Đang xử lý.....

Phát biểu kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số  

Phát biểu kết luận Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chiều ngày 05/6/2023, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận và cách làm để tạo ra sự thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến Việt Nam.
Thứ Sáu, 28/07/2023 104
|

Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu kết luận của Bộ trưởng tại Phiên họp nêu trên.

20230606-TA01.png

Sau hơn 20 năm làm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận và cách làm để tạo ra sự thay đổi căn bản cung cấp DVCTT Việt Nam.

Hai cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai cái này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng DVCTT.

Về cách làm. Cách làm DVCTT trước đây là theo kiểu ứng dụng CNTT. Cách tiếp cận mới là chuyển đổi số (CĐS). Sự khác biệt cơ bản của hai cách làm này nằm trong bài phát biểu về sự khác nhau giữa ứng dụng CNTT và CĐS của Bộ trưởng Bộ TT&TT, đã đăng trên báo Vietnamnet. Nếu cần nhớ một điều thì đó là: Thay vì làm các hệ thống CNTT rời rạc thì dùng các nền tảng số dùng chung, thay vì tự làm, tự đầu tư thì thuê dịch vụ, cho cả phần cứng và phần mềm.

Về mục tiêu. Chỉ cần nhớ một mục tiêu: Năm 2025, trên 90% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình. Con số này là trên 50% cho năm 2023. Đây là mục tiêu chung của toàn quốc, bộ phận thường trực phải chi tiết mục tiêu cho tửng tỉnh, từng bộ ngành, từng loại dịch vụ công, và mục tiêu cho 25 dịch vụ công thiết yếu nhiều người dùng nhất.

Về tiêu chuẩn, chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, gọi tắt là tiêu chuẩn cổng dịch vụ công. Bộ TT&TT ban hành tiêu chuẩn này vào tháng 9/2023. Các Bộ ngành và địa phương theo đây để nâng cấp, tinh chỉnh lại phần cứng, phần mềm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, thực hiện khai báo một lần. Chất lượng Cổng dịch vụ công thì cũng chỉ cần nhớ một con số quan trọng nhất là thời gian đáp ứng của hệ thống cho mỗi thao tác người dùng là dưới 0,2 giây, vào bất kỳ lúc nào. Hàng năm, Bộ TT&TT sẽ tiến hành đo lường và công bố chất lượng Cổng dịch vụ công của tất cả các Bộ, ngành và địa phương để tự soi, tự sửa.

20230606-TA03.png

Về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số. Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính), Bộ Nội vụ (Vụ Cải cách hành chính) chủ trì, Bộ TT&TT (Cục Chuyển đổi số quốc gia) phối hợp thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, chuẩn hóa hồ sơ, quy trình thực hiện cho 25 DVCTT thiết yếu, được nhiều người sử dụng nhất; ban hành văn bản hướng dẫn để toàn quốc thực hiện thống nhất đối với 25 DVCTT thiết yếu này, xong trong quý 2/2023. Tức là làm mẫu. Rồi sau đó, các Bộ ngành, địa phương theo đó mà đơn giản hoá thủ tục cho các dịch vụ còn lại.

Về xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tức là xây dựng hệ thống cung cấp DVCTT. Có đến trên 20 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp giải pháp này. VNPT chiếm trên 40% thị phần, doanh nghiệp đứng thứ hai khoảng 10%. Các doanh nghiệp Việt Nam đều cung cấp dưới dạng nền tảng số, triển khai nhanh, giá rẻ. Không có khó khăn gì về việc lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam cung cấp giải pháp Cổng dịch vụ công thế hệ mới.

Về cung cấp DVCTT trên di động. Các Bộ, ngành và địa phương muốn nhanh thì có thể dùng ngay mini App miễn phí của Zalo. Zalo đã cam kết hỗ trợ miễn phí. Tỉnh Tây Ninh đã triển khai thành công.

Về đảm bảo kết nối di động. Bộ TT&TT sẽ ban hành tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà mạng đầu tư nâng cấp đạt tốc độ kết nối tối thiểu tại tất cả các địa phương 40 Mbps. Các địa phương phát hiện vùng lõm sóng 3/4G thì nhanh chóng gửi thông tin về Bộ TT&TT. Riêng năm 2022, Bộ tiếp nhận 2500 điểm lõm sóng thì đã xử lý 2250 điểm. Còn 250 điểm chưa xử lý được là do thiếu điện, hiện nay đang cùng với Tập đoàn Điện lực cùng xử lý. Đầu năm 2023, đã tiếp nhận thêm trên 1000 điểm lõm sóng mới.

Về đảm bảo an toàn thông tin để kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đơn vị nào chưa đảm bảo thì có công văn yêu cầu Bộ TT&TT hỗ trợ khi chưa kịp đầu tư hay thuê dịch vụ của doanh nghiệp.

Về kết nối chia sẻ dữ liệu. Các Bộ, ngành và địa phương gặp vấn đề về nội dung này thì đầu mối xử lý là Bộ TT&TT.

Về trợ lý ảo hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo doanh nghiệp triển khai nền tảng và công cụ nhập liệu, gán nhãn dữ liệu, đào tạo trợ lý ảo. Quý 3 năm 2023 sẽ xong. Các Bộ, ngành và địa phương dùng nền tảng và các công cụ đó để đào tạo trợ lý ảo của mình.

Về nâng nhanh tỷ lệ hồ sơ DVC được xử lý trực tuyến toàn trình. Các Bộ ngành, địa phương sử dụng bộ phận một cửa điện tử, các Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn bà con sử dụng DVCTT để sau đó tự làm từ nhà, nhất là đối với các dịch vụ công đã đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, giảm mạnh việc người dân đến bộ phận một cửa điện tử, giảm số ngày mở cửa trong tuần, tiến tới đóng cửa bộ phận này, bắt đầu là cấp Bộ và cấp Tỉnh, sau đó là cấp Huyện và Xã. Có chính sách ưu tiên DVCTT, như thời gian trả kết quả nhanh hơn, giá dịch vụ giảm.

Về đo lường, báo cáo số liệu DVCTT. Chỉ phải làm một việc duy nhất là kết nối hệ thống của mình vào Hệ thống giám sát, đo lường DVCTT của Bộ TT&TT. Đây là yêu cầu bắt buộc. Kết nối rồi thì cấp dưới không phải báo cáo cấp trên nữa.

Về giá đầu tư, giá thuê dịch vụ để thực hiện DVCTT. Bộ TT&TT có thể cung cấp giá tham khảo sát với thị trường.

20230606-TA04.png

Về một số kinh nghiệm hay của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT sẽ tổng hợp và phổ biến rộng rãi ngay trong tháng 6 này.

Sau DVCTT, trọng tâm của CPĐT là đến chính phủ số (CPS). Chúng ta phải sớm kết thúc CPĐT để chuyển toàn lực sang CPS. Trước đây, các nước đi trước ứng dụng CNTT để làm CPĐT, DVCTT nên tốn kém hơn, chậm hơn. Nay ta có cơ hội dùng công nghệ số, cách tiếp cận CĐS để làm CPĐT, DVCTT nên sẽ nhanh hơn, rẻ hơn.

Với bối cảnh trên, chúng ta phải quyết tâm thay đổi căn bản việc cung cấp DVCTT. Kết thúc giai đoạn CPĐT vào năm 2025, và bắt đầu giai đoạn CPS. Giai đoạn 2023-2025 là lai ghép CPĐT và CPS.

Thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam là nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương. Không ai làm thay các đồng chí được. Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu các bài học hay, cách làm tốt, hỗ trợ trực tiếp khi cần. Các bộ ngành và địa phương mỗi khi khó khăn thì hãy tìm đến Bộ TT&TT, chúng tôi luôn bên cạnh các đồng chí.

20230606-TA02.png

Các doanh nghiệp công nghệ số (CNS) cung cấp giải pháp DVCTT toàn trình hãy nhìn xa hơn với tầm nhìn một Việt Nam số, vừa kinh doanh vừa là giúp đất nước mình phát triển, giúp người dân mình được hưởng các dịch vụ công tốt hơn. Các doanh nghiệp CNS hãy cung cấp giải pháp DVCTT dưới dạng nền tảng số dùng chung, triển khai nhanh, nâng cấp nhanh, giá rẻ và chất lượng cao. Với tinh thần Make In Vietnam, Bộ TT&TT là đầu mối nhà nước để giúp các doanh nghiệp CNS nước nhà phát triển.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố kết thúc Phiên họp chuyên đề của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số về thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguồn: https://mic.gov.vn/

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 772
    • Khách Khách 771
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890392