Các cơ quan nhà nước khi xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến phải theo nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm; các thủ tục hành chính phải được thực hiện nhanh gọn hơn, giảm thiểu số lần người sử dụng phải đến cơ quan nhà nước và phải bảo đảm được việc thuận tiện cho người sử dụng.
Thông tư yêu cầu đối với các mức độ của dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản như sau:
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; Kết quả thực hiện thủ tục hành chính; Thông tin nếu có về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí; Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả và văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản như dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng; hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định được chấp nhận như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ; Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng; Việc trả kết quả cho người sử dụng có thể được thực hiện trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp.
Quy định đối với Hồ sơ hành chính điện tử phải được cung cấp dưới dạng tệp văn bản có định dạng theo quy định tại mục Văn bản thuộc Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 phải xác thực người sử dụng, phương thức xác thực người sử dụng tối thiểu thông qua tên người sử dụng và mật khẩu.
Việc thiết kế, xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến phải đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Giao diện phải bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng, các vùng thông tin được phân biệt rõ ràng. Các hạng mục thông tin chủ yếu được quy định tại Chương II Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được hiển thị trên trang chủ hoặc trong danh mục chính và ở vị trí thuận tiện cho người sử dụng dễ nhận thấy.
Bố cục trang chủ bao gồm 3 phần: phần đầu trang, phần thông tin chính và phần chân trang. Các chức năng hỗ trợ theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ, Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải hỗ trợ việc truy cập từ các thiết bị di động tối thiểu đối với các hạng mục Thông tin chủ yếu theo quy định tại Chương II Nghị định số 43/2011/NĐ-CP và phải hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, Các cơ quan nhà nước phải sử dụng Giao thức truyền siêu văn bản an toàn (HTTPS) để tăng cường bảo đảm an toàn cho truy cập dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Cơ quan chủ quản cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2018 và thay thế cho Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về việc cung cấp thông tin và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Đinh Thị Thanh Vân