ cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế của Phòng kiểm soát TTHC thuộc văn phòng UBND cấp tỉnh để đảm bảo thực hiện thống nhất tại các địa phương; Tham mưu, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP cho phép UBND tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công trực thuộc UBND tỉnh hoặc quy định mở rộng thẩm quyền của Trung tâm, làm rõ tính “đặc thù” để nâng cao vị trí pháp lý của Trung tâm phục vụ hành chính công, đảm bảo Trung tâm hoạt động thuận lợi, hiệu quả; Đề nghị Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp, Trung tâm phục vụ hành chính công để địa phương có cơ sở triển khai áp dụng.
Nguyễn Hạnh