Đang xử lý.....

Bắc Kạn: Báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh  

Ngày 17 tháng 5 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn có báo cáo số 275/BC-BCĐ về kết quả hoạt động năm 2020, 5 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 7 tháng cuối năm 2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh.
Thứ Ba, 13/07/2021 125
|

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử. Thông qua công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đã giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, thực thi công vụ, qua đó từng bước thay đổi thói quen, phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, cải cách nền hành chính, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm kinh phí và kết quả đã đạt được:

1. Về Hạ tầng kỹ thuật

- Tiếp tục sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) do Bộ TT&TT hỗ trợ; hoàn thiện kết nối, chia sẻ dữ liệu đến cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch của Bộ Tư pháp, CSDL đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến trên nền tảng (PayGov) nhằm thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công của tỉnh.

- Hoàn thành việc nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh nhằm đáp ứng các tính năng, chức năng theo quy định mới hiện nay

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được duy trì ổn định, trong năm 2020, UBND thành phố Bắc Kạn đãchủ động đầu tư Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tại thành phố, nâng số điểm kết nối Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh lên từ 08 lên 09 điểm cầu.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đầu tư mua sắm, hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ (LAN), thiết bị CNTT. Trong đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã hoàn thành xây dựng mạng LAN kết nối từ Sở đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc; Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư thêm máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm để phục vụ quá trình hoạt động.

2.  Hệ thống phần mềm dùng chung và chuyên ngành

- Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc đạt 100%, trong đó: Số lượng văn bản gửi hoàn toàn bằng bản điện tử, đạt xấp xỉ 90% ( cao hơn 10% so với năm 2019).

- Năm 2020, hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã tiếp nhận và xử lý 166.049 hồ sơ TTHC (cao hơn năm 2019: 32.247 hồ sơ). Tính từ đầu năm đến ngày 11/5/2021, số lượng hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết là 56.893 hồ sơ.

- Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh hiện nay có trên 7.000 tài khoản sử dụng. Tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong năm 2020 đạt trên 80%.

- Hệ thống phần mềm quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức và lao động Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã được triển khai và duy trì sử dụng tại 146 cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Hệ thống Công báo điện tử của tỉnh đã thực hiện đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, góp phần giảm chi phí in Công báo giấy.

- Các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành đã triển khai được duy trì sử dụng tốt: Hệ thống đấu thầu qua mạng; phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Duy trì CSDL đất đai của tỉnh và các huyện, thành phố; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu môi trường Bắc Kạn. Hệ thống Công báo điện tử được gắn chức năng ký số và chứng thực ký số...

Ngoài ra, trong năm 2020 có 09 nhiệm vụ mới được triển khai (trong đó, có 6 hệ thống đã hoàn thành và 3 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện).

3.  Ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Về việc cung cấp và sử dụng DVCTT:

- Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cung cấp tối đa dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Đã cấu hình và cung cấp 1.017 DVCTT mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (đạt tỷ lệ 56,8% TTHC của tỉnh). Trong quý I/2021, tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ rà soát, cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 583/QĐ-UBND ngày 04/5/2021. Theo đó, tỷ lệ cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt: 1.826 DVCTT mức độ 4, 14 DVCTT mức độ 3 (đạt tỷ lệ lần lượt là 71% và 1% trên tổng số TTHC của tỉnh).

- Số hồ sơ phát sinh trực tuyến của tỉnh năm 2020 là 32.483 hồ sơ (đạt tỷ lệ 14,5% tổng số hồ sơ phát sinh mới). Trong quý I/2021 (đến ngày 16/4/2021), số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh trên Cổng DVCTT của tỉnh đạt 5.231 hồ sơ (chiếm 13% tổng hồ sơ phát sinh).

Đã kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, đã địa phương hóa 100% TTHC của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã tích hợp xong trên 400 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Năm 2020, tỉnh đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông. Đây là một trong bảy xã thí điểm chuyển đổi số đầu tiên trong cả nước công bố kết quả giai đoạn 1. Hoạt động chuyển đổi số tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông đã giúp nâng cao chất lượng ứng dụng các hệ thống phần mềm được triển khai tại xã; triển khai hệ thống xây dựng chương trình truyền thanh thông minh, các dịch vụ Giáo dục, Y tế thông minh; thực hiện chuyển đổi số cho hợp tác xã Thiên An, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bán hàng trực tuyến, cải thiện doanh thu, lợi nhuận, tăng thêm thu nhập cho người lao động của Hợp tác xã.

4. Công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT)

Năm 2020, Ban Chỉ đạo đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTT mạng của tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị điều phối về ATTT của tỉnh; cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị về các biện pháp phòng ngừa, khắc phục các sự cố mất an toàn thông tin. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã bước đầu quan tâm triển khai các giải pháp đảm bảo ATTT tại đơn vị như: Thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nâng cao nhận thức, kỹ năng và tuân thủ các quy tắc đảm bảo ATTT; thực hiện các giải pháp đảm bảo ATTT theo cảnh báo, hướng dẫn của Sở TTTT; tiếp tục cài đặt phần mềm diệt virus trên các máy tính của đơn vị.

Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động tập huấn, tham gia diễn tập ứng cứu sự cố mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đồng thời, hỗ trợ một số đơn vị, địa phương khắc phục các sự cố tại đơn vị.

Tiếp tục thuê dịch vụ giám sát ATTT cho các phần mềm dùng chung và Cổng Thông tin điện tử tỉnh; tăng cường kiểm tra giám sát các tài khoản thư điện tử; sử dụng hiệu quả tài khoản được cấp trên hệ thống Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia để theo dõi, phát hiện các hệ thống thông tin có nguy cơ bị tấn công hoặc bị nhiễm mã độc để cảnh báo và khắc phục các lỗ hổng bảo mật về ATTT của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

5. Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT

Năm 2020, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm tổ chức hoặc tham gia tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn, diễn tập an toàn thông tin cho các chuyên trách CNTT của các sở, ban, ngành UBND các huyện thành phố và các thành viên đội ứng cứu sự cố mạng, máy tình của tỉnh. Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng cho 425 công chức. Tổ chức tập huấn về thanh toán trực tuyến; tập huấn thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; tập huấn hướng dẫn sử dụng lại phần mềm QLVB&HSCV cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện ngày một tốt hơn, góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm kinh phí hành chính. Đặc biệt, khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, việc ứng dụng CNTT đã giúp duy trì hoạt động ổn định của các cơ quan nhà nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân cũng được diễn ra liên tục nhờ ứng dụng những giải pháp về CNTT như: Dạy học trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính qua DVCTT...  

Tuy nhiên, hạ tầng CNTT của tỉnh chưa hoàn thiện; hệ thống mạng LAN của các đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật quy định hiện hành. Do đó, tỉnh chưa hình thành được mạng diện rộng (WAN) một cách đồng bộ.

Cấp xã, có một số máy tính cũ, có cấu hình thấp, không đáp ứng đối với nhu cầu làm việc trên môi trường mạng. Một số hệ thống thông tin của các đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng một số quy định mới về chức năng, tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thông tin.

CSDL của các ngành còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tính chia sẻ, chưa hình thành được kho CSDL của tỉnh có khả năng tổng hợp, thống kê, phân tích, dự báo và phục vụ cho công tác quản lý chung và chưa hỗ trợ, phục vụ tốt cho người dân.

Việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0: Tỉnh chưa hình thành được “Công dân điện tử”; trình độ hiểu biết, ứng dụng về CNTT của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; tỷ lệ hồ sơ DVCTT còn thấp; việc cập nhật hồ sơ TTHC vào hệ thống phần mềm một cửa điện tử chưa đầy đủ.

Việc triển khai các ứng dụng CNTT và đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin trong xây dựng Chính quyền điện tửtại một số đơn vị còn thụ động. Nhận thức về đảm bảo ATTT mạng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, còn chủ quan, thiếu kỹ năng và kiến thức trong việc bảo đảm ATTT trên mạng. Tỉnh chưa có Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng.

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị hiện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là thiếu cán bộ CNTT và an toàn thông tin được đào tạo đúng chuyên ngành.

Hoạt động ứng dụng CNTT trong xã hội (bao gồm các tổ chức và người dân) còn nhỏ lẻ; tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp CNTT cũng như nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 7 tháng cuối năm 2021 của Ban chỉ đạo CQĐT tỉnh Bắc Kạn gồm:

- Tiếp tục hoàn thiện các Chỉ thị, Nghị quyết, đề án, dự án, quy chế…để triển khai các hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử được đồng bộ, phù hợp.

- Tập trung tái cấu trúc hạ tầng hiện có, tăng cường việc kết nối, quản lý tập trung và đảm bảo ATTT: Hoàn thiện mạng LAN của các cơ quan, đơn vị, từng bước xây dựng mạng WAN của tỉnh; triển khai xây dựng hệ thống LGSP của tỉnh.

- Rà soát các hệ thống thông tin hiện có để sẵn sàng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu với các hệ thống thông tin khác của tỉnh và của các bộ, ngành; tiếp tục triển khai rà soát, cung cấp tối đa DVCTT mức độ 4. Thúc đẩy việc tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC dựa trên việc sử dụng dữ liệu số từ các hệ thống CSDL quốc gia, CSDL ngành và của tỉnh.

- Thúc đẩy các giải pháp tuyên truyền về CQĐT, chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng từng bước hình thành “Công dân điện tử” trong người dân, doanh nghiệp của tỉnh theo Chỉ thị số 03/CT-UBNDNgày 21/5/2020, của UBND tỉnh về đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành “Công dân điện tử”.

- Đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến đến cấp xã.

- Quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp xã.

- Thực hiện tốt công tác điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, trong điều phối, ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá các hệ thống thông tin trọng tâm của tỉnh; kiểm tra, đôn đốc tình hình ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT tại các đơn vị, địa phương.