Đang xử lý.....

Phần mềm phổ biến - tiềm năng và rủi ro trong hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước  

Ngày 10 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP). Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/7/2024).
Thứ Sáu, 27/12/2024 26
|

Ngày 10 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP). Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/7/2024).

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP đã bổ sung một quy định mới hoàn toàn, đó là quy định về phần mềm phổ biến.

Thứ nhất, phần mềm phổ biến được Nghị định định nghĩa là “phần mềm được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực”.

Thứ hai, đã là phần mềm phổ biến thì phải công bố công khai tên, chức năng, tính năng cơ bản của các phần mềm phổ biến. Bộ chuyên ngành thì công bố phần mềm phổ biến của ngành; Bộ Thông tin và Truyền thông thì công bố phần mềm phổ biến dùng chung cả nước.

Thứ ba, đã là phần mềm phổ biến thì các doanh nghiệp làm phần mềm có trách nhiệm công bố những phần mềm do mình làm ra đáp ứng là phần mềm phổ biến, đặc biệt là công khai giá của phần mềm phổ biến đó.

Việc quy định phải công bố công khai giúp cho chủ đầu tư biết phần mềm mình định mua, đầu tư đã từng có trên thị trường chưa, phổ biến chưa, tính giá như thế nào.

Khi đó, thì thứ tư, quy trình mua sắm phần mềm phổ biến được thực hiện theo quy trình mua sắm của phần mềm thương mại hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường. Trường hợp, cơ quan có nhu cầu sửa đổi, bổ sung thêm một số chức năng, tính năng, hiệu năng của phần mềm phổ biến đó để phù hợp với việc sử dụng của mình thì dự toán của phần sửa đổi, bổ sung được xác định theo báo giá của doanh nghiệp.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên thể chế hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực. Quy định này kỳ vọng giải quyết được vấn đề tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước có thể xảy ra trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là, trước đây, nhiều cơ quan đầu tư, mua sắm một phần mềm giống nhau về chức năng, tính năng nhưng không ai biết và không kiểm soát được giá; nguy cơ rủi ro là làm phần mềm một lần (mang tính thương mại) nhưng bán/mua theo giá của phần mềm nội bộ, dẫn tới thất thoát ngân sách. Hay hiểu cách khác phần mềm may đo làm lần đầu thì làm theo kiểu may đo giá cao; nhưng làm lần 2 thì phải là thương mại, giá thấp; dẫn đến tình trạng là 63 phần mềm cho 63 tỉnh, thành phố giống nhau, nhưng vẫn bán giá cao.

Quy định lần đầu, nhưng chưa rõ tác động thực của chính sách, nên rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Một là, chiếu theo định nghĩa về phần mềm phổ biến, thì có rất nhiều phần mềm hiện nay là nội bộ nhưng lại chính là phần mềm phổ biến, vậy phần mềm nội bộ đó là phần mềm nào? Giờ thực hiện đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các phần mềm đó ra sao?

Đúng là có rất nhiều phần mềm đang được đầu tư dưới dạng phần mềm nội bộ hiện nay có tính chất đáp ứng đúng với phần mềm phổ biến, như Cổng thông tin điện tử, Hệ thống quản lý văn bản điều hành, Hệ thống thông tin nguồn, Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống báo cáo, Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh LGSP, Hệ thống họp trực tuyến, Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, … Tuy nhiên những phần mềm, nền tảng này đều chưa là phần mềm phổ biến vì chưa được cấp có thẩm quyền công bố đây là phần mềm phổ biến. Theo đó, chưa công bố thì chưa áp dụng quy định đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ đối với các phần mềm này. Nội dung này đã được quỹ định rõ tại điều khoản thi hành tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP.

Hai là, phần mềm phổ biến đã được công bố. Vậy doanh nghiệp chưa công bố giá đối với phần mềm phổ biến thì cơ quan nhà nước có được triển khai đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin không?

Việc quy định tại Nghị định về trách nhiệm doanh nghiệp phải công bố thông tin về phần mềm và giá cung cấp không làm ảnh hưởng đến quy trình đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với phần mềm phổ biến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Việc doanh nghiệp công bố chỉ là một kênh để cơ quan nhà nước tham khảo về giá cũng như xác định được mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trên thị trường cung cấp những phần mềm, dịch vụ phổ biến, sẵn có này.

Ba là, phần mềm phổ biến và phần mềm phương mại có gì giống và khác nhau?

Điểm khác nhau được phân tích theo bảng dưới đây:

 

STT

Phần mềm phổ biến

Phần mềm thương mại

1

Được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phậm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.

Chưa chắc đã được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phậm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.

2

Không bắt buộc phải cung cấp ngay khi có nhu cầu.

Được cung cấp ngay khi có nhu cầu.

3

Không bắt buộc mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Đã được mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

4

Cơ quan nhà nước (Bộ, cơ quan trung ương) có trách nhiệm công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản.

Không yêu cầu cơ quan nhà nước (Bộ, cơ quan trung ương) công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản.

Điểm giống nhau giữa phần mềm phổ biến và phần mềm thương mại chính là khi phần mềm phổ biến đáp ứng đầy đủ yêu cầu tại định nghĩa của phần mềm thương mại theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, được sửa đổi theo quy định tại theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, cụ thể:Phần mềm thương mại là phần mềm sẵn có, được cung cấp ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng; đã được mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ trên cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác”.

Hình ảnh: Minh họa về quy trình quản lý phần mềm phổ biến

 

Xác định phần mềm nào đưa vào danh mục phần mềm phổ biến quốc gia?

Căn cứ định nghĩa phần mềm phổ biến quốc gia quy định tại điểm l khoản 2 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, việc xác định phần mềm để đưa vào danh mục công bố phần mềm phổ biến quốc gia cần dựa trên các tiêu chí sau:

Thứ nhất, là các phần mềm được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương cùng có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Hiện nay có một số phần mềm đang được hầu hết các cơ quan nhà nước có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoặc đang sử dụng mà có nhu cầu nâng cấp, sửa đổi, bổ sung chức năng, tính năng; việc sử dụng các phần mềm này không dựa vào tính chuyên ngành mà là các phần mềm xử lý các công việc chung của tất cả cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, là các phần mềm giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản.

Thời gian qua, có nhiều phần mềm đã được Bộ TT&TT ban hành văn bản hướng dẫn hoặc quy định chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản cần tuân thủ khi đầu tư, xây dựng. Các hướng dẫn, quy định này là căn cứ quan trọng để các chủ đầu tư thuyết minh phương án, giải pháp kỹ thuật công nghệ khi đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Đối chiếu với tiêu chí nêu trên, một số phần mềm có thể đưa vào danh mục phần mềm phổ biến quốc gia như sau:

(1) Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước

Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là điểm truy cập của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

(2) Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh là hệ thống thông tin được hình thành trên cơ sở Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

(3) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP)

Nền tảng LGSP để chia sẻ, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu  trong nội bộ các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Công văn số 631/THH-THHT ngày 21/05/2020 của Cục Tin học hóa (nay là Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (Phiên bản 1.0).

(4) Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu (hoặc Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp)

Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cung cấp khả năng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ vào kho dữ liệu; phân tích, xử lý dữ liệu theo nhu cầu; trình diễn dữ liệu theo nhiều chiều từ đó làm công cụ giúp các cơ quan nhà nước sử dụng, khai thác dữ liệu một cách có hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 2463/QĐ-BTTTT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu (phiên bản 1.0).

(5) Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân

Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân là nền tảng cho phép khảo sát thông qua các biểu mẫu điện tử, thay thế việc sử dụng biểu mẫu giấy; cung cấp các công cụ cho phép tạo biểu mẫu khảo sát một cách nhanh chóng và dễ dàng; có thể triển khai khảo sát ngay sau khi biểu mẫu được xây dựng; hỗ trợ tổng hợp và thống kê kết quả sau khi thu thập kết quả khảo sát.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 1758/QĐ-BTTTT ngày 12/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tài liệu Yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.

(6) Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs)

Nền tảng học trực tuyến mở đại trà là hệ thống thông tin cho phép học viên ở những vị trí địa lý khác nhau cùng tham gia các khóa học trực tuyến thông qua mạng internet, giảng viên có thể đăng tải, biên tập các tài liệu, tư liệu, bài giảng, video được tổ chức thành nhiều chủ đề và cấp độ khác nhau để học viên khai thác. Học viên có thể tham gia một lớp học duy nhất để nghiên cứu sâu về một chủ đề cụ thể hoặc tham gia một chuỗi các khóa học để có được kiến thức toàn diện về một lĩnh vực nghiên cứu với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nền tảng MOOCs có sự hỗ trợ của mạng xã hội, giúp tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên. Nền tảng MOOCs hầu như không có sự giới hạn về điều kiện tham dự cũng như phí đăng ký học.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 1051/QĐ-BTTTT ngày 18/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) (Phiên bản 1.0).

(7) Nền tảng Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)

Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin góp phần đảm bảo an toàn thông tin mạng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia: Giúp các Bộ, ngành, địa phương rút ngắn thời gian 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình “4 lớp” về bảo đảm an toàn thông tin mạng; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các chủ quản hệ thống thông tin.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 1356/QĐ-BTTTT ngày 07/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Tiêu chí đánh giá giải pháp, dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).

(8) Hệ thống phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ

Hệ thống phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ (Anti-DdoS).

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 923/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ.

(9) Nền tảng họp trực tuyến

Nền tảng Họp trực tuyến là hệ thống thông tin cho phép thực hiện hình thức họp trực tuyến bằng phần mềm hoặc website thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ (mạng WAN) hoặc mạng internet để những người ở vị trí địa lý khác nhau có thể cùng tham gia cuộc họp từ xa, mà ở đó họ có thể nghe, nói, nhìn thấy nhau như đang ở chung một phòng họp.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 157/QĐ-BTTTT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Ban ban hành Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tối thiểu nền tảng Họp trực tuyến.

(10) Phần mềm quản lý văn bản và điều hành

Hệ thống hỗ trợ quản lý văn bản, hồ sơ, công việc trong cơ quan nhà nước, đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong điều hành.

Yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản được quy định tại Quyết định số 395/QĐ-BTTTT ngày 23/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Hướng dẫn về việc sử dụng mã định danh văn bản và Bộ tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành để gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Phiên bản 1.0); Quy chuẩn QCVN 102:2016/BTTTT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống văn bản quản lý và điều hành ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BTTTT ngày 01/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 01/2022/TT-BTTTT ngày 17/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi 1:2022 QCVN 102:2016/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Trên đây là một số gợi ý về các phần mềm có thể đưa vào danh mục phần mềm phổ biến quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông phải thực hiện công bố. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành danh mục làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mua sắm, đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin./.

Quách Hồng Trang - Phòng Quản lý đầu tư

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

-  Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/8/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 232
    • Khách Khách 232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 4034166