Theo đó, Kết quả Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022 gồm những nội dung sau:
Về Thể chế số:
Trong năm 2022, 100% các sở, ban, ngành (cấp sở), UBND các huyện, thành, thị (cấp huyện); 93% xã, phường, thị trấn (cấp xã) đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện và 98% đơn vị cấp xã xây dựng kế hoạch hoặc dự toán kinh phí chi cho chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo về triển khai chuyển đổi số của ngành, địa phương.
Về Hạ tầng số:
Hạ tầng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư: Tỷ lệ cán bộ công chức (CBCC) cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt tỷ lệ: 100%; cấp xã đạt tỷ lệ: 82%. 100% các cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao, được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng trong hoạt động cơ quan nhà nước. Trong đó, 73% đơn vị cấp sở, cấp huyện có hệ thống mạng nội bộ hoàn chỉnh kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm; 100% các cơ quan, đơn vị đã quan tâm trang bị thiết bị sao lưu dự phòng nội bộ ở các mức độ khác nhau như: NAS, SAN, USB và các trang thiết bị phòng chống cháy nổ mạng nội bộ.
Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt 80,07%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp qua băng rộng đạt 72,56%.
Nhân lực số:
95% đơn vị cấp sở, cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tham mưu triển khai chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị và phối hợp triển khai các nhiệm vụ, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Còn 02 đơn vị chưa bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số là Cục Quản lý thị trường, Ban Dân tộc.
100% các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Cục Chuyển đổi số, UBND các huyện, thành, thị triển khai hội nghị trực tuyến phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên; Tổ chức đào tạo trực tuyến khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã thông qua nền tảng học trực tuyến tại địa chỉ: https://onetouch.edu.vn; Một số địa phương chủ động tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ như: Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh, huyện Tân Sơn.
100% các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện giảng dạy môn tin học cho học sinh qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục, đồng thời là nền tảng xây dựng công dân số trong tương lai.
An toàn thông tin:
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được các cơ quan, đơn vị đã chú trọng: 23 cơ quan, đơn vị cấp sở, 13 huyện, thành, thị đã thực hiện đánh giá, xác định cấp độ và phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. Trong đó, 75 hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin.
100% hệ thống thông tin cấp sở, cấp huyện được kết nối dữ liệu tới Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh. Hệ thống thực hiện giám sát, cảnh báo, theo dõi các nguy cơ tấn công vào các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị. 100% các cơ quan, đơn vị bố trí máy tính riêng soạn thảo văn bản mật theo quy định; trên 75% máy tính của cơ quan, đơn vị được cài đặt phần mềm diệt vi rút có bản quyền.
Hoạt động của chính quyền số:
- Gửi nhận văn bản điện tử
100% các cơ quan nhà nước của tỉnh thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Trong năm 2022, tổng số văn bản gửi nhận trên hệ thống 957.196 văn bản. Tổng số văn bản đi được phát hành trên trục liên thông Quốc gia là: 224.761 văn bản. Có 6.607 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp cho cơ quan, tổ chức và cá nhân trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Dịch vụ công trực tuyến
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ qua nhà nước của tỉnh. Hệ thống cung cấp 1.499 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 75,8%. Thực hiện kết nối liên thông 837 TTHC trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Phú Thọ với Cổng dịch vụ công Quốc gia, tăng 265 TTHC so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, Hệ thống tiếp nhận và giải quyết 637.760 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến là 564.270 hồ sơ, đạt 88,48% (tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2021), cụ thể:
+ Trung tâm thực hiện tiếp nhận mới 637.760 hồ sơ (tăng 70.9 so với năm 2021) yêu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 88.48%, tăng 0.04% so với năm 2021.
+ UBND các huyện, thành, thị đã tiếp nhận giải quyết 167.031 hồ sơ, số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến là 133.511 đạt tỷ lệ 79,93%, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm 2021.
+ UBND các xã, phường, thị trấn đã đã tiếp nhận giải quyết 230.773 hồ sơ, số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến là 88.298 đạt tỷ lệ 38,26%, tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc thực hiện đánh giá Bộ chỉ số cho thấy tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cấp xã còn thấp chưa đáp ứng kỳ vọng; tỷ lệ hồ sơ, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí chưa cao; Công tác thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn gặp nhiều khó khăn, việc số hóa mới dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang các tệp điện tử, chưa thực hiện số hóa, xác thực điện tử, chưa thực hiện đầy đủ các bước của quy trình xử lý TTHC.
- Cổng/Trang thông tin điện tử:
100% đơn vị cấp sở, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Lâm Thao, Tam Nông, Yên Lập, thị xã Phú Thọ đã có cổng/trang thông tin điện tử (Đơn vị cấp xã xây dựng Chuyên trang trực truộc Cổng/trang thông tin điện tử cấp huyện, thành, thị) ở mức cơ bản cung cấp thông tin chính như: giới thiệu cơ quan, đơn vị, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, văn bản pháp luật, cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đầu tư và các thông tin tổ chức, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
- Hệ thống hội nghị trực tuyến
Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Trong năm 2022, hệ thống được khai thác và sử dụng hiệu quả phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành các cấp kịp thời nhanh chóng, tiết kiệm hiệu quả, cụ thể: Tổ chức 296 cuộc họp trực tuyến (121 cuộc họp trực tuyến cơ quan Trung ương; 17 cuộc họp trực tuyến tỉnh - huyện - xã; 158 cuộc họp trực tuyến giữa huyện với xã) với hơn 4.157 điểm cầu, số đại biểu dự họp trên 220.000 người.
- Ứng dụng phần mềm nội bộ
Các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai, sử dụng hiệu quả các ứng dụng chuyên môn, nghiệp vụ. 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ CBCC, phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản lý hộ tịch, quản lý đất đai, bảo hiểm, kê khai thuế… phục vụ tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ. Một số cơ quan, đơn vị triển khai cơ sở dữ liệu ngành như: Công an tỉnh triển khai cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; Sở Nội vụ triển khai cơ sở dữ liệu về CBCC, Sở Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh; Sở Lao động Thương binh và xã hội triển khai cơ sở dữ liệu việc làm, bảo trợ xã hội….
- Hệ thống truyền thanh
144/225 (64%) Đài truyền thanh cấp xã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - Viễn thông phục vụ đắc lực cho công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 04 đơn vị là: Thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông triển khai 100% hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - Viễn thông cho các xã trực thuộc.
Kinh tế số:
100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận xử lý trên 3 triệu hóa đơn điện tử; 100% điểm Bưu điện văn hóa xã có kết nối Internet băng rộng phục vụ người dân tìm kiếm tra cứu thông tin qua mạng. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, các doanh nghiệp bước đầu thí điểm triển khai hợp đồng điện tử.
Xã hội số:
Tính đến tháng 12/2022, Công an tỉnh thực hiện cấp mới 1.185.801 thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, đạt 97,52% tổng số công dân đủ điều kiện trên địa bàn; hướng dẫn đăng ký, thu nhận 610.385 tài khoản định danh điện tử cho công dân, trong đó mức 1 là 317.891 tài khoản, mức 2 là 292.49 tài khoản.
Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt tỷ lệ trên 66,40%; Tỷ lệ người dân người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông đạt tỷ lệ trên 70,54%