Đang xử lý.....

Cao Bằng: Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền diện tử của cơ quan nhà nước năm 2018  

Nhằm đánh giá hiện trạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và mức độ phát triển Chính quyền điện tử của các huyện, thành phố...
Thứ Tư, 30/10/2019 11
|

Đồng thời thực hiện Quyết định số 1513/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân tỉnh về việc ban hành Quy định đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Cao Bằng; ngày 28 tháng 12 năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 4398/BC-UBND về việc báo cáo Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước năm 2018 với nội dung và phương pháp đánh giá như sau:

- Về đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện bằng phương pháp chấm điểm đối với nhóm tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách, quy định, báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin; Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện căn cứ vào điểm số đánh giá của từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và xếp hạng theo 04 mức độ: Mức độ I (điểm tối thiểu đạt 54), Mức độ II (điểm tối thiểu đạt 48), Mức độ III (điểm tối thiểu đạt 42) Mức độ IV (điểm tối thiểu đạt 36).

- Về đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cấp huyện được thực hiện bằng phương pháp chấm điểm với các nhóm tiêu chí: Đánh giá điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử gồm 03 nhóm tiêu chí (Nhóm tiêu chí đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin; Nhóm tiêu chí đánh giá nhận lực công nghệ thông tin; Nhóm tiêu chí đánh giá môi trường chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin); Đánh giá kết quả Chính quyền điện tử gồm 04 nhóm tiêu chí (Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ hiện diện; Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ tương tác; Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ giao dịch; Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi.

Xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cấp huyện được thực hiện căn cứ vào điểm số đánh giá của từng huyện và xếp hạng theo 04 mức độ: Mức độ I (điểm tối thiểu đạt 108), Mức độ II (điểm tối thiểu đạt 100,4), Mức độ III (điểm tối thiểu đạt 93,05) Mức độ IV (điểm tối thiểu đạt 85,7).

Theo đó, kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Cao Bằng như sau:

1.Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

Căn cứ vào số điểm của từng cơ quan để xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp từ mức I đến mức IV. Kết quả xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, không có cơ quan nào đạt mức I và mức II, có 06 cơ quan đạt mức III (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, VP UBND tỉnh), 08 cơ quan đạt mức IV (Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Ban QLKKT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 06 cơ quan không được xếp hạng do điểm số không đạt mức IV (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải).

Thứ tự xếp hạng giữa các cơ quan như sau: Xếp thứ nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 46,9 điểm, thứ nhì là Sở Thông tin và Truyền thông đạt 46,6 điểm, thứ 3 là Sở Công thương đạt 45,9 điểm. Xếp cuối là Sở Giao thông vận tải đạt 22,5 điểm.

2. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính quyền điện tử của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Kết quả xếp hạng tổng thể mức độ phát triển Chính quyền điện tử của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rất thấp, không có đơn vị nào đạt điểm để xếp hạng mức IV.

Thứ tự xếp hạng giữa các đơn vị như sau: Ủy ban nhân dân huyện Trà Lĩnh xếp thứ nhất đạt 64,61 điểm, thứ nhì là huyện Nguyên Bình đạt 64,36 điểm, thứ ba là huyện Hạ Lang đạt 59,14 điểm. Xếp cuối cùng là huyện Quảng Uyên đạt 40,50 điểm.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin:

- Cán bộ công chức, viên chức cần có máy tính để làm việc đều được trang bị đầy đủ (tỷ lệ đạt 100%).

- Tỷ lệ máy tính của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được cài phần mềm diệt virus là 93%.

- Số lượng cơ quan có hệ thống camera giám sát an ninh là 8/20.

- Số lượng cơ quan có mạng LAN được bảo vệ bởi hệ thống tường lửa (hoặc hệ thống phát hiện và phòng, chống truy cập trái phép) là 10/20.

- Số lượng cơ quan có mạng LAN được trang bị hệ thống/ thiết bị lưu trữ dữ liệu là 8/20.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước

- Về triển khai các ứng dụng cơ bản, chỉ có phần mềm quản lý kế toán – tài chính là đạt được 100% cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng; các dụng dụng cơ bản khác số lượng đơn vị triển khai còn chưa nhiều.

- Ứng dụng quản lý văn bản và điều hành được sử dụng rộng rãi để quản lý văn bản đi, đến và điều hành công việc. 100% các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai sử dụng.

- Ứng dụng chữ ký số trong việc gửi/ nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan bước đầu được triển khai. Có 19/20 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai sử dụng.

- Ứng dụng thư điện tử công vụ: Mặc dù tỷ lệ sử dụng thư điện tử trong công việc cao, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều cán bộ công chức đang sử dụng song song hộp thư chính thức của cơ quan và hộp thư riêng trên các hệ thống thư miễn phí như Gmail, yahoo mail, … trong công việc, điều này có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn thông tin.

Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước

- Việc cung cấp thông tin lên trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tính chú ý hơn, số lượng tin bài ngày càng tăng.

- Điểm hạn chế trong cung cấp thông tin và việc cung cấp không đầy đủ các thông tin về quy hoạch, dự án hạng mục đầu tư, số liệu thống kê, …

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan đã làm rất tố mức độ 1, mức độ 2. Gần như 100% thủ tục hành chính được đưa lên trang thông tin điện tử. Với mức độ 3, mức độ 4 cho phép người dân có thể giao dịch với cơ quan nhà nước qua môi trường mạng cũng đã được cải thiện so với năm 2017.

Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin

- Phần lớn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm đến nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, có 20/20 đơn vị phân công công chức phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin.

- Về trình độ công chức được giao phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có 75% công chức phụ trách công nghệ thông tin.

- Tỷ lệ cán bộ công chức đã qua đào tạo và sử dụng thông thạo máy, các ứng dụng phần mềm phục vụ công việc đạt 89%.  

Cơ chế chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin

Việc xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được một số ít đơn vị quan tâm, thực hiện tương đối tốt, trong đó có các đơn vị như Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông. Hầu hết các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Căn cứ vào kết quả đánh giá trên, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố biết được mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của cơ quan mình và so sánh với các cơ quan đơn vị khác. Từ đó giúp các cơ quan đơn vị có giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tinn trong hoạt động của cơ quan, đơn vị góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Trần Thị Duyên