Đang xử lý.....

Bà Rịa – Vũng Tàu: Kế hoạch nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh  

Ngày 16 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch về kế hoạch nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh
Thứ Sáu, 02/07/2021 283
|

Thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Ngày 16 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch về kế hoạch nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh với mục đích nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời đổi mới chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà rịa Vũng Tàu cũng yêu cầu:

Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ qua mạng của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đến cuối quý III năm 2021, hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3, 4 và cung cấp lên mức độ 4 đối với tất cả dịch vụ công đủ điều kiện. Đảm bảo 50% số thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ; 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4.

Theo đó các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3,4 gồm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Phân loại các nhóm đối tượng để truyền thông, hướng dẫn phù hợp, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng tài liệu giới thiệu và tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến với nhiều hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu (như: tài liệu in giấy, hình ảnh minh họa, video hướng dẫn...), nhằm đăng tải trên các trang thông tin điện tử, màn hình hiển thị tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Mở rộng tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để tác động trực tiếp đến giới trẻ, từ đó có thêm kênh thông tin đưa lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến hộ gia đình và xã hội, tạo sự đồng thuận, hiệu ứng lan truyền trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng chuyên mục, chuyên trang đưa tin, bài viết và phóng sự về giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên các bài báo, đài truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, diễn đàn trực tuyến...

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tích cực hướng dẫn và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng kết quả “Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc và Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ” để thực hiện nộp hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Áp dụng danh mục dịch vụ công mức độ 3, 4 trong nội bộ các cơ quan nhà nước phải thực hiện bằng hình thức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến

Thông báo áp dụng danh mục dịch vụ công mức độ 3, 4 trong nội bộ các cơ quan nhà nước phải thực hiện bằng hình thức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, không thực hiện tiếp nhận và giải quyết bằng hình thức trực tiếp.

- Phân công đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến

Đảm bảo bố trí công chức tiếp nhận hồ sơ hoặc công chức làm công tác cải cách hành chính, công nghệ thông tin tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, có thể phối hợp Bưu điện tỉnh triển khai việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hình thức khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến

Chủ động giảm thời gian giải quyết và ưu tiên giải quyết đối với các hồ sơ được người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến. Tùy vào tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các hình thức mới, cách làm hay trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ trực tuyến.

- Nghiên cứu đưa dịch vụ công trực tuyến vào chương trình ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề tại các trường trung học phổ thông trở lên trên địa bàn tỉnh

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình ngoại khóa, chương trình tìm hiểu, các cuộc thi, vận động, tuyên truyền về cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với học sinh, sinh viên tại các trường trung học phổ thông trở lên trên địa bàn tỉnh, nhằm hướng tới xây dựng một thế hệ công dân điện tử cho tương lai, là nòng cốt của chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh.

- Nghiên cứu áp dụng các mô hình như Khu chung cư thông minh trên địa bàn tỉnh

Lựa chọn thí điểm tại một số chung cư trên địa bàn, khuyến khích chủ đầu tư hoặc Ban quản lý Khu chung cư đầu tư và bố trí 01 khu vực để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, có bảng hướng dẫn các dịch vụ công trực tuyến. Ban quản lý Khu chung cư hoặc công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã tổ chức hướng dẫn cho người dân thực hiện các dịch cụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ưu tiên các thủ tục hành chính hay phát sinh hồ sơ.

- Đẩy mạnh trao đổi, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp

Tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại để lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Tăng cường các hình thức tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, như: đường dây nóng cải cách hành chính, hộp thư góp ý, phần mềm lấy ý kiến của người dân, hỏi đáp trực tuyến...

Để thực hiện kế hoạch, ủy ban nhân dân tỉnh Bà rịa Vũng Tàu giao Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị cập nhật kịp thời thủ tục hành chính, cấu hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại cơ quan đơn vị, địa phương để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh