Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nghiêm Xuân Hưởng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, nhận thức đúng vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Bắc Giang đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài. Tháng 10/2020, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã quyết nghị, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm mang tính giải pháp đột phá trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội…
Theo Phó Chủ tịch Nghiêm Xuân Hưởng, so với các địa phương khác, mặc dù Bắc Giang không phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, tuy nhiên, thời gian qua tỉnh đã có cách làm riêng để xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số (CQS), cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ công để tăng các tiện ích, sự thụ hưởng cho mọi người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về chuyển đổi số theo hình thức trực tuyến
Hiện nay, kiến trúc nền tảng CQĐT bước đầu được hình thành; cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông được tăng cường, hoạt động ổn định; hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai… Năm 2020, xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương (DTI) của tỉnh Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (trong đó chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25). Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những kết quả không như kỳ vọng mong đợi của tỉnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch Nghiêm Xuân Hưởng cho biết việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn là khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo và còn lúng túng trong triển khai, thực hiện. Do chưa hiểu dẫn đến dè dặt trong cách làm, không xác định được đâu là cốt lõi của vấn đề để cần giải quyết.
Điểm cầu Bắc Giang
"Vì vậy, hội nghị này chính là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, cơ quan, sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng học hỏi, tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất để thực hiện, triển khai tại địa phương", Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh nhấn mạnh thành công trong chuyển đổi số là do chuyển đổi về nhận thức, thể chế, chính sách (chiếm 80%); công nghệ (chiếm 20%). Nếu chỉ tập trung vào công nghệ thì điều thất bại sẽ khó tránh khỏi. Chuyển đổi số là một hành trình dài, không phải là một việc làm nhanh, do đó khi bắt đầu hành trình cần xác định mục tiêu đúng để tránh sai lầm ngay trong nhận thức.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong muốn Bắc Giang cần nâng cao tích cực hơn nữa hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, vì điều này rất thiết thực, gắn liền với đời sống, nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, năm 2022 Bộ TT&TT triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tập đoàn, tổng công ty để tạo nguồn nhân lực chất lượng cho việc chuyển đổi số.
"Bộ TT&TT luôn tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng với Bắc Giang để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh trong quý 1/2022", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Việc tổ chức Chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại Bắc Giang chính là cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ủy ban nhân dân tỉnh về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2020 – 2021. Chương trình bồi dưỡng diễn ra trong 01 buổi với 02 chuyên đề: Tổng quan về chuyển đổi số và Phương pháp luận 2-3-5 của chuyển đổi số. Giảng viên là những chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số: ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục Trưởng, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông; Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản và Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ VINASA.
Sự kiện là hoạt động có nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương, đồng thời, thêm cơ hội trả lời các câu hỏi, nội dung cốt lõi, nâng cao nhận thức chung, các ưu tiên về chuyển đổi số; tăng cường các phương pháp luận cần thiết trong chuyển đổi số. Đặc biệt, các chuyên gia, giảng viên trong lĩnh vực chuyển đổi số đã cùng các học viên thảo luận, trao đổi, đưa ra các liên hệ thực tế để triển khai hiệu quả cho các đơn vị cấp, ngành, địa phương./.