Đang xử lý.....

Cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước làm việc kiêm nhiệm: một trong các nguyên nhân ứng dụng CNTT chưa đạt hiệu quả cao  

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai tích cực và đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Thứ Tư, 02/12/2015 1837
|

Điển hình như việc cung cấp thông tin hoạt động các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương hầu hết đã được công bố, thông tin trên Website, Cổng Thông tin điện tử. Dịch vụ công đã được nhiều cơ quan Trung ương, địa phương triển khai cung cấp trực tuyến qua mạng Internet giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Điển hình như việc nộp, kê khai thuế qua mạng (số lượng người kê khai nộp thuế qua mạng là hơn 485.000 và gần 20 triệu hồ sơ thuế điện tử đã nhận vào hệ thống quản lý thuế; tính đến 01/01/2015, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được khoảng 370/872 giờ); ứng dụng CNTT trong công tác hải quan giúp giảm thời gian đăng ký tờ khai hải quan chỉ còn 3 giây, thời gian giải phóng hàng đối với hàng nhập khẩu đã giảm 7,6 giờ (18%); thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan đối với hàng xuất khẩu giảm 9,6 giờ (58%),…

Hơn nữa, triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức; làm giảm chi phí hoạt động, chi phí hành chính của các cơ quan nhà nước như tại Tp. Hà Nội nhờ việc triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử tại tất cả các cơ quan nhà nước đã làm giảm chi phí hành chí khoảng 100 triệu đồng/ngày.

Căn cứ báo cáo kết quả ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành, địa phương ngoài các kết quả đạt được ở trên, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và doanh nghiệp còn chưa nhiều, chậm triển khai; các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ; nhiều cơ quan, đơn vị tại địa phương chưa tích cực sử dụng các hệ thống đã được đầu tư; hạ tầng thiếu đồng bộ; ….

Một trong các nguyên nhân dẫn tới các hạn chế nêu trên là do đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước nhiều cơ quan vẫn còn làm việc kiêm nhiệm, thậm chí chưa có cán bộ chuyên trách CNTT, đặc biệt tại các địa phương. Hơn nữa, trình độ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan nhà nước chưa đồng đều giữa các cấp; nhiều nơi năng lực hoạch định chiến lược, định hướng phát triển CNTT của cán bộ chuyên trách CNTT còn hạn chế; cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan chuyên ngành chưa được bổ sung, bồi dưỡng kiến thức ngành kịp thời. Qua đánh giá thực tế tại các địa phương, biên chế cho cán bộ chuyên trách CNTT tại các địa phương còn thiếu, trung bình số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về CNTT tại các Sở Thông tin và Truyền thông từ 4-5 người, tại các sở, ban, ngành; quận/huyện chỉ có 1-2 người (nhiều nơi còn kiêm nhiệm), số đơn vị có bộ phận CNTT riêng rất ít và hầu hết chưa có chính sách thu hút nhân lực CNTT giỏi và chưa có chế độ đãi ngộ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước.

 

Nguyễn Thanh Thảo, Phòng Kế hoạch, Cục Tin học hóa