Cục Tin học hóa đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thành sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP. Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến xây dựng Đề án thống nhất mô hình đơn vị chuyên trách về CNTT để trình Chính phủ.
Cũng tại phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa đã có báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2016. Nội dung đánh giá được chia theo 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Triển khai ứng dụng CNTT; Trang/ Cổng Thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT; Nhân lực.
Về hạ tầng CNTT, các Bộ, ngành đã trang bị khá đầy đủ máy tính cho các cán bộ, công chức phục vụ công việc. Khoảng cách về hạ tầng CNTT giữa các Bộ, ngành không nhiều.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, 5 vị trí dẫn đầu thuộc về Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên Môi trường. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Ngoại giao nằm trong tốp cuối.
Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2016, 17/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp 550 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó 251 dịch vụ có hồ sơ trực tuyến, chiếm 45,6% và 278 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó có tới 258 dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến, chiếm 92,8%. Bộ Tài chính có số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhiều nhất với 158 dịch vụ. Bộ Giao thông vận tải đứng thứ 2 với 39 dịch vụ mức độ 4. Khoảng cách giữa vị trí thứ nhất và thứ 2 là khá xa. Đứng tốp cuối trong bảng xếp hạng về dịch vụ công trực tuyến là Bộ Nội vụ (7 dịch vụ mức độ 3, không có dịch vụ mức độ 4), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (4 dịch vụ mức độ 3, 1 dịch vụ mức độ 4), Bộ Tài nguyên Môi trường (4 dịch vụ mức độ 3, không có dịch vụ mức độ 4), Bộ Xây dựng (4 dịch vụ mức độ 3, không có dịch vụ mức độ 4).
Về số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4, Bộ Tài chính đứng ở vị trí thứ nhất với gần 21.500.000 hồ sơ, đại đa số là hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng ở vị trí số 2 với hơn 5 triệu hồ sơ trực tuyến. Tốp cuối là Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng không có thông tin, số liệu cụ thể về số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cũng như số lượng hồ sơ trực tuyến.
Việc xây dựng cơ chế chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT (bao gồm cả các quy định về an toàn thông tin) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được ban hành ngày càng đầy đủ. Đồng thời, các Bộ cũng tập trung chú ý đến nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT với 89,32% cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đại học trở lên. Các Bộ, ngành cũng đã chú ý tới việc tổ chức các khóa bồi dưỡng về CNTT định kỳ cho cán bộ.
Cũng tại phiên họp, đại diện Vụ CNTT đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai việc thuê dịch vụ CNTT sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Thứ nhất, khó khăn về nguồn kinh phí từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Thứ hai, Quyết định 80/2014/QĐ-TTg giao quyền cho Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh xác định các dịch vụ CNTT thuê ngoài. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ lớn, nhỏ, quan trọng nhiều, quan trọng ít đều phải đưa lên cấp cao nhất quyết định, gây khó khăn cho việc triển khai. Nhưng khó khăn nhất, theo đại diện Vụ CNTT, chính là lập dự toán xác định giá thuê. Trong trường hợp của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị đã triển khai được việc thuê ngoài dịch vụ CNTT, các đơn vị này phải thành lập Hội đồng thẩm định hoặc Tổ giúp việc thống nhất phương pháp xác định giá dịch vụ. Trên cơ sở đó, các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp dịch vụ CNTT thuê ngoài theo công thức này. Một khó khăn khác nữa là xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT và chất lượng dịch vụ.
Đại diện đến từ các Bộ, ngành đều bày tỏ nhất trí với các báo cáo của đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ TT&TT. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban cơ yếu Chính phủ cấp trong hoạt động ứng dụng CNTT tại đơn vị mình. Đại diện các Bộ ngành cũng thống nhất rằng đang thiếu sự kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia do các Bộ, ngành hiện đang xây dựng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Cục Tin học hóa tiếp thu ý kiến của các đại biểu để lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong năm 2017. Đánh giá này cần bảo đảm tính cập nhật, tính chuyên sâu, phải khác biệt với các đánh giá do các tổ chức khác thực hiện, góp phần thể hiện tính đặc trưng về ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành. Thứ trưởng chỉ đạo cần sớm hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP để trình lên Chính phủ phê duyệt và sớm ban hành. Về mô hình cơ quan chuyên trách CNTT tại các Bộ, ngành, Thứ trưởng nhấn mạnh những Bộ nào cơ quan chuyên trách là Trung tâm thông tin hoặc Trung tâm tin học, chưa được nâng cấp lên Cục CNTT thì cần tham mưu Bộ trưởng quan tâm hơn đến chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm này. Nếu cần Bộ TT&TT sẽ có văn bản hỗ trợ.
Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia và Cục Tin học hóa làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ gỡ vướng về việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT.
Về an toàn thông tin, Thứ trưởng đề nghị Giám đốc CNTT các Bộ, ngành quan tâm đến các văn bản về an toàn thông tin do Chính phủ, Bộ TT&TT ban hành. Nếu có vướng mắc cần trao đổi kịp thời để Bộ TT&TT hướng dẫn. An toàn thông tin là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Do đó, Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành để phối hợp triển khai có hiệu quả.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn liên quan đến kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia từ Trung ương đến địa phương và khẩn trương xây dựng đề án liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia. “Tập trung xây dựng những cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả và tránh lãng phí”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.