Đang xử lý.....

Long An: Báo cáo Kết quả hoạt động chuyển đổi số tỉnh Long An trong Quý I năm 2023  

Ngày 22 tháng 03 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An có Báo cáo số 730/BC-UBND về Kết quả hoạt động chuyển đổi số tỉnh Long An trong Quý I năm 2023 gồm những nội dung sau:
Thứ Hai, 05/02/2024 145
|

Kết quả đạt được về hạ tầng số:

- Duy trì tổ chức phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh (05 trạm BTS 5G Viettel tại thành phố Tân An và tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa). Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 87%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 85%.

- Hạ tầng số trong cơ quan Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. 100% sở, ngành tỉnh, UBND các cấp triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính.

- Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, thiết kế theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng (private cloud) phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm dữ liệu theo quy định.

Tồn tại, hạn chế: Hạ tầng máy tính tại một số đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn hạn chế, khoảng 30% máy tính có cấu hình còn thấp chưa đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

 Kết quả đạt được về dữ liệu số:

- Hoàn thành giải pháp kỹ thuật xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, hình thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan.gov.vn) và Cổng dữ liệu Bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn).

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 800/KH-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn hóa dữ liệu hộ tịch; số hóa dữ liệu chứng thực trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 1224/UBND-NCTCD ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh.

+ Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân, hộ gia đình, sổ hộ khẩu trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

+ Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Doanh nghiệp phục vụ các sở, ngành có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

+ Kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống Đăng ký giải quyết chính sách xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Kết nối Hệ thống thông tin giải quyết đất đai VBDLIS của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Kết nối với Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách phục vụ đồng bộ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.

+ Kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống của Bộ Xây dựng cho phép đồng bộ hồ sơ từ Hệ thống của tỉnh với Bộ Xây dựng giúp không phải nhập dữ liệu 02 lần.

+ Một số hệ thống đang triển khai thử nghiệm để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kết nối Hệ thống VNPOST để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích.

 Tồn tại, hạn chế:  Hiện nay, dữ liệu các Bộ, ngành đã chia sẻ nhưng chưa có quy định cụ thể về tính pháp lý, giá trị dữ liệu dẫn đến việc khai thác dữ liệu được chia sẻ chỉ mang tính tham khảo.

Kết quả đạt được về Nền tảng số:

- Duy trì vận hành tốt Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và tích cực phối hợp các Bộ, ngành triển khai các giải pháp kết nối, liên thông dữ liệu.

- Tiếp tục duy trì sử dụng các nền tảng số đã triển khai: Nền tảng Quản lý tiêm chủng tại các đơn vị, cơ sở y tế; Nền tảng hóa đơn điện tử triển khai tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh…

Tồn tại, hạn chế: Nhận thức về nền tảng số và cách tiếp cận sử dụng nền tảng số chưa đầy đủ, còn lúng túng trong quá trình triển khai.

 Kết quả đạt được Nhân lực số:

- 19/19 sở, ngành tỉnh và 15/15 UBND cấp huyện có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin đạt trình độ trung cấp trở lên (đa phần là kiêm nhiệm).

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Kế hoạch số 881/KH-UBND ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh).

- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Duy trì chuyên mục tuyên truyền chuyển đổi số định kỳ hàng tuần trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

- Duy trì, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (gồm 996 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu phố thuộc 188/188 xã, phường, thị trấn với 5.324 thành viên).

Tồn tại, hạn chế:

          - Nguồn nhân lực chuyên trách CNTT trong cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu (đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã). Chưa có cơ chế thu hút nên công tác tuyển dụng cán bộ CNTT vào làm việc trong cơ quan nhà nước còn khó khăn.

- Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng còn hạn chế, do khả năng ứng dụng CNTT của một số thành viên chưa cao.

 Kết quả đạt được về An toàn thông tin mạng:

- Duy trì vận hành Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh đảm bảo mô hình 04 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc tập trung cho hơn 3.000 máy chủ, máy trạm trên toàn tỉnh, đảm bảo duy trì kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật.

 Tồn tại, hạn chế: Việc triển khai xác định cấp độ đối với hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II tỉnh Long An còn chậm hoàn thành.

 Kết quả đạt được về Chính quyền số:

- Tiếp tục triển khai sử dụng các ứng dụng khai thác các dịch vụ đô thị thông minh của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) gồm: Ứng dụng “Long An IOC” phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo.

- Triển khai, duy trì vận hành hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh:

+ Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành: Được duy trì triển khai đồng bộ tại 19/19 sở, ngành tỉnh, 15/15 UBND cấp huyện và 188/188 UBND cấp xã (với trên 9.300 tài khoản được cấp.

+ Chữ ký số chuyên dùng: Có 4.738 chứng thư số chuyên dùng của Chính phủ được cấp cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh (3.830 chứng thư số cá nhân, 908 chứng thư số tổ chức).

+ Phần mềm một cửa điện tử: Duy trì triển khai đồng bộ cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 19/19 sở, ngành tỉnh, 02 cơ quan ngành dọc, 15/15 Trung tâm hành chính công cấp huyện, 188/188 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

+ Thư điện tử công vụ (@longan.gov.vn): Đã cấp 4.625 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị (1.249 hộp thư đơn vị và 3.268 hộp thư cá nhân).

- Tiếp tục chỉ đạo tập trung giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến theo Chỉ thị số 1559/CT-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh.

- Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của 18 sở, ngành tỉnh, 15 UBND cấp huyện vận hành ổn định trên hạ tầng thuê của Tập đoàn Viettel, chủ yếu cung cấp thông tin cơ bản theo quy định phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động chỉ đạo điều hành.

- Phần mềm chuyên ngành được quan tâm triển khai thực hiện, cụ thể:

+ Ngành Y tế: Các cơ sở y tế duy trì sử dụng các ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (đặc biệt là nền tảng quản lý tiêm chủng).

+ Ngành Giáo dục: Tiếp tục khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://csdl.moet.gov.vn).

+ Các phần mềm chuyên ngành khác tiếp tục được khai thác phục vụ tác nghiệp, quản lý dữ liệu.

          Tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt mục tiêu đề ra nhưng chưa đảm bảo bền vững, đa phần cán bộ, công chức còn trực tiếp hướng dẫn người dân. Nguyên nhân do trình độ, khả năng tiếp cận, sử dụng CNTT của người dân để trực tiếp nộp hồ sơ còn hạn chế. 

 Kết quả đạt được về Kinh tế số:

Tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 1563/KH-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể:

- Tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 277 doanh nghiệp.

- Triển khai Kế hoạch số 856/KH-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Long An.

- Triển khai Chương trình số 930/CTr-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

- Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Ngành Nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay đã hỗ trợ 1.761.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 57 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

- Ngành Công Thương phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh (Viettel, VNPT…) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh.

- Tiếp tục duy trì triển khai sử dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai ứng dụng Thuế điện tử (Tax Mobile) phục vụ giao dịch điện tử nộp thuế cá nhân.

Tồn tại, hạn chế: Việc triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có mức độ am hiểu về chuyển đổi số còn hạn chế và còn e ngại chuyển đổi số.

 Kết quả đạt được về Xã hội số:

- Duy trì vận hành Nền tảng công dân số “Long An Số”, Tổng đài 1022 (qua đầu số 0272 1022), Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị (https://1022.longan.gov.vn.

- Triển khai Kế hoạch số 940/KH-UBND ngày 29/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An.

- Triển khai Kế hoạch số 1206/KH-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai chương trình hợp tác với Công ty cổ phần VNG nhằm khai thác ứng dụng Zalo phục vụ thông tin tuyên truyền, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Long An.

- Triển khai Kế hoạch số 1268/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Long An, ngành Bưu điện cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ số với hơn 406.000 địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...

- Chỉ đạo ngành du lịch tiếp tục triển khai thí điểm Cổng thông tin du lịch (https://mylongan.vn) và ứng dụng di động Du lịch thông minh (Long An Tourism).

- Duy trì triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số giúp người lao động có thể quản lý, kiểm soát thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và thực hiện các dịch vụ liên quan nhanh chóng, tiện lợi.

          Tồn tại, hạn chế: Kỹ năng số của người dân chưa cao; trong khi đó Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập chưa lâu, thời gian qua chủ yếu chỉ mới tập trung công tác đào tạo cho các thành viên của tổ, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1120
    • Khách Khách 1119
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890742