Việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về: công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin, an toàn thông tin, giao dịch điện tử, bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định khác có liên quan của pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thông suốt, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Nội dung thông tin được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công phải chính xác, rõ ràng, cập nhật liên tục theo quy định; các trường thông tin được thiết kế theo mẫu thống nhất, đơn giản, thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi sử dụng.
Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết công việc.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ trong quá trình vận hành, quản lý, khai thác sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.
Quy chế cũng quy định Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, vận hành hoạt động của Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử theo Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành.
Cổng Dịch vụ công được cung cấp tại địa chỉ truy cập:
https://dichvucong.binhdinh.gov.vn
Bên cạnh đó, quy chế cũng quy định một số nội dung cụ thể:
1. Quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và xử lý hồ sơ điện tử trên Hệ thống một cửa điện tử:
- Đăng ký tài khoản: Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng Dịch vụ công để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử (hoặc sử dụng tài khoản giao dịch điện tử đã đăng ký tại Cổng Dịch vụ công quốc gia) để thực hiện giao dịch đối với các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công theo quy định.
Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công chỉ được thực hiện khi hồ sơ được gửi từ tài khoản đã đăng ký.
- Đăng nhập tài khoản và nộp hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký thành công đăng nhập vào địa chỉ Cổng Dịch vụ công để thao tác gửi hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.
Trường hợp mức độ bảo đảm xác thực khi thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến yêu cầu cao hơn so với mức độ bảo đảm xác thực khi đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công thì tổ chức, cá nhân thực hiện theo yêu cầu cụ thể của hệ thống.
Hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai đầy đủ các mẫu đơn, tờ khai điện tử, kèm theo đầy đủ thành phần thủ tục hồ sơ theo yêu cầu của từng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Việc chuyển đổi giấy tờ, tài liệu của tổ chức, cá nhân sang bản điện tử để nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo hình thức cấp bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
- Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử:
Cổng Dịch vụ công tiếp nhận yêu cầu, kiểm tra tự động về mặt kỹ thuật. Nếu hồ sơ đã đủ các thành phần và bảo đảm về mặt kỹ thuật thì phản hồi tự động xác nhận tổ chức, cá nhân đã gửi thành công và thông báo về thời điểm tiếp nhận chính thức hồ sơ.
Công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền được phân công tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tiến hành kiểm tra hồ sơ điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống một cửa điện tử.
Sau khi kiểm tra, nếu bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận, công chức, viên chức tiếp nhận, cấp mã hồ sơ thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ theo quy trình quy định.
Công chức, viên chức thông báo về việc tiếp nhận chính thức hoặc yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ cho tổ chức, cá nhân không muộn hơn 08 (tám) giờ làm việc kể từ khi hệ thống tiếp nhận.
- Sửa đổi, bổ sung thông tin hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công:
Tổ chức, cá nhân thực hiện sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Việc sửa đổi, bổ sung thông tin, hồ sơ điện tử được lưu lại lịch sử sửa
đổi và không làm thay đổi mã hồ sơ thủ tục hành chính.
Ngoài ra Quy chế còn quy định chi tiết các nội dung như:
- Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính;
- Tra cứu tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính;
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
- Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng dịch vụ công;
- Lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tục hành chính điện tử;
- Chuyển đổi hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử ra văn bản giấy.
2. Về kiểm soát việc cung cấp thủ tục hành chính trên cổng Dịch vụ công, quy chế quy định chi tiết một số điều như:
- Nội dung kiểm soát việc cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công: Việc cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công được kiểm soát thông qua việc đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, hiệu quả trong quá trình lựa chọn thủ tục, mức độ bảo đảm về danh tính, xác thực điện tử đối với thủ tục, tổ chức các giải pháp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và trong quá trình rà soát việc cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công.
- Lựa chọn nhóm thủ tục hành chính và thủ tục hành chính để thực hiện trên Cổng Dịch vụ công;
- Lập danh mục thủ tục hành chính ưu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công;
- Quy trình tổ chức xây dựng và thực hiện giải pháp bảo đảm thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.
Các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan rà soát Danh mục thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được phê duyệt; xác định mức độ xác thực người dùng đối với từng thủ tục hành chính khi thực hiện giao dịch trực tuyến; đơn giản hóa thành phần hồ sơ thông qua đánh giá các nguồn dữ liệu đã có và mức độ sẵn sàng tích hợp, cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử qua các giải pháp:
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
- Rà soát, đánh giá việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công cần phải được tổ chức rà soát, đánh giá để làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.
Công tác rà soát, đánh giá việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công thực hiện theo quy định cụ thể của Văn phòng Chính phủ.
3. Về quy định về tiếp nhận, xử lý câu hỏi, phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quy chế đưa ra các quy định:
- Quy định đối với Mục Hỏi – Đáp;
- Quy định đối với việc gửi câu hỏi đến Mục Hỏi – Đáp;
- Quy trình tiếp nhận, chuyển câu hỏi và xử lý, đăng tải nội dung trả lời tại Mục Hỏi – Đáp;
Tiếp nhận, chuyển câu hỏi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Xử lý và đăng tải nội dung trả lời câu hỏi cho tổ chức, công dân.
- Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
Bên cạnh đó UBND tỉnh Bình Định cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đối với: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan; Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính và tổ chức, cá nhân sử dụng Cổng Dịch vụ công.
Trần Thị Duyên