Đang xử lý.....

Nguyên tắc chính trong chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo an toàn của Hoa Kỳ  

Trí tuệ nhân tạo đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội. Theo sau đó là nhu cầu ngày càng tăng trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực này đặc biệt đến từ các công ty công nghệ tư nhân. Những thực tế trên đòi hỏi cần có khung chính sách pháp luật phù hợp nhằm tối đa hóa nguồn lợi và hạn chế tới mức tối thiểu rủi ro trong quá trình phát triển Trí tuệ nhân tạo. Bài nghiên cứu này sẽ làm rõ các chính sách pháp luật phát triển Trí tuệ nhân tạo an toàn của Hoa Kỳ và so sánh với Việt Nam.
Thứ Sáu, 27/12/2024 4
|

Trí tuệ nhân tạo đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội. Theo sau đó là nhu cầu ngày càng tăng trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực này đặc biệt đến từ các công ty công nghệ tư nhân. Những thực tế trên đòi hỏi cần có khung chính sách pháp luật phù hợp nhằm tối đa hóa nguồn lợi và hạn chế tới mức tối thiểu rủi ro trong quá trình phát triển Trí tuệ nhân tạo. Bài nghiên cứu này sẽ làm rõ các chính sách pháp luật phát triển Trí tuệ nhân tạo an toàn của Hoa Kỳ và so sánh với Việt Nam.

Chính sách của Mỹ liên quan tới thúc đẩy phát triển Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu được quan tâm dưới thời kì của Tổng thống Obama. Vào năm 2016, cựu Tổng thống đã khởi động một loạt hội thảo và thành lập một Tiểu ban về Máy học và Trí tuệ nhân tạo để theo dõi những tiến bộ công nghệ và giúp điều phối hoạt động liên bang trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Những hoạt động này đã dẫn đến việc tạo ra 3 báo cáo có ảnh hưởng toàn cầu, đó là “Chuẩn bị cho tương lai của Trí tuệ nhân tạo”, “Kế hoạch chiến lược phát triển và nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo quốc gia” và “Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa và Kinh tế”.

Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong việc tạo ra công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI. Cùng với sự tham gia của Chính phủ Liên bang, những tập đoàn công nghệ lớn hợp tác chặt chẽ với tổ hợp công nghệ quân sự cũng như một số cộng đồng khoa học và chuyên gia đang đóng vai trò tích cực nhất trong sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo. Năm 2023, Hoa Kỳ đã ban hành Sắc lệnh hành pháp về phát triển và sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI an toàn và đáng tin cậy nhằm duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu về công nghệ AI và bảo đảm an ninh quốc gia, nhấn mạnh tiềm năng của AI trong giải quyết các thách thức, góp phần vào sự thịnh vượng và an ninh, đồng thời cũng nhận ra các rủi ro tiềm ẩn như gian lận, thiên vị và thông tin sai lệch. Sắc lệnh hành pháp của Hoa Kỳ xác định các nguyên tắc và chính sách của Hoa Kỳ nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng AI an toàn và trách nhiệm, bảo đảm an toàn và bảo mật công nghệ AI thông qua việc tạo ra các hướng dẫn và tiêu chuẩn, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI, bao gồm cả thu hút và phát triển nhân tài AI. Đồng thời yêu cầu nghiên cứu tác động của AI đối với thị trường lao động, bảo vệ người tiêu dùng, quyền riêng tư trước rủi ro liên quan đến AI, giảm thiểu rủi ro từ việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân. Hoa Kỳ thành lập Hội đồng AI thuộc Chính phủ để điều phối chính sách và hoạt động của AI của Chính phủ Liên bang, khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI, cũng như sự cần thiết của hợp tác quốc tế để phát triển công nghệ AI an toàn trên thế giới.

Hình 1: Mục tiêu của Chiến lược phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Hoa Kỳ

1. Thúc đẩy khoa học về an toàn Trí tuệ nhân tạo

2. Diễn đạt, chứng minh và phổ biến các hoạt động an toàn Trí tuệ nhân tạo.

3. Hỗ trợ các tổ chức, cộng đồng và sự phối hợp xung quanh vấn đề an toàn Trí tuệ nhân tạo.

Các mục tiêu này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mục tiêu 1 sẽ giúp cung cấp nghiên cứu khoa học và hiểu biết mà mục tiêu 2 sẽ sử dụng để phát triển và thúc đẩy các hoạt động an toàn Trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu 2 sẽ cần các cộng đồng an toàn Trí tuệ nhân tạo trong mục tiêu 3 giúp phổ biến các hoạt động đó. Và mục tiêu 3 sẽ là chìa khóa để thu hút, vun đắp và hỗ trợ các cộng đồng an toàn Trí tuệ nhân tạo, từ đó cung cấp thông tin và cải thiện hoạt động nghiên cứu và hoạt động của các mục tiêu 1 và 2

Chính sách phát triển Trí tuệ nhân tạo của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên 8 nguyên tắc

Thứ nhất, AI phải an toàn và bảo mật

Nguyên tắc này nhằm giải quyết các rủi ro về bảo mật của hệ thống AI, như công nghệ sinh học, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia. Việc kiểm tra, đánh giá, giám sát sau khi triển khai nhằm bảo đảm các hệ thống AI hoạt động đúng yêu cầu, có khả năng chống lạm dụng hoặc sửa đổi sai lệch, được phát triển và vận hành an toàn về mặt đạo đức cũng như tuân thủ các luật và chính sách của Liên bang. Chính quyền Liên bang giúp doanh nghiệp ghi nhãn hàng hóa và xuất xứ nội dung của sản phẩm để người dân Hoa Kỳ có thể xác định khi nào nội dung được tạo bằng AI, khi nào không.

Thứ hai, thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh và hợp tác có trách nhiệm cho phép Hoa Kỳ dẫn đầu về AI và khai thác tiềm năng của công nghệ để giải quyết những khó khăn nhất của xã hội

Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên đầu tư vào giáo dục, đào tạo, phát triển nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến AI, giải quyết các vấn đề mới về sở hữu trí tuệ IP và các vấn đề khác để bảo vệ các nhà phát minh và người sáng tạo; hỗ trợ, cung cấp cho người dân Hoa Kỳ những kỹ năng họ cần trong thời đại AI và thu hút nhân tài lĩnh vực AI của thế giới đến Hoa Kỳ không chỉ để học tập mà còn ở lại làm việc tại Hoa Kỳ; thúc đẩy hệ sinh thái và thị trường công bằng, cởi mở và cạnh tranh cho AI và công nghệ liên quan để các doanh nghiệp và doanh nhân thúc đẩy đổi mới. Chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn sự thông đồng bất hợp pháp giữa các công ty thống trị lĩnh vực chất bán dẫn, sức mạnh tính toán, lưu trữ đám mây và dữ liệu để gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh, đồng thời hỗ trợ thị trường khai thác lợi ích của AI mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp nhỏ và các doanh nhân.

Thứ ba, việc phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm phải có cam kết hỗ trợ người lao động Hoa Kỳ

Khi AI tạo ra việc làm và các ngành công nghiệp mới, tất cả người lao động đều cần được tạo ra cơ hội việc làm để họ được hưởng lợi từ những cơ hội này. Hoa Kỳ ban hành chương trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ lực lượng lao động và giúp mang lại khả năng tiếp cận các cơ hội mà AI tạo ra, cải thiện cuộc sống của người lao động, giúp mọi người được hưởng lợi ích và cơ hội một cách an toàn từ đổi mới công nghệ.

Thứ tư, chính sách về AI phải nhất quán với việc thúc đẩy công bằng và quyền công dân

Chính phủ Hoa Kỳ xử phạt nghiêm minh nếu sử dụng AI để gây khó khăn cho người lao động về cơ hội việc làm và sự bất công. Từ việc tuyển dụng, nhà ở đến chăm sóc sức khỏe, việc sử dụng AI phải không làm gia tăng sự phân biệt đối xử và thiên vị. Nếu AI được triển khai vô trách nhiệm sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử, làm trầm trọng thêm tác hại trong môi trường trực tuyến và vật chất. Hoa Kỳ ban hành Kế hoạch chi tiế cho Tuyên ngôn về Quyền AI, Khung quản lý rủi ro AI nhằm bảo đảm AI tuân thủ các Luật Liên bang; yêu cầu những người phát triển và triển khai AI phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử và lạm dụng bất hợp pháp, bao gồm cả trong hệ thống tư pháp và Chính phủ Liên bang. Chỉ khi đó, người dân Hoa Kỳ mới có thể tin tưởng vào AI để thúc đẩy các quyền công dân, công bằng cho tất cả mọi người.

Thứ năm, bảo vệ lợi ích của người dân khi sử dụng hoặc mua bán AI

Việc sử dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như AI thì vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chính phủ Liên bang sẽ thực thi các Luật và nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng hiện hành, đồng thời ban hành các biện pháp bảo vệ thích hợp chống gian lận, phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư và các tác hại khác từ AI trong các lĩnh vực qaun trọng như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, giáo dục, nhà ở, luật pháp và giao thông vận tải, trong đó những sai sót hoặc lạm dụng AI có thể gây hại cho bệnh nhân, khiến người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại hoặc gây nguy hiểm cho sự an toàn hoặc quyền lợi. Chính quyền Liên bang thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá hoặc mở rộng lựa chọn.

Thứ sáu, quyền riêng tư và quyền công dân của người dân Hoa Kỳ phải được bảo vệ khi AI phát triển

AI giúp việc trích xuất, nhận dạng lại, liên kết, suy luận và hành động dựa trên thông tin nhạy cảm về danh tính, vị trí, thói quen và mong muốn của con người trở nên dễ dàng hơn, làm tăng nguy cơ dữ liệu cá nhân có thể bị khai thác và lộ lọt. Để chống lại rủi ro này, Chính phủ Liên bang sẽ bảo đảm việc thu thập, sử dụng và lưu giữ dữ liệu là hợp pháp, an toàn và giảm thiểu rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật. Các cơ quan sẽ sử dụng các công cụ kỹ thuật và chính sách sẵn có, bao gồm các công nghệ để bảo vệ quyền riêng tư và chống lại các rủi ro pháp lý và xã hội.

Thứ bảy, Chính phủ Liên bang và tăng cường năng lực nội bộ để điều chỉnh, quản lý và hỗ trợ việc sử dụng AI có trách nhiệm nhằm mang lại kết quả tốt hơn cho người dân Hoa Kỳ

Sắc lệnh nhấn mạnh, những nỗ lực của Hoa Kỳ bắt đầu từ con người - tài sản lớn nhất của Hoa Kỳ. Chính quyền Liên bang thực hiện các chính sách để thu hút, giữ chân và phát triển các chuyên gia AI trong các lĩnh vực công nghệ, chính sách,, quản lý, mua sắm, đạo đức, quản trị và các lĩnh vực pháp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia tham gia vào Chính phủ Liên bang để giúp khai thác và quản lý AI; yêu cầu các thành viên trong lực lượng lao động của Chính phủ phải được đào tạo đầy đủ để hiểu được lợi ích, rủi ro và hạn chế của AI đối với chức năng công việc của họ; bên cạnh đó, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Chính phủ Liên bang, loại bỏ các trở ngại quan lieu và bảo đảm việc áp dụng, triển khai và sử dụng AI an toàn.

Thứ tám, Chính phủ Liên bang cần dẫn đường cho tiến bộ xã hội, kinh tế và công nghệ toàn cầu

Khả năng lãnh đạo này không chỉ đo lường bằng những tiến bộ công nghệ Hoa Kỳ đạt được, mà còn tiên phong về các hệ thống và biện pháp bảo vệ cần thiết để triển khai công nghệ một cách có trách nhiệm - đồng thời, xây dựng và thúc đẩy các biện pháp bảo vệ đó với phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh và đối tác quốc tế trong việc phát triển một khuôn khổ để quản lý rủi ro cũng như khai thác những lợi ích của AI, thúc đẩy phương pháp tiếp cận chung để giải quyết các thách thức chung. Đồng thời, tìm cách thúc đẩy các nguyên tắc và hành động có trách nhiệm về an toàn và an ninh AI với các quốc gia khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ; dẫn dắt các cuộc đối thoại và hợp tác quan trọng trên toàn cầu để bảo đảm AI mang lại lợi ích cho toàn thế giới, thay vì làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và gây ra những tác hại khác.

Kết luận

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội, thúc đẩy quyền con người và phúc lợi cho người dân, đồng thời bảo đảm phát triển AI có trách nhiệm trên toàn lãnh thổ. Đối với những quốc gia có nền công nghệ phát triển ở mức cao như Hoa Kỳ, họ đã có cho riêng mình chính sách xuyên suốt qua nhiều đời Tổng thống về ưu tiên phát triển Trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo AI, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2023 nhằm tạo ra cú hích cho lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam được xây dựng với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, đưa Trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những quan điểm nhất quán của chúng ta là đi tắt đón đầu với những loại hình công nghệ mới mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh. Để làm được những điều trên, chúng ta cần đầu tư trọng điểm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào một số lĩnh vực liên quan tới quốc phòng an ninh, tài nguyên môi trường và các doanh nghiệp khởi nghiệp về Trí tuệ nhân tạo.

Để thực hiện được những chỉ đạo kể trên, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Một mặt, Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Mặt khác, Việt Nam cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước theo hướng có trách nhiệm, phù hợp với văn hóa Việt Nam và tránh thiệt hại. Đặc biệt, việc phát triển Trí tuệ nhân tạo phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1. Executive Order on the Safe, Secure, and Trustworthy Development and Use of Artificial Intelligence (https://www.whitehouse.gov/briefing-room/presidential-actions/2023/10/30/executive-order-on-the-safe-secure-and-trustworthy-development-and-use-of-artificial-intelligence/).

2. https://www.state.gov/artificial-intelligence/.

3. The United States Artificial Intelligence Safety Institute: Vision, Mission, and Strategic Goals.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 932
    • Khách Khách 931
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890553