Máy bay không người lái thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: N.N
Trong đó, nông dân đạt doanh thu cao nhất 140 tỉ đồng năm nay ở Trà Vinh, cao gấp đôi người có doanh thu cao nhất năm trước. 42/100 nông dân xuất sắc có lợi nhuận trên 3 tỉ đồng/năm, bình quân lãi trên 250 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, đã xuất hiện những nông dân xuất sắc làm du lịch sinh thái, phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, có nhiều phát minh, sáng chế hữu ích.
Ngày nay, những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hầu như không còn nông dân mà được thay bằng "doanh nhân nông nghiệp" với tư duy kinh tế, kiến thức quản trị, đưa cách nghĩ, cách làm, cách thức kinh doanh của một doanh nhân vào nông nghiệp.
Yêu cầu khắc nghiệt của thương trường vượt khỏi không gian ruộng đồng, đòi hỏi người nông dân, người làm nông nghiệp phải chuyển đổi tư duy "làm ra nhiều nông sản" sang tư duy "làm ra nhiều giá trị từ nông sản".
Điều đáng mừng là đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các mô hình doanh nhân nông nghiệp.
Đó không chỉ là những đại gia miền Tây như ông Lê Văn Quang - Tập đoàn thủy sản Minh Phú, ông Huỳnh Văn Thòn - người xây dựng hệ sinh thái Tập đoàn Lộc Trời, bà Trương Thị Lệ Khanh - chủ thương hiệu thủy sản Vĩnh Hoàn, các ông "vua tôm, vua lúa, vua chuối, vua đất", mà còn nhiều nông dân, dù không có tên trong "bảng xếp hạng doanh nhân" nhưng hằng ngày đang góp phần tạo ra một đội ngũ doanh nhân nông nghiệp mới.
Ngày nay, không hiếm những "Hai Lúa doanh nhân" ngồi quán cà phê miệt vườn vẫn có thể theo dõi nhân công qua màn hình điện thoại di động.
Tương tự, họ có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt phần mềm tự động trên smartphone.
Doanh nhân nông nghiệp biết số hóa đồng ruộng, dùng máy bay không người lái, hệ thống canh tác tự động thông minh thay cho lao động thủ công. Kinh tế chia sẻ và nông dân thông minh không còn là lý thuyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những nông dân xuất sắc, tiêu biểu, vẫn còn nhiều người chân lấm tay bùn, gặp khó trong mưu sinh và canh tác nông nghiệp.
Những kết quả bước đầu của nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách, thể chế mới và xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ để khuyến khích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số.
Cần nhiều hơn chính sách hỗ trợ nông dân, đưa đào tạo nghề và lao động nông thôn vào thực chất trong quá trình chuyển dịch. Cần hỗ trợ và thúc đẩy quá trình doanh nhân hóa nông dân.
Cứ bám nông thôn, cứ gắn nông nghiệp theo cách xưa cũ bằng mọi giá mà không chuyển được thành doanh nhân nông nghiệp và nông dân thông minh thì không giàu được.
Nông dân - doanh nhân nông nghiệp cần môi trường và các phương thức kinh doanh nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Đó là quá trình kế thừa và phát huy giá trị tài nguyên bản địa, kiến thức quản trị nông nghiệp, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tạo thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Cần đẩy mạnh việc thành lập các "vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp", phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hình thành các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động thực chất và hiệu quả trên quy mô vùng, giúp doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân vượt qua hạn chế về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý để vươn lên đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.