Đang xử lý.....

Bộ Tư Pháp: Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngành Tư Pháp giai đoạn 2016-2020  

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tư Pháp đã tích cực đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, công tác phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ Hai, 12/12/2016 905
|

Cụ thể, nguồn lực đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNTT còn hạn chế nhất là chi cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin còn thấp; Hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ chưa được đồng bộ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra. Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa được đầu tư một cách đồng bộ, máy tính cấu hình thấp cài hệ điều hành phiên bản cũ và chỉ sử dụng cho công tác văn phòng, không thể cài đặt hệ điều hành phiên bản mới, phần mềm diệt virus cũng như các phần mềm ứng dụng chạy trên nền tảng mới; Việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 ở một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ chưa được thực hiện. Đặc biệt, nhận thức về CNTT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa đầy đủ. Vẫn còn nhiều lãnh đạo các đơn vị chưa gương mẫu trong việc ứng dụng CNTT, ngại sử dụng máy tính và thay đổi thói quen làm việc cũ trong công việc.

Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tiếp tục thúc đẩy việc ứng dụng CNTT toàn ngành trong 5 năm tới, Bộ Tư Pháp đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngành Tư Pháp giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu cốt lõi là tiếp tục tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; bảo đảm 100% văn bản trình lãnh đạo Bộ, 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc Bộ, Ngành dưới dạng điện tử, ký số (ngoại trừ các văn bản có nội dung mật); 100% các đơn vị thuộc Bộ, Cục Thi hành án dân sự và Chi cục thi hành án dân sự sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong môi trường mạng; khai thác, sử dụng triệt để hộp thư điện tử các cấp, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Dự kiến đến năm 2020, 100% các cuộc họp của Bộ Tư pháp với đơn vị cơ sở được thực hiện qua Hệ thống Hội nghị truyền hình.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ đảm bảo Cổng thông tin điện tử của Bộ cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của Nghị định số 43/2001/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, kết nối Cổng thông tin điện tử của Bộ với Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các Bộ, ngành. Bên cạnh đó tiếp tục tin học hóa các quy trình nghiệp vụ của Bộ/ngành, 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ mức độ 3 trở lên; Đảm bảo tất cả các thông tin phản ánh về tình hình thi hành pháp luật, thắc mắc về pháp luật của người dân sẽ được tiếp nhận và chuyển cho các đơn vị liên quan để giải quyết. Đồng thời nhanh chóng đăng tải các thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời; đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác giúp cho việc tra cứu thủ tục hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thuận lợi nhất - cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi và theo dõi kết quả giải quyết, phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính; Đảm bảo 100% các văn bản quy phạm pháp luật do Cơ quan Trung ương, địa phương ban hành đều được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn mới, Bộ chú trọng xây dựng, ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời đầu tư nâng cấp,duy trì và phát triển hạ tầng kỹ thuật; nâng cấp, chỉnh sửa và phát triển các phần mềm ứng dụng và xây dựng hệ thống thông tin tổng thể. Đồng thời nâng cấp, phát triển  thông tin điện tử của Bộ cũng như các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến – đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, Bộ đầu tư tăng cường một số hạng mục của hệ thống tường lửa chuyên dụng và triển khai ứng dụng chữ ký số trong toàn Ngành nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho mạng máy tính và cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Bộ.

 

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa