Sáng ngày 12/2/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Uỷ ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương do Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu tại các tỉnh thành trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực UBQG về Chính phủ điện tử Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tham dự còn có các thành viên UBQG về Chính phủ điện tử gồm: Tổ công tác giúp việc UBQG về Chính phủ điện tử; Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo sơ kết năm 2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ
Tại các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử đã có báo cáo sơ kết năm 2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Công tác xây dựng thể chế phải đi trước một bước
Về công tác xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo điều kiện triển khai Chính phủ điện tử. Bộ TT&TT với vai trò là Bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực BCVT, CNTT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đẩy mạnh hoạt động đảm bảo an toàn thông tin; Phát triển Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của các cơ quan Đảng, Nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi của mạng TSLCD đến mạng diện rộng của các bộ, ngành, địa phương; Thúc đẩy triển khai chữ ký số trong cơ quan nhà nước; Quy định kỹ thuật tạo điều kiện triển khai, kết nối các Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Về xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử, các Bộ, ngành đã hình thành và phát huy hiệu quả một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng tạo nền tảng CPĐT như CSDL về Bảo hiểm; CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL tài chính; CSDL giáo dục; CSDL danh mục dùng chung của Bộ Y tế; CSDL của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp tục được nâng cấp, góp phần tạo mạng kết nối các ứng dụng CNTT được an toàn, hiện đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 93,4% quận, huyện, thị xã; 100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đối với việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DCVTT) mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. DVCTT của một số lĩnh vực có hiệu quả cao như các dịch vụ thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử), kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã); đăng ký kinh doanh (75% đăng ký doanh nghiệp qua mạng), lĩnh vực công thương (DVCTT mức độ 3, 4 tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương).
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành sau 6 năm nghiên cứu, xây dựng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT, rút ngắn khoảng 30% số bước thực hiện. Nghị định số 73/2019/NĐ-CP bổ sung quy định đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT chưa có sẵn trên thị trường, chủ đầu tư được lựa chọn doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất giải pháp, triển khai thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công thì tiến hành thủ tục thuê hoặc đầu tư theo quy định. Quy định này cho phép triển khai nhanh các ứng dụng CNTT mới, chưa có sẵn trên thị trường.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) từ khi khai trương (24/6/2019) đến nay, đã phục vụ 10 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 205 Phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ (tương đương với việc phát hành 5.535 văn bản giấy).
Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019.
Chính phủ điện tử phải gắn kết với cải cách hành chính
Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành ngày 09/12/2019, là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tra cứu thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp chức năng đăng nhập một lần (SSO) để thực hiện thủ tục hành chính tại Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; góp phần chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hạn chế việc đầu tư dàn trải, tăng cường quản lý nhà nước, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ tri thức Việt số hóa đã được phát triển để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội trong thời đại số. Đến nay, dữ liệu mở có hơn 100.000 dataset; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong lĩnh vực giáo dục có hơn 10.000 câu. Năm 2019, Hệ tri thức Việt số hóa có bước phát triển mạnh mẽ với sự kiện khai trương bản đồ Vmap có hơn 24 triệu địa chỉ, tạo nền bản đồ cho các ứng dụng kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thương mại điện tử.
Đối với công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ TTTT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, cảnh báo nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, cảnh báo tấn công mạng, hỗ trợ xử lý các sự cố, lộ lọt thông tin bí mật Nhà nước. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức đã có bước chuyển biến, tình hình an toàn, an ninh mạng của Việt Nam được cải thiện.
Đến tháng 12/2019, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TTTT ghi nhận được 5.176 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 49,35% so với năm 2018.
Nhằm hình thành một mạng lưới rộng khắp, giám sát liên tục và kịp thời cảnh báo về an toàn, an ninh mạng, ngày 29/11/2019, Bộ TTTT đã khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ CPĐT với sự tham gia kết nối của 05 doanh nghiệp lớn và hơn 30 bộ, ngành, địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết,việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong năm 2019 đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Cũng tại Hội nghị đã có nhiều bài tham luận quan trọng gồm: Báo cáo đánh giá độc lập về Chính phủ điện tử Việt Nam, 99% hồ sơ giải quyết trực tuyến: Bài học từ Bộ Công Thương; Chính quyền điện tử: Tại sao ở An Giang làm được; Bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Chính phủ điện tử…/.
Giang Phạm – Mic.gov.vn