Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước năm 2020.
Việc đánh giá dựa trên cơ sở thông tin, số liệu các cơ quan, đơn vị cung cấp và kết quả rà soát số liệu, kiểm tra trực tuyến trên trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và Quy định đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Cao Bằng. Cụ thể như sau:
- Về đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh:
Thực hiện bằng phương pháp chấm điểm đối với các nhóm tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động; cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo ứng dụng CNTT; nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Trên cơ sở tổng điểm đánh giá, tiến hành xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT theo 4 mức độ từ cao đến thấp: Mức I (cao nhất – điểm tối thiểu đạt 54), Mức II (điểm tối thiểu đạt 48), Mức III (điểm tối thiểu đạt 42) và Mức IV (điểm tối thiểu đạt 36). Các đơn vị không đạt điểm tối thiểu ở mức thấp nhất (Mức IV) thì không được xếp hạng.
- Về đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử cấp huyện
Thực hiện bằng phương pháp chấm điểm với hai tiêu chí chính:
+ Đánh giá điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử, gồm 03 nhóm tiêu chí: đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin; đánh giá nhân lực CNTT; đánh giá môi trường chính sách về ứng dụng CNTT.
+ Đánh giá kết quả Chính quyền điện tử, gồm 04 nhóm tiêu chí: đánh giá mức độ hiện diện; đánh giá mức độ tương tác; đánh giá mức độ giao dịch; đánh giá mức độ chuyển đổi.
Xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cấp huyện được thực hiện căn cứ vào tổng điểm số đánh giá của từng huyện và xếp hạng theo 4 mức độ: Mức I (cao nhất - điểm tối thiểu đạt 108), Mức II (điểm tối thiểu đạt 100,4), Mức III (điểm tối thiểu đạt 93,05) và Mức IV (điểm tối thiểu đạt 85,7). Đơn vị không đạt điểm tối thiểu ở mức thấp nhất (Mức IV) và không cung cấp số liệu phục vụ việc đánh giá thì không được xếp hạng.
1. Năm 2020 kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh như sau:
- Về kết quả tổng hợp
Trong năm 2020, kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đều tăng so với năm 2019. Trong đó, tiêu chí Hạ tầng kỹ thuật và tiêu chí Ứng dụng CNTT được quan tâm nhiều nhất. Điều này chứng tỏ rằng năm 2020, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai các ứng dụng phục vụ phát triển Chính quyền điện tử.
Về mức độ xếp hạng: Có 01 cơ quan đạt Mức I; 04 cơ quan đạt Mức II; 06 cơ quan đạt Mức III; 06 cơ quan đạt Mức IV; 03 cơ quan không được xếp hạng do điểm số không đạt theo yêu cầu.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 56,3 điểm (Mức I) là đơn vị xếp thứ nhất 03 năm liên tiếp (2018, 2019, 2020) về mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, với các tiêu chí đều có điểm số cao hơn mặt bằng chung các đơn vị khác. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong năm 2020 có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 19 năm 2019 lên vị trí thứ 6 năm 2020 (46,3 điểm); Sở Xây dựng đạt 32,9 điểm, là đơn vị xếp vị trí thấp nhất (20/20) hai năm liên tiếp (2019,2020).
Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 23,4 điểm.
- Kết quả đánh giá theo từng nhóm tiêu chí
+ Tiêu chí Hạ tầng kỹ thuật CNTT
Tiêu chí Hạ tầng kỹ thuật CNTTcủa từng cơ quan, đơn vị có sự tăng hoặc giảm nhẹ so với năm 2019. Nhóm các Sở có điểm số Hạ tầng kỹ thuật CNTT cao nhất gồm: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội đều đạt 8,0 điểm (100% điểm tối đa). Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có điểm số về hạ tầng CNTT tăng mạnh nhất (từ 3,9 năm 2019 lên 8,0 năm 2020); Ban Dân tộc đạt 2,0 điểm (25% điểm tối đa), xếp thứ tự thấp nhất trong bảng xếp hạng.
Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 6,0 điểm.
+ Tiêu chí Ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước:
Đơn vị có tổng điểm đánh giá cao nhất ở tiêu chí Ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước là Sở Giáo dục và Đào tạo (15,9 điểm) (đạt 99,4% điểm tối đa); đơn vị có tổng điểm đánh giá tiêu chí ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (11,8 điểm) (đạt 73,7% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 4,1 điểm.
+ Tiêu chí Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước:
Đơn vị có tổng điểm cao nhất ở tiêu chí Cung cấp thông tin trên Trang thông tin của cơ quan nhà nước là Sở Giáo dục và Đào tạo (19,0 điểm) (đạt 95% điểm tối đa); đơn vị có tổng điểm đánh giá tiêu chí Cung cấp thông tin trên Trang thông tin của cơ quan nhà nước thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (8,0 điểm) (đạt 40% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 11,0 điểm.
+ Tiêu chí Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: 7 Nhóm các Sở có tổng điểm cao nhất ở tiêu chí Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 là: Công thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư đều đạt 3,9 điểm (đạt 65% điểm tối đa); đơn vị có điểm đánh giá tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến thấp nhất là Thanh tra tỉnh với 0,2 điểm (đạt 3,0% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 3,7 điểm.
+ Tiêu chí Nhân lực cho ứng dụng CNTT: Các Sở có điểm số cao ở Tiêu chí Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT là: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công thương, Ngoại vụ, Giao thông Vận tải đều đạt 5,0 điểm (đạt 100% điểm tối đa); có 05 đơn vị đạt điểm thấp nhất là Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Tư pháp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 2,0 điểm (đạt 40% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 3,0 điểm.
+ Tiêu chí Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT:
Tiêu chí Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã được quan tâm và ban hành khá đầy đủ, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử như: Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Tài chính, Y tế, Tư pháp, Ngoại vụ, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh đạt điểm tối đa ở tiêu chí này với 5,0 điểm (đạt 100% điểm tối đa). Các đơn vị có tổng điểm đánh giá thấp nhất là Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, đạt 3,0 điểm (đạt 60% điểm tối đa).
Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 2,0 điểm.
2. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính quyền điện tử của UBND các huyện, thành phố
- Về kết quả tổng hợp
Kết quả xếp hạng tổng thể mức độ phát triển chính quyền điện tử của UBND các huyện, thành phố tương đối thấp, không có đơn vị nào đạt điểm xếp hạng Mức IV (mức thấp nhất).
So sánh tương quan chỉ số giữa các huyện, thành phố với nhau, UBND thành phố Cao Bằng là đơn vị xếp cao nhất với 78,17 điểm (đạt 65% điểm tối đa); UBND huyện Quảng Hòa là đơn vị xếp cuối bảng xếp hạng với 44,38 điểm (đạt 37% điểm tối đa) và 01 đơn vị không đánh giá, xếp hạng do không cung cấp số liệu đánh giá (huyện Thạch An).
Các huyện, thành phố có sự thay đổi về vị trí xếp hạng chủ yếu là do triển khai các hạng mục ứng dụng CNTT, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào đạt được được khung điểm để xếp hạng các mức phát triển Chính quyền điện tử. Trong năm 2021, yêu cầu các huyện, thành phố cần chú trọng hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử.
Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 33,79 điểm.
- Kết quả đánh giá theo từng nhóm tiêu chí
+ Nhóm tiêu chí Đánh giá điều kiện sẵn sàng ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử
Đơn vị có tổng điểm tại nhóm tiêu chí Đánh giá điều kiện sẵn sàng cao nhất là UBND thành phố Cao Bằng với 30,16 điểm (đạt 75% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá điều kiện sẵn sàng thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa với 16,32 điểm (đạt 40% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 13,86 điểm. Nhóm tiêu chí Cơ sở hạ tầng thông tin:
Đơn vị có tổng điểm đánh giá tiêu chí Cơ sở hạ tầng thông tin cao nhất là UBND thành phố Cao Bằng: 16,34 điểm, (đạt 68% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa: 10,61 điểm (đạt 44% điểm tối đa).
Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 5,73 điểm.
Nhóm tiêu chí Nhân lực CNTT:
Đơn vị có tổng điểm đánh giá nhân lực CNTT cao nhất là UBND huyện Hà Quảng: 7,54 điểm, (đạt 84% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá nhân lực CNTT thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa: 3,71 điểm (đạt 41% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 3,83 điểm.
Nhóm tiêu chí Cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo ứng dụng CNTT:
Đơn vị có tổng điểm đánh giá cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo CNTT cao nhất đó là UBND huyện Trùng khánh, UBND Tthành phố Cao Bằng: 7,0 điểm, (đạt 100% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo CNTT thấp nhất là UBND huyện Bảo Lâm: 1,0 điểm (đạt 14% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 6,0 điểm.
+ Nhóm tiêu chí đánh giá Kết quả Chính quyền điện tử
Đơn vị có tổng điểm đánh giá mức độ ứng dụng cao nhất là UBND thành phố Cao Bằng: 48,02 điểm (đạt 60% điểm tối đa). Đơn vị có tổng điểm đánh giá mức độ ứng dụng thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa: 28,06 điểm, (đạt 35% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 19,96 điểm.
Nhóm tiêu chí Mức độ hiện diện: Đơn vị có tổng điểm đánh giá cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo CNTT cao nhất đó là UBND huyện Trùng Khánh: 23,0 điểm, (đạt 60% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo CNTT thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa: 8,0 điểm (đạt 21% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 15,0 điểm.
Nhóm tiêu chí Mức độ tương tác: Đơn vị có tổng điểm đánh giá về têu chí Mức độ tương tác cao nhất là UBND huyện Bảo Lâm: 24,12 điểm, (đạt 80% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá về mức độ tương tác thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa: 18,79 điểm (đạt 62% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 5,33 điểm.
Nhóm tiêu chí Mức độ giao dịch: Đơn vị có tổng điểm đánh giá về tiêu chí Mức độ giao dịch cao nhất là UBND huyện Hòa An, UBND thành phố Cao Bằng (2,26 điểm), (đạt 25% điểm tối đa), đơn vị có tổng điểm đánh giá về mức độ tương tác thấp nhất là UBND huyện Quảng Hòa và UBND huyện Bảo Lâm (0,26 điểm) (đạt 2,9% điểm tối đa). Chênh lệch giữa đơn vị có điểm số cao nhất và đơn vị có điểm số thấp nhất là 2,0 điểm.
Nhóm tiêu chí Mức độ chuyển đổi: Tiêu chí Mức độ chuyển đổi là mức độ phát triển cao nhất của Chính quyền điện tử, so với năm ngoái thì năm 2020 đã có thay đổi nhưng số điểm đạt được chưa cao. Cụ thể, có 09 đơn vị có cùng tổng điểm đánh giá về mức độ giao dịch (tại tiêu chí thành phần “Ứng dụng biểu mẫu điện tử dùng chung cấp huyện”) gồm UBND các huyện: Quảng Hòa, Bảo Lâm, Trùng Khánh, TP.Cao Bằng, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hòa An: 1,0 điểm (đạt 33,3% điểm tối đa).
Như vậy kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Cao Bằng năm 2020 cho thấy mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan, đơn vị đã có chuyển biến, tuy nhiên kết quả chưa cao và chưa đồng đều. Trong năm 2020, đã có nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử nhưng vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng triển khai nhiệm vụ này, nhất là ở các đơn vị cấp huyện, nhiều tiêu chí đạt mức thấp, tổng thể chung đều chưa đạt mức xếp hạng Chính quyền điện tử.
Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số trước hết tại cơ quan, đơn vị mình; chú trọng đến phát triển và sử dụng dữ liệu, đảm bảo kết nối, chia sẻ sử dụng chung dữ liệu, qua đó đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; chủ động rà soát, đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính đã được UBND tỉnhh giao, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử.
Mai Xuân Cường