Đang xử lý.....

Dữ liệu mở trong các nền kinh tế đang phát triển  

Trên khắp thế giới, các chính phủ đang hành động dựa trên niềm tin rằng việc làm cho dữ liệu dễ tiếp cận hơn một cách có hệ thống có thể cung cấp một tài sản mới quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội tích cực. Mặc dù phần lớn dữ liệu về mặt số lượng cho đến nay đã được công bố ở các quốc gia phát triển, nhưng ngày càng nhiều nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh cũng đã áp dụng các chính sách và kế hoạch dữ liệu mở và công bố các tập dữ liệu của chính phủ trước đây vẫn bị khóa trong các cơ sở dữ liệu đóng. Động thái hướng tới dữ liệu mở này là một phần của xu hướng toàn cầu rộng hơn hướng tới việc ra quyết định dựa trên dữ liệu nhiều hơn trong quá trình hoạch định chính sách và ph&#
Thứ Sáu, 27/12/2024 3
|

Trên khắp thế giới, các chính phủ đang hành động dựa trên niềm tin rằng việc làm cho dữ liệu dễ tiếp cận hơn một cách có hệ thống có thể cung cấp một tài sản mới quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội tích cực. Mặc dù phần lớn dữ liệu về mặt số lượng cho đến nay đã được công bố ở các quốc gia phát triển, nhưng ngày càng nhiều nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh cũng đã áp dụng các chính sách và kế hoạch dữ liệu mở và công bố các tập dữ liệu của chính phủ trước đây vẫn bị khóa trong các cơ sở dữ liệu đóng. Động thái hướng tới dữ liệu mở này là một phần của xu hướng toàn cầu rộng hơn hướng tới việc ra quyết định dựa trên dữ liệu nhiều hơn trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển một biểu hiện của cái mà đôi khi được gọi là “cuộc cách mạng dữ liệu”.

Mục tiêu của bài viết này là phân tích các đặc điểm làm cho dữ liệu mở có liên quan đặc biệt đến các nền kinh tế đang phát triển? Làm thế nào để nắm bắt được tác động của dữ liệu mở trong các nền kinh tế đang phát triển và phát triển? Làm thế nào để tận dụng dữ liệu mở như một tài sản mới cho phát triển?

Dữ liệu là tài sản mới của nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó, việc “Mở dữ liệu”, cung cấp dữ liệu để mọi người cùng sử dụng là xu hướng tất yếu của các cơ quan, tổ chức. Việc cung cấp dữ liệu mở Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội và đang trở thành một tiêu chí đánh giá chính trong bộ tiêu chí đánh giá của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế về xếp hạng Chính phủ điện tử.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, Dữ liệu mở của Chính phủ là một thành tố cốt lõi trong chiến lược dữ liệu của các quốc gia nhằm thúc đẩy hiệu quả của hoạt động quản trị công, tạo các giá trị kinh tế và xã hội.

Hình 1: Dữ liệu mở là một thành tố cốt lõi trong chiến lược dữ liệu

Dữ liệu mở được phân loại tác động có chủ đích hoặc đã thực hiện đối với sự phát triển theo các con đường sau:

- Tạo ra cơ hội kinh tế, bằng cách cho phép tạo ra doanh nghiệp, tạo việc làm, các hình thức đổi mới mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung

- Giúp giải quyết các vấn đề công cộng phức tạp bằng cách nâng cao nhận thức về tình hình, đưa ra nhiều chuyên môn và kiến ​​thức hơn để giải quyết các vấn đề công cộng và cho phép các nhà hoạch định chính sách, xã hội dân sự và công dân nhắm mục tiêu can thiệp và theo dõi tác động tốt hơn

- Cải thiện quản trị, ví dụ bằng cách đưa hiệu quả mới vào cung cấp dịch vụ và tăng cường chia sẻ thông tin trong các sở ban ngành chính phủ.

- Trao quyền cho công dân bằng cách cải thiện năng lực ra quyết định và mở rộng sự lựa chọn của họ, đồng thời đóng vai trò là chất xúc tác cho sự huy động xã hội.

Ngoài ra, rất nhiều Chính phủ trên thế giới đã xây dựng xong các Trung tâm dữ liệu số và bắt đầu công bố một bộ phận dữ liệu. Tuy nhiên, các Chính phủ còn có sự khác nhau về số lượng, danh mục Dữ liệu mở được cung cấp, cũng như thách thức, công cụ để cung cấp các bộ Dữ liệu mở này. Nhiều quốc gia đã thiết lập cổng chuyên dụng để chia sẻ dữ liệu được gọi là “Cổng Dữ liệu Chính phủ mở”, nhiều quốc gia cũng đưa ra danh mục dữ liệu Chính phủ mở là danh sách các tập dữ liệu sẵn có được tổ chức theo chủ đề (như môi trường, y tế, giáo dục, đất đai…) có trên Cổng thông tin quốc gia hoặc Cổng Dữ liệu Chính phủ mở.

Tại Hoa Kỳ: Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công bố Dữ liệu mở Chính phủ thông qua Cổng Thông tin dữ liệu Chính phủ Data.gov.vn. Cổng Data.gov.vn được khai trương ngày 21/5/2009 theo sáng kiến của Tổng thống Barak Obama. Trên Cổng Thông tin dữ liệu Chính phủ của Hoa Kỳ (data.gov.vn) đã cung cấp các loại Dữ liệu mở về: nông nghiệp, khí hậu, khách hàng, hệ sinh thái, giáo dục, năng lượng, tài chính, sản xuất, sức khỏe, chính quyền địa phương, chế tạo, hàng hải, đại dương, an toàn, thiên tai, người tiêu dùng, khoa học và nghiên cứu. Tổng số bộ dữ liệu có sẵn trên trang danh mục dữ liệu và trên trang chính của Data.gov.vn là một số thay đổi thường xuyên bởi danh mục dữ liệu của data.gov.vn được cập nhật hàng ngày, tổng số có thể thay đổi khi các cơ quan thêm hoặc xóa các bộ dữ liệu hoặc Data.gov.vn bổ sung các cơ quan mới. Các cơ quan cũng có thể nhóm các bộ dữ liệu tương tự vào một “bộ sưu tập”. Một “bộ sưu tập” được coi là một bộ dữ liệu trong tổng số, do đó, số lượng bộ dữ liệu có thể giảm xuống khi các cơ quan tổ chức bộ dữ liệu tương tự thành một bộ sưu tập, mặc dù không có sự giảm dữ liệu trên Data.gov.vn.

Cùng với việc cung cấp dữ liệu, dữ liệu đặc tả cũng được bổ sung để cung cấp thông tin về mỗi tập dữ liệu, chẳng hạn như: nội dung dữ liệu, nguồn gốc, thời gian cập nhật và các thông tin liên quan khác. Bên cạnh đó, những đánh giá về tập dữ liệu được đưa vào như thống kê số lần dữ liệu được tải về, thống kê số lượng khách hàng và số lượng tập dữ liệu, công cụ của các cơ quan Liên bang và tiểu bang. Ngoài các tập dữ liệu, Data.gov.vn còn cung cấp thêm các công cụ như blog để Lãnh đạo giao tiếp với người dân, diễn đàn cho người dân và cho những người lập trình có thể phát triển và chia sẻ ý tưởng của họ, các ứng dụng, mash-úp, widgets được phát triển để đưa dữ liệu vào ứng dụng.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều chính sách liên quan về dữ liệu Chính phủ trong cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Mỹ đã ban hành Đạo luật Chính phủ điện tử, Đạo luật về Chất lượng Thông tin và Bản ghi nhớ M-06-02, trong đó cũng đã có đề cập đến những chi tiết Dữ liệu mở nhưng chưa có khái niệm rõ ràng về Dữ liệu mở. Theo đó, ba nguyên tắc “minh bạch, tham gia và hợp tác tạo thành nền tảng của một Chính phủ mở. Từ năm 2009 đến nay, Chính quyền Obama đã ban hành một số Chính sách về Dữ liệu mở, bao gồm:

- Bản ghi nhớ về minh bạch và Chính phủ mở (ban hành ngày 21/01/2009);

- Chỉ thị về Chính phủ mở (ban hành ngày 08/12/2009);

- Chiến lược Chính phủ điện tử (ban hành ngày 23/5/2012);

- Bản ghi nhớ về chính sách Dữ liệu mở (ban hành ngày 09/5/2013).

Tính đến nay, đã có tổng số khoảng hơn 500.000 bộ dữ liệu được báo cáo trên Data.gov.vn đại diện cho khoảng 10 triệu tài nguyên dữ liệu.

Sau khi Hoa Kỳ công bố Dữ liệu mở Chính phủ, việc cung cấp Dữ liệu mở của Chính phủ đã nhanh chóng trở thành mục tiêu cam kết minh bạch thông tin, dữ liệu của nhiều quốc gia.

Tại Hàn Quốc: Trong nhiều nền kinh tế tầm cỡ của thế giới trong đó có Hàn Quốc là một trong số quốc gia điển hình những sáng kiến Dữ liệu Chính phủ mở nhận được sự quan tâm rộng rãi. Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng về nhu cầu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ mục đích nhằm cải thiện dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, cũng như mang lại lợi ích cho chính Chính phủ. Hàn Quốc đã ban hành những chương trình cải cách nhằm cải cách khu vực nhà nước. Cùng với đó, Hàn Quốc cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có Luật về xúc tiến việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng. Mục đích của Luật này là quy định các vấn đề nhằm thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu do các cơ quan nhà nước quản lý nhằm bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận dữ liệu công cộng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển nền kinh tế quốc dân thông qua việc sử dụng các dữ liệu công cộng như vậy trong khu vực tư nhân. Nội dung của Luật này đưa ra một số nội dung trong việc quản lý, cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng, cụ thể như sau:

- Thành lập Ủy ban Chiến lược dữ liệu công cộng dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Chiến lược sẽ xem xét và quyết định các vấn đề sau:

+ Các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và sửa đổi kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm để thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng;

+ Các vấn đề liên quan đến việc cải tiến hoặc điều chỉnh việc cung cấp Dữ liệu mở phát sinh trong thực tế;

+ Các vấn đề liên quan đến danh mục các dữ liệu công cộng cần được công bố;

+ Các vấn đề liên quan đến việc loại trừ khỏi danh sách các dữ liệu công cộng;

+ Các vấn đề liên quan đến việc cải tiến các chính sách và hệ thống liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng;

+ Các vấn đề liên quan đến việc đánh giá, kiểm tra kết quả thực hiện các chính sách cơ bản theo kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm.

- Xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng:

+ Kế hoạch tổng thể được xây dựng ba năm một lần, với sự tham gia của nhiều cơ quan bằng cách lồng ghép các kế hoạch theo các lĩnh vực của Nhà nước và chính quyền địa phương và sẽ được xem xét, quyết định ban hành bởi Ủy ban Chiến lược;

+ Kế hoạch tổng thể bao gồm: Mục tiêu cơ bản và định hướng để thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng; Các vấn đề liên quan đến các hình thức và phương tiện cung cấp dữ liệu công cộng; Tình trạng đăng ký và sử dụng dữ liệu công cộng; Mở rộng phạm vi của dữ liệu công cộng có thể truy cập và sẵn có; Các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu công cộng trong khu vực tư nhân; Các vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng dữ liệu công cộng; Các vấn đề liên quan đến thúc đẩy phát triển công nghệ để cung cấp dữ liệu công cộng; Các vấn đề liên quan đến việc cải tiến hệ thống, hành vi và các đạo luật cấp dưới liên quan đến dữ liệu công cộng; Các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo cần thiết cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng; Các kế hoạch đầu tư, tài trợ cần thiết cho việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng; Các vấn đề khác liên quan đến quản lý, cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng.

- Xây dựng kế hoạch hàng năm nhằm thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng:

+ Hàng năm, Nhà nước và người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ thiết lập một kế hoạch thực hiện để thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng tuân thủ theo kế hoạch tổng thể có liên quan, trình lên Ủy ban Chiến lược và thực hiện Kế hoạch đó sau khi được Ủy ban Chiến lược phê duyệt.

+ Kế hoạch hàng năm này bao gồm các nội dung sau: Đánh giá kết quả cung cấp và sử dụng số liệu công khai trong năm trước; Kế hoạch thực hiện của năm hiện tại theo kế hoạch tổng thể đã được xây dựng; Kế hoạch quản lý ngân sách dữ liệu công cộng trong năm hiện tại; Các vấn đề khác cần thiết để quản lý chính sách dữ liệu công cộng.

Trước nhu cầu cấp thiết của xã hội về Dữ liệu mở, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Đây có thể là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Việt Nam xác định được vị trí và tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Có thể nói là, đây là lần đầu tiên có một văn bản pháp luật đưa quy định về “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước” để thể hiện sự tích cực của cơ quan nhà nước sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp để tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ cho nhau. Nghị định cũng đã đưa ra định nghĩa, nguyên tắc sử dụng dữ liệu mở, kế hoạch triển khai và các yêu cầu trong công bố Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và quy định các cơ quan nhà nước phải cung cấp Dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Dữ liệu mở phải có khả năng truy cập qua môi trường mạng, phải có khả năng đọc được bằng máy và cung cấp trên Cổng dữ liệu quốc gia, các Cổng dữ liệu khác.

Đến năm 2023, Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực cũng kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về dữ liệu của cơ quan nhà nước. Hai điểm sáng quy định về dữ liệu được cho là tháo gỡ nút thắt trong triển khai Chính phủ số tại Luật này là dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Cổng dữ liệu quốc gia của Việt Nam là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.

Cổng sẽ là công cụ, là nền tảng và đóng vai trò đắc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền tảng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu. Cổng sẽ góp phần minh bạch về dữ liệu, dữ liệu không chỉ truy cập được, xem được mà còn được chia sẻ và tái sử dụng. Minh bạch dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau, minh bạch với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Cổng dữ liệu quốc gia còn cung cấp bức tranh tổng thể về dữ liệu của cơ quan nhà nước, công bố Chiến lược, Kế hoạch, Kiến trúc, Tiêu chuẩn,… về dữ liệu của mỗi ngành. Ngành nào đang có cơ sở dữ liệu gì, đã hoàn thiện chưa, đã chia sẻ trong nội bộ ngành và ra ngoài ngành hay chưa?

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1. Data.gov and Open Data in the United States.

2. US open data action plan.

3. US Open Data Policy: Advances and Recommendations.

4. Open Government Data Policies and Practices in the Republic of Korea.

5. Enhancing Transparency and Quality of Public Services: The Republic of Korea’s Open Data Policy.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1042
    • Khách Khách 1041
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890664