Đang xử lý.....

Bình Thuận: Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030  

Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp...
Thứ Ba, 15/06/2021 142
|

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp và đạt hiệu quả theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và mục tiêu đến năm 2030:

- Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của tỉnh Bình Thuận là:

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số; việc gửi nhận các văn bản điện tử thực hiện liên thông theo mô hình 04 cấp từ cấp xã, huyện, tỉnh đến cấp Trung ương (trừ các văn bản mật theo quy định).

95% thủ tục hành chính thuộc phạm vi công bố của Ủy ban nhân dân tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Tỷ trọng kinh tế số đóng góp từ 10% - 15% tổng GRDP của tỉnh.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã.

Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

90% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

Phấn đấu đưa tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố đứng đầu của cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.

- Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt các mục tiêu cơ bản sau:

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

100% hồ sơ công việc tại tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang.

Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Bên cạnh các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đưa ra các nhiệm vụ cũng như giải pháp thực hiện, cụ thể:

- Về tạo nền tảng chuyển đổi số

+ Chuyển đổi nhận thức:

Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của ngành, địa phương.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.

Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.

Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến trên các Trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng về chuyển đổi số.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

+ Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý của tỉnh:

Các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản trong các lĩnh vực chuyên ngành đề đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số.

Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành các quy định để bảo đảm đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội để chuyển đổi số theo hướng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số.

+ Phát triển hạ tầng số:

Phát triển, cung cấp hạ tầng băng rộng di động, cố định chất lượng cao trên toàn tỉnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về kết nối, chia sẻ và xử lý dữ liệu. Ưu tiên phát triển tại các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, các khu du lịch, khu công nghiệp.

Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp.

+ Phát triển nền tảng số: Xây dựng các nền tảng đáp ứng để phục vụ giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác một cách dễ dàng, đơn giản, tiện lợi.

+ Bảo đảm an toàn, an ninh mạng:

Vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng phải được xây dựng, triển khai song hành trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế hợp tác, đối thoại để giải quyết các vấn đề phát sinh; cơ chế hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các hội, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách liên quan an toàn, an ninh mạng.

Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan trong phạm vi toàn tỉnh.

- Về Phát triển Chính quyền số

+ Phát triển, hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn và công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên cơ sở hạ tầng hiện có, đảm bảo yêu cầu kết nối liên thông, xuyên suốt 3 cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã).

+ Đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về công nghệ thông tin và các lĩnh vực có liên quan đã ban hành, trọng tâm như sau:

Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm 5 vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025.

+ Xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

+ Phát triển, hoàn thiện hệ thống Hội nghị truyền hình, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, phần mềm Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống phần mềm chuyên ngành.

+ Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.

- Phát triển kinh tế số:

Xây dựng chương trình khởi nghiệp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế số.  Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng. Các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.

Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

- Phát triển xã hội số:

Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo 6 lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập.

Triển khai hạ tầng mạng băng rộng di động, cố định phủ đến hầu hết mọi gia đình trên địa bàn tỉnh; phổ cập điện thoại di động thông minh cho người dân.

 Phổ biến, hướng dẫn người dân tiếp cận và khai thác các dịch vụ Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

Đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số cho doanh nghiệp và người dân.

Theo kế hoạch, một số lĩnh vực trong chuyển đổi số cũng được UBND tỉnh Bình Thuận ưu tiên triển khai bao gồm:  

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đô thị: Tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế:

Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số.

Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục:

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Xây dựng nền tảng số, hoàn thiện và phát triển dịch vụ Giáo dục thông minh phổ cập đến cấp cơ sở, sẵn sàng tham gia vào mạng lưới Giáo dục thông minh toàn quốc.

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh.

Dựa trên nền tảng dữ liệu để xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy các ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý nguồn nước, phát triển các giải pháp tưới tiết kiệm, thích ứng biến đổi khí hậu hướng đến ngành Nông nghiệp thông minh.

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: quản lý đất đai, khoáng sản, giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, ô nhiễm không khí, môi trường nước; giám sát dịch vụ cung cấp nước sạch.

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:

Số hóa dữ liệu ngành du lịch (hướng dẫn viên, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch,...); phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh tạo môi trường để các doanh nghiệp du lịch có thể chia sẻ, liên kết cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng và hiệu quả cho du khách.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tập luyện, tổ chức thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh