Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số gửi báo cáo chuyên đề về Dịch vụ công trực tuyến đề tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối của Ủy ban Quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương như sau:
Ngày 10/7/2020, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018, tuy nhiên lại tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc). Một số lý do giải thích cho việc tụt hạng của Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam gồm: (1) Cách thức khảo sát, đánh giá Chỉ số này của Liên Hợp Quốc thay đổi so với năm 2018; (2) Mốc chốt thời gian lấy số liệu đến tháng 9/2019, nên nhiều nỗ lực của Việt Nam thời gian trước đó, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020, chưa được ghi nhận trong kết quả xếp hạng lần này.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cụ thể, năm 2020, nhờ có cách làm mới, triển khai DVCTT trên nền tảng nên 03 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Y tế, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và 02 tỉnh (Bến Tre, Tây Ninh) đã đưa được 100% DVCTT lên mức độ 4, đồng thời đưa tỉ lệ cả nước đạt hơn 30,86% DVCTT mức 4 như trong Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 đặt ra, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2019 (10,76%). Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến tăng 2,6 lần (năm 2019 là 14,63%; năm 2020 là 37,82%).
Năm 2021, với quan điểm cơ quan nhà nước (CQNN) sẵn sàng phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi và ngay khi người dân cần, Việt Nam quyết tâm triển khai cung cấp DVCTT mức độ 4 rộng khắp phạm vi cả nước. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc cung cấp 100% DVCTT mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2021 đạt 30%, tăng khoảng 1,27 lần so với năm 2020.
Trong giai đoạn tới, để phát huy hiệu quả, chất lượng của DVCTT, Việt Nam cần: (1) Tiếp tục duy trì cung cấp tối đa các DVCTT mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp; (2) Giải quyết tận gốc vấn đề liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước các cấp với nhau trong việc thực hiện DVCTT, có như vậy mới giúp người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước; (3) Thực hiện đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến mức độ, chất lượng cung cấp DVCTT, để từ đó cải tiến chất lượng và hiệu quả; (4) Ban hành quy định, quy chế, chính sách khuyến khích, thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT, như ưu đãi về thời gian, chi phí thực hiện dịch vụ.
Tài liệu tham khảo phục vụ Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số năm 2022