Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến thời điểm hiện tại khá nhiều và đa dạng về phạm vi và lĩnh vực. Quy trình triển khai các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản dần đi vào nề nếp và được quản lý hiệu quả. Tuy nhiên việc có nhiều văn bản điều chỉnh dẫn đến quy định về thầm quyền quyết định trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin dường như cũng bị phân mảnh và đang được quy định tại các văn bản quy phạm khác nhau, khiến các cơ quan, đơn vị gặp lúng túng trong công tác triển khai.
Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển, theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 35 Luật Đầu tư công năm 2019 thì
- Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
- Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền quản lý; được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C cho cơ quan trực thuộc.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.
Quy định về thẩm quyền của Luật Đầu tư công khá rõ và không bị chồng lẫn với các quy định pháp luật khác.

Hình ảnh 1: Minh họa thẩm quyền trong dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công
Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên, theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 thì thẩm quyền quyết định đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu (lập dự án) và thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường là:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Với quy định trên tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, thời gian qua đã gây lúng túng tại các địa phương.
Bản chất quy định về thẩm quyền nêu trên là các hoạt động (đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin) có tính chất hình thành hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu nhằm mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin; các hệ thống này không có
sự tương đồng về tính chất, quy mô, phạm vi như các hàng hóa, dịch vụ thông thường, phổ biến, thì được thực hiện phân cấp thẩm quyền quyết định riêng, khác biệt so với hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa thông thường. Ví dụ như đầu tư mua sắm một hệ thống thông tin, không thể tương đồng như mua sắm một cái ô tô thông thường.
Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP nêu trên, trường hợp quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hiện hành tại các bộ, ngành, địa phương không loại trừ các hoạt động ứng dụng côn nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên, thì bộ, ngành, địa phương được áp dụng theo quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hiện hành hoặc lựa chọn xây dựng, ban hành quy định thẩm quyền quyết định riêng đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình triển khai tại mỗi bộ, ngành, địa phương.
Thực tế trước khi quy định về thẩm quyền trong hoạt động chi thường xuyên được ban hành tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, đã có một số cơ quan, đơn vị ban hành phân cấp riêng về thẩm quyền quyết định các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 469/QĐ-BTP ngày 31/3/2022 quy định phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư công của Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1222/QĐ-BTC ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính; ... Các cơ quan, đơn vị này không áp dụng theo quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ chung theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công, mà quy định riêng.
Đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định:
- “Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan” (khoản 2 Điều 1).
- “Việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước quy định tại Điều này không bao gồm thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan” (khoản 4 Điều 1).
Theo đó, thẩm quyền quyết định việc mua sắm sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin là tài sản công theo hình thức dự án và thuê dịch vụ CNTT thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, Nghị định 82/2024/NĐ-CP, không thực hiện theo quy định về thẩm quyền mua sắm tài sản công tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP.

Hình ảnh 2: Minh họa thẩm quyền trong dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên
Do vậy, với quy định tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, từ ngày 30/10/2024 là ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy định riêng về thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để có cơ sở triển khai, thực hiện.
Theo ghi nhận từ thời điểm tháng 07/2024 đến nay, tại một số địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên như Thái Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội, Lai Châu Gia Lai, Ninh Thuận, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Trị, ...
Tuy nhiên đa số các quy định này vẫn được thực hiện theo hướng “tạm thời”, tức là vẫn giống như thẩm quyền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ chung, chưa phù hợp với tính chất của chuyên ngành công nghệ thông tin. Ví dụ như tại tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết số 30/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
Việc quy định này ưu điểm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phù hợp định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như vậy cũng phát sinh mặt hạn chế, đặc biệt là trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; đó là vấn đề về thẩm quyền thẩm định các yếu tố kỹ thuật của các hoạt động này. Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết (tức là các nội dung kỹ thuật) của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó, dối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của các cơ quan theo phân cấp thẩm quyền (sở, ban, ngành, cơ quan...), thì xảy ra tình huống một số sở, ban, ngành, cơ quan không có đơn vị hoặc bộ phận có chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc, không đủ cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin nên lúng túng trong việc xác định được đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết.
Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” yêu cầu địa phương bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tại Văn bản số 1466/BTTTT-CĐSQG ngày 17/4/2024 hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn cụ thể triển khai Đề án 1690 là Ủy ban nhân cấp cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất về chủ trương, yêu cầu các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã bố trí tối thiểu 01 bộ phận hoặc 01 cán bộ chuyên trách làm đầu mối chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Như vậy, với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị cần kiện toàn bộ máy để thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Và khi đó, được phân cấp, phân quyền thì các cơ quan, đơn vị hoàn toàn “tự chủ” về năng lực, chuyên môn trong việc thẩm định các hoạt động đầu tư, mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin.
Để giải quyết vướng mắc hiện tại, các địa phương có thể tham khảo phương án là đầu mối tổ chức thẩm định dự án thực hiện lấy ý kiến hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư lấy ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông về các nội dung của thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết; lấy ý kiến của Sở Tài chính về các nội dung liên quan đến nguồn vốn, dự toán; đồng thời, tăng cường thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho công tác thẩm định.
Cuối cùng, một lưu ý là hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 03 “mũi chiến lược” làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, kiện toàn bộ máy về chuyển đổi số, đó là:
Thứ nhất, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, có hiệu lực từ 01/07/2024, đã cho phép cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin.
Thứ hai, Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 đã yêu cầu địa phương bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình.
Thứ ba, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 đã giao cho các đơn vị, bộ phận chuyên môn về công nghệ thông tin thực hiện thẩm định các nội dung kỹ thuật./.
Quách Hồng Trang - Phòng Quản lý đầu tư
Tài liệu tham khảo:
- Luật Đầu tư công năm 2019;
- Luật Giao dịch điện tử năm 2023;
- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/8/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;
- Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Văn bản số 1466/BTTTT-CĐSQG ngày 17/4/2024 hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ;
- Nghị quyết số 30/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Nam;
- Quyết định số 469/QĐ-BTP ngày 31/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư công của Bộ Tư pháp;
- Quyết định số 1222/QĐ-BTC ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.