Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 của Bộ Công thương. Tính đến nay, Bộ Công thương đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp đã có kết quả tốt với gần 100% doanh nghiệp đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Từ đó, nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng ra đời và được doanh nghiệp vận hành, triển khai đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Hiện nay, TMĐT không chỉ còn tập trung ở những thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước – nâng giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt 145$ và doanh số TMĐT B2C đạt khoảng 2,97 tỷ USD (năm 2014).
Trong giai đoạn 2011-2015, khung khổ pháp lý liên quan tới Thương mại điện tử (TMĐT) đã cơ bản được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Liên tiếp nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới TMĐT do Bộ Công thương chủ trì xây dựng hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan đã được ban hành. Trong đó có các văn bản quan trọng như Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ…Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống các văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2015; Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực CNTT và viễn thông…
Mặt khác, đây cũng là giai đoạn hoạt động, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT tiếp tục là trọng tâm của việc triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT. Trong 5 năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tổ chức tổng cộng hơn 316 lớp tập huấn về TMĐT trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của 22.000 học viên; có 88 trường đại học và cao đẳng đào tạo về TMĐT. Bên cạnh đó, các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được đẩy mạnh theo đúng các cam kết quốc tế về thương mại phi giấy tờ, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu (hiện có 84 thủ tục hành chính của lĩnh vực hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4); hệ thống một cửa cũng đã được triển khai với một số chức năng chính như Quản lý giấy phép điện tử, Quản lý C/O điện tử, Quản lý e-Manifest; Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang cung cấp các hệ thống điển hình như hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (ecosys.gov.vn), cấp giấy phép nhập khẩu tự động (nhapkhau.gov.vn), cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất (cuchoachat.gov.vn)…
Trong giai đoạn này, Bộ Công Thương cũng đã đầu tư triển khai, phát triển các ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến như Giải pháp website bán hàng trực tuyến (Ekip.vn), Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước quảng bá và phân phối hàng hóa qua TMĐT thông qua hệ thống phân phối www.vncharm.com. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn cho thấy một bước tiến lớn về mức độ nhận thức, quan tâm của địa phương đối với lĩnh vực TMĐT với 60/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương nhằm tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng cho TMĐT phát triển.
Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa