Đang xử lý.....

Bình Phước: Giới thiệu kết quả tình hình ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2016  

Ngày 07/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã công bố Báo cáo kết quả tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2016.
Chủ Nhật, 27/11/2016 736
|

Theo đánh giá chung, trong năm 2016 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước theo từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bản tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng, nâng cấp – đến nay, toàn tỉnh có 100% cán bộ công chức (CBCC) cấp tỉnh, 95%  CBCC cấp huyện  và 62% CBCC cấp xã, phường được trang bị máy tính; hầu hết các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã được đầu tư xây dựng mạng LAN và kết nối Internet; Xây dựng và cơ bản hoàn thiện Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh, hoàn thành việc lắp đặt cáp quang và các thiết bị đầu cuối tại 310 điểm; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được trang bị 15 điểm cầu phục vụ cho cuộc họp do Chính phủ, Bộ, ban, ngành tổ chức.

Đối với công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tỉnh thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo các lớp chuyên sâu về kỹ năng quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ công chức ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vấn đề an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng, đồng thời phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước – đến thời điểm hiện tại, trong số 23.601CBCCVC có 7,93% CBCC có trình độ CNTT từ trung cấp trở lên; 87,11% CBCC được đào tạo ngắn hạn về CNTT; 56,07% CBCC chuyên trách CNTT được đào tạo nâng cao về CNTT; 69,48% CBCC chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm nguồn mở; 77,65% CBCC được hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở và có tới 91,45% CBCC sử dụng các phần mềm nguồn mở trong công việc.

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, hết năm 2016 có 100% CBCC cấp tỉnh, 87% CBCC cấp huyện biết sử dụng máy tính trong công việc; các phần mềm đã được triển khai gồm NetOfffice 5.0 và Voffice của Tập đoàn Viễn thông quân đội để gửi/nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (sử dụng cơ chế liên thông theo mô hình tập trung); có 24 cơ quan cấp tỉnh kết nối vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 11 huyện, thị xã có Trang thông tin điện tử kết nối vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh; có 1.762 hộp thư của tỉnh đã được cấp phát với dung lượng mỗi hộp thư là 1GB.

Bình Phước cũng là một trong những tỉnh có khối lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương tương đối lớn với 1.549 DVC từ mức độ 2 trở lên, trong đó có 164 DVC đạt mức độ 3. Hiện nay hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã triển khai đến 12 đơn vị gồm 10 đơn vị cấp huyện, thị xã và 2 đơn vị cấp tỉnh.

Trong năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (KH số 89/KH-UBND ngày 19/4/2016) với 9 dự án được đề xuất triển khai nhưng tính đến thời điểm hiện tại, các dự đang đều đang trong giai đoạn được phê duyệt và trình thẩm định – do đó, chưa đạt 100% nội dung theo kế hoạch đã đề ra.

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa