Đang xử lý.....

Cần Thơ: Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020  

Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hạ tầng Công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp; Trung tâm dữ liệu Thành phố và Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai và đưa và khai thác có hiệu quả. Đặc biệt, các cấp chính quyền và CBCCVC đã nhận được được vai trò quan trọng của CNTT trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Thứ Năm, 15/12/2016 847
|

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Thành phố Cần Thơ vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vấn đề bảo mật an toàn, an ninh thông tin mạng vẫn chưa được quan tâm đúng mức; Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan vẫn còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ và chia sẻ, kết nối liên thông; các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn; Nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố Cần Thơ đã đề ra một số mục tiêu then chốt nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố lên một nấc thang mới. Cụ thể, trong giai đoạn mới, Thành phố sẽ kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, công dân và ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Thành phố Cần Thơ sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ bản triển khai Chính quyền điện tử thành phố và hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2017, Thành phố sẽ ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố để làm nền tảng cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN. Đồng thời hoàn thành triển khai mở rộng, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến cấp xã, các cơ quan hành chính nhà nước thành phố; 100% công chức thành phố có máy tính đảm bảo phục vụ công việc; 100% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử của thành phố trong trao đổi công việc; 100% UBND cấp xã có Trang/Cổng thông tin điện tử trên Internet để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp; Cung cấp đầy đủ thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử của tất cả các CQNN theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của CQNN; Phấn đấu đạt 20% thủ tục hành chính được triển khai mức độ 3 và 7% thủ tục hành chính đạt mức độ 4, trong đó ưu tiên danh mục dịch vụ công trực tuyến cần cung cấp theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; phấn đấu đạt ít nhất 5% số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

Đến giai đoạn 2018-2020, dự kiến Thành phố sẽ hoàn thiện Trung tâm dữ liệu tương đương tiêu chuẩn Tier III sẵn sàng cho việc xây dựng chính quyền điện tử thành phố, đảm bảo 35% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 4; Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 40%; Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 20%; 100% văn bản không mật trình Ủy ban nhân dân thành phố dưới dạng điện tử (bao gồm các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 90% văn bản trao đổi giữa các CQNN dưới dạng điện tử; 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn được trang bị và sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác; Hình thành kho lưu trữ văn bản điện tử của Ủy ban nhân dân Thành phố. 

 

 

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa