Đang xử lý.....

Bình Dương lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số  

Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thực chất, bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số.
Thứ Năm, 22/06/2023 250
|

Số hóa các thủ tục hành chính

Tính đến nay, hạ tầng số được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hóa, số thuê bao điện thoại di động đạt 138,75 thuê bao/100 dân, 99,9% khu vực có dân cư sinh sống được phủ sóng di động 3G, 4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh phủ đến cấp xã với hơn 184 điểm kết nối, bảo đảm cho các kết nối đến ứng dụng nội bộ của tỉnh.

 

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương đã từng bước hình thành hạ tầng mạng internet để truyền tải dữ liệu camera. Trung tâm Dữ liệu tỉnh được xây dựng theo mô hình 1+1 (gồm trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng) tạo sự thuận lợi cho việc kết nối trục liên thông tỉnh (LGSP), kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cho biết, tỉnh đã hoàn thành kết nối và đưa vào khai thác có hiệu quả các dịch vụ liên quan cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Chính phủ cung cấp thông qua trục kết nối dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Từ năm 2022 đến tháng 3/2023 đã có 2.372.252 giao dịch được thực hiện qua trục LGSP. Các cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ về thông tin đất đai, thông tin quy hoạch đô thị, doanh nghiệp của tỉnh; hộ tịch…

Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Dương đã được hợp nhất với các tiện ích: Tra cứu hộ khẩu thông qua cơ sở dữ liệu dân cư, số hóa, trợ lý ảo, ký số trên Eform, ký số trên file PDF, thanh toán trên nền tảng dịch vụ công Quốc gia, thanh toán nghĩa vụ thuế lĩnh vực đất đai, thanh toán trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã và rà soát, chuẩn hóa quy trình thủ tục và hệ thống báo cáo.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh thu thập, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống hơn 1.000 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xây dựng, triển khai các hệ thống giám sát, điều hành về kinh tế - xã hội các cấp gồm hệ thống chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; hệ thống giám sát, điều hành chuyên ngành ở 13/19 sở, ban, ngành; 9/9 hệ thống giám sát điều hành cấp huyện.

 

Đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Ứng dụng Bình Dương số ngày 4/1/2023.

Bình Dương đã triển khai mô hình hợp nhất Cổng DVC trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Hiện, tỉnh đang cung cấp 1.932 DVC trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã; trong đó có 1.196 DVC trực tuyến mức độ 4 và 148 DVC trực tuyến mức độ 3.

Qua thống kê, 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp khác; 89% người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. Tỉnh Bình Dương đã thành lập 586 Tổ công nghệ số cộng đồng với 3.329 thành viên, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số.

Toàn tỉnh có 43.117 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 8.705 doanh nghiệp công nghệ số; 41.162 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện chuyển đổi số đang sử dụng các nền tảng số cho hoạt động của đơn vị mình.

Năm 2022, tỉnh đã ban hành các kế hoạch: hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện; kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.. Các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi số, liên kết mở rộng quy mô, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất…

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược về phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, đối với phát triển Chính quyền số, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, phấn đấu 100%

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 40% DVC trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia; 30% thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia… 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương….

 

Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bình Dương Số

Đối với phát triển hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số, phấn đấu 90% tỷ lệ dân số tưởng thành có điện thoại thông minh; 100% tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 16%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8,5%. Tỉnh cũng  tổ chức triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý; hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số, phấn đấu đạt trên 7.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp (SMEdx)…

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng mạng, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo thông suốt và an toàn thông tin. Phát triển hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT), ưu tiên hệ thống wifi công cộng, hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh…

Tỉnh tiếp tục triển khai mở rộng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh kết nối các trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện và các trung tâm giám sát, điều hành thông minh chuyên ngành gắn với bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành cyar các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh…

Cùng với việc tiếp tục triển khai một số nền tảng dùng chung như: phòng họp không giấy, phân tích và xử lý dữ liệu, trợ lý ảo phục vụ chính quyền – người dân – doanh nghiệp… tỉnh tiếp tục phát triển các nền tảng, hệ thống cho phát triển kinh tế số, xã hội số…. Đồng thời, hoàn thiện bổ sung các tiện ích cung cấp cho người dân trên ứng dụng Bình Dương số để nâng cao trải nghiệm và tương tác của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1310
    • Khách Khách 1309
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890936