Theo đó, kết quả như sau:
Về Hạ tầng kỹ thuật:
Tỉnh Bắc Ninh đã từng bước đầu tư hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu triển khai các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; trong đó, đã đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh với hệ thống máy chủ phiến, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ tập trung, hệ thống kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật.
Duy trì hoạt động mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh với 177 điểm kết nối; trong đó, bao gồm 100% Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thành phố và 126 xã, phường, thị trấn; 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và UBND cấp xã đã được kết nối mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao, 100% máy tính của cán bộ, công chức, viên chức được kết nối internet (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật) phục vụ trao đổi dữ liệu. Tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính sử dụng ở mức cao: 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 100% cán bộ công chức cấp huyện, trên 80% cán bộ công chức cấp xã có máy tính sử dụng trong công việc.
Tiếp tục triển khai mở rộng thêm 187 điểm phát sóng wifi miễn phí tại 60 khu vực trên địa bàn 08 huyện, thành phố để tạo kênh thông tin tuyên truyền trên môi trường mạng.
Triển khai và duy trì tốt hoạt động của hệ thống camera giám sát (gần 300 camera thuộc dự án thí điểm giám sát tại các điểm trọng yếu, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, các trường học, địa điểm công cộng và điểm nút giao thông quan trọng) ổn định. Dữ liệu thu thập được từ hệ thống camera giám sát được chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhu cầu khai thác, sử dụng. Hệ thống đã giúp điều tra nhanh và xử lý các vụ việc nhất là về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Trên cơ sở đó tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 3.200 camera tại 1.038 vị trí trên địa bàn các huyện, thành phố đảm bảo theo đúng quy định.
Về Các hệ thống nền tảng và phát triển dữ liệu:
Tỉnh đã triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) từ năm 2019 và thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành cấp Bộ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, đến nay đã kết nối với: Dịch vụ Bưu chính công ích - VNPost, Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, CSDL Bảo hiểm xã hội, CSDL Dân cư quốc gia, CSDL đăng ký doanh nghiệp, Danh mục dùng chung, Hệ thống hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến toàn quốc (PayGOV), Văn bản quy phạm pháp luật, Hộ tịch điện tử Ứng dụng chữ ký số: đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiến hành cấp phát chứng thư số cơ quan, tổ chức và chứng thư số cá nhân cho các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (chứng thư số cho các cơ quan, tổ chức đã được tiến hành cấp phát từ năm 2015).
Về các ứng dụng, dịch vụ:
- Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp:
Cổng Thông tin điện tử của tỉnh được triển khai và cung cấp tại địa chỉ http://bacninh.gov.vn/ hỗ trợ hai ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh. Cổng Thông tin điện tử được xây dựng theo mô hình đồng bộ về công nghệ, liên thông về dữ liệu, thông tin, gồm 01 cổng chính, 48 cổng thành phần (29 của các cơ quan sở, ngành, UBND cấp huyện và 19 cổng thành phần của các cơ quan, đơn vị khác) và 126 trang thông tin điện tử cấp xã hoạt động ổn định, thông tin được cập nhật theo quy định, cổng được liên kết đến một số trang của các tổ chức chính trị - xã hội khác của tỉnh. Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ
Năm 2021, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dvc.bacninh.gov.vn/ được nâng cấp đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2018/TT-VPCP, Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT, Thông tư 22/2019/TT-BTTTT, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, dùng chung cho tất cả các Sở, ban, ngành có TTHC, 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn. Hệ thống cũng được tích hợp với Kênh “Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh” trên Zalo phục vụ nhu cầu tra cứu kết quả về việc tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua mã số biên nhận hoặc quét mã QR được in trên Giấy hẹn trả của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, tổng số dịch vụ công của tỉnh là 1735, trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 là 1364 DVCTT chiếm 78,6%;
Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 869 DVCTT, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố;
Tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ trong năm so với tổng số TTHC đang cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 59,97% (tổng số TTHC mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ trong năm là 818 TTHC);
Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 35,05% (số hồ sơ đã tiếp nhận trực tuyến của các TTHC đang cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ là 53.525 hồ sơ, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận (cả trực tuyến và truyền thống) của các TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 là 152.693 hồ sơ).
Triển khai thí điểm ứng dụng Phần mềm phản ánh hiện trường trên thiết bị di động trên địa bàn thành phố Bắc Ninh nhằm tiếp nhận, trả lời kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân trên địa bàn thành phố liên quan đến một số lĩnh vực về trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường... Qua đó, đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc trả lời, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực mà họ quan tâm, giảm bức xúc của người dân ở cơ sở và công khai, minh bạch góp phần tích cực vào việc cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh. Năm 2021, chỉ số PAPI của tỉnh tăng 46 bậc, xếp thứ tư toàn quốc. Theo công cố kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp Bộ, cấp tỉnh năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước, trong đó Chỉ số Chính quyền số đứng thứ 8; Kinh tế số đứng thứ 2 và Xã hội đứng thứ 2.
- Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ
Triển khai ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành (Hệ thống QLVBĐH) thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp xã và các cơ quan khối Đảng, đoàn thể có tích hợp chữ ký số cũng như bảo đảm kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh làm quen với việc sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như tiết kiệm các chi phí văn phòng. Nhờ triển khai phần mềm theo mô hình tập trung, dùng chung nên tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống QLVBĐH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống QLVBĐH từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt 100%. Phần mềm QLVBĐH đã giúp các cơ quan, đơn vị chuyển đổi các hoạt động chỉ đạo, điều hành lên môi trường số, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giảm thiểu chi phí văn phòng.
Duy trì hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến ba cấp trên địa bàn toàn tỉnh với 160 điểm kết nối trên nền Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ của Đảng, nhà nước phục vụ các cuộc họp trực tuyến nội bộ trong tỉnh cũng như các cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương. Hệ thống báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh tại địa chi https://baocao.bacninh.gov.vn:8089/dashboard/statisticindicator; hệ thống được xây dựng đáp ứng các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông; hệ thống đang được triển khai thử nghiệm, 100% các Sở, ngành đã tham gia cung cấp số liệu định kỳ trên hệ thống báo cáo; hệ thống báo cáo đã được kết nối với một số hệ thống thông tin chuyên ngành qua trục LGSP của tỉnh và đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Tỷ lệ báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đạt 39%...
Về Nguồn nhân lực:
Về tổ chức bộ máy chỉ đạo, tỉnh Bắc Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành Ban chỉ đạo chuyển đổi số theo mô hình của Trung ương, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách CNTT làm Phó trưởng ban. Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đồng thời thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng.
100% các cơ quan, đơn vị thành lập Ban biên tập cổng/trang thông tin điện tử để tổ chức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần nâng cao chỉ số minh bạch thông tin, cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh…
Trong năm 2021 đã tổ chức 25 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng chứng thư số, nâng cao kiến thức về ứng dụng CNTT cho 675 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Về An toàn thông tin:
Với quan điểm bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) là một trong các trụ cột quan trọng của hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, tỉnh Bắc Ninh luôn xác định hoạt động ứng dụng CNTT phải đi đôi, phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm ATTT
Về nhân lực, các cán bộ chuyên trách, phụ trách về CNTT thường xuyên được cử tham dự khóa đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử; thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về kiểm tra, rà soát, xử lý virus, mã độc,… Về công nghệ, Trung tâm thành phố thông minh của tỉnh được đầu tư khá đầy đủ các giải pháp kỹ thuật về bảo đảm ATTT cho các hệ thống CNTT của tỉnh như tường lửa, thiết bị phát hiện và phòng chống xâm nhập, hệ thống giám sát an ninh mạng, hệ thống quét mã độc tập trung, trang bị bản quyền Windows cho các máy tính cá nhân, hệ thống phòng chống tấn công có chủ đích... Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đang thử nghiệm giải pháp trung tâm giám sát an toàn thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo quy định. Năm 2021, đã phát hiện và xử lý kịp thời được 5.481 sự kiện cảnh báo tấn công mạng vào hệ thống mạng CNTT của tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh còn có một số vướng mắc, tồn tại như:
- Một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời những thay đổi đối với bộ thủ tục hành chính của đơn vị mình và quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
- Phần lớn các hệ thống thông tin giữa các cơ quan nhà nước (nếu được xây dựng trước năm 2018) với nhau và thậm chí trong mỗi cơ quan nhà nước chưa được tích hợp, chia sẻ dữ liệu dẫn tới tình trạng cát cứ dữ liệu, khó khăn khi xây dựng dữ liệu lớn, việc cập nhật dữ liệu của các cơ quan chưa bảo đảm chính xác, kịp thời.
- Một số đơn vị vẫn còn duy trì hạ tầng hệ thống thông tin riêng hoặc thuê hạ tầng của doanh nghiệp, chưa sử dụng chung hạ tầng trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được triển khai.
- Nguồn nhân lực cho việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng nên việc ứng dụng các hệ thống CNTT dùng chung tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế và không thường xuyên. Công tác bảo đảm ATTT còn bị động, còn thiếu cán bộ có chuyên môn cao về lĩnh vực an toàn thông tin, công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin còn ít, vẫn chưa được quan tâm, chú trọng nhiều.
- Luật Công nghệ thông tin đã xác định đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và quy định trong Mục lục ngân sách nhà nước có loại chi riêng về công nghệ thông tin; tuy nhiên, hiện nay tại địa phương chưa có mục chi riêng về CNTT trong phân cấp quản lý ngân sách; các nội dung chi về CNTT thường được bố trí từ chi sự nghiệp kinh tế hoặc sự nghiệp văn hóa - thông tin…
Để đạt được kết quả tốt hơn trong ứng dụng CNTT trong năm tới, tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra một số kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông như:
- Sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật Công nghệ thông tin dảm bảo phù hợp theo chủ trương chuyển đổ số của Đảng và Nhà nước.
- Thường xuyên cập nhật, ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn về triển khai ứng dụng CNTT, về đô thị thông minh, thành phố thông minh, về chuyển đổi số; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành trong việc kết nối, liên thông, trao đổi và chia sẻ dữ liệu dùng chung.
- Định hướng cho các địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư ứng dụng CNTT, đô thị thông minh, chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
- Tổ chức cho các tỉnh/thành phố học tập kinh nghiệm, trao đổi thực tế tại các tỉnh/thành phố đã triển khai thí điểm thành công các dự án về đô thị thông minh, thành phố thông minh, chuyển đổi số...
Xuân Cường