Theo đó, mục tiêu của chương trình ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2015 là đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên quy mô toàn tỉnh. Cụ thể, hầu hết các Sở, Ban, Ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước và sử dụng chữ ký số vào công việc.
Đối với ứng dụng Công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh An Giang thì hầu hết các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước sẽ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Đồng thời, bảo đảm ít nhất 70% các cuộc họp của UBND tỉnh với các huyện, thị, thành được thực hiện trực tuyến trên môi trường mạng; 90% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, được cấp hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc. Mặt khác, Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang được đảm bảo vận hành ổn định và cung cấp “một cửa điện tử của tỉnh” về tra cứu tình trạng hồ sơ; Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần có giải pháp chống lại các cuộc tấn công, có phương án dự phòng để khắc phục sự cố, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt.
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong năm 2015, tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện triển khai phần mềm một cửa theo danh mục UBND tỉnh phê duyệt, tiến tới hoàn thiện “một cửa điện tử tỉnh”. Ngoài việc cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1 và 2 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng Thông tin thành phần của sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố - tỉnh xây dựng giải pháp nâng dần tỉ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến mức độ 3 trên tổng số hồ sơ xử lý hàng năm của các sở, ngành và địa phương; cung cấp tối thiếu 15 dịch vụ công mức độ 4.
Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh An Giang sẽ chú trọng hơn trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.