Đang xử lý.....

Điều kiện đảm bảo việc duy trì, vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin sau đầu tư  

Sản phẩm của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sau khi đầu tư (bao gồm hệ thống thông tin, máy móc, thiết bị công nghệ thông tin, nền tảng số) cần được khai thác, vận hành, duy trì, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa nhằm đạt được hiệu quả sau đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động duy trì, vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin sau đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc. Trong bài viết này sẽ phân tích những vướng mắc cũng như những giải pháp tháo gỡ cho các vướng mắc đó.
Thứ Sáu, 27/12/2024 19
|

Sản phẩm của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sau khi đầu tư (bao gồm hệ thống thông tin, máy móc, thiết bị công nghệ thông tin, nền tảng số) cần được khai thác, vận hành, duy trì, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa nhằm đạt được hiệu quả sau đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động duy trì, vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin sau đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc. Trong bài viết này sẽ phân tích những vướng mắc cũng như những giải pháp tháo gỡ cho các vướng mắc đó.

Quy định hiện hành về quản lý, sử dụng và kinh phí khai thác vận hành, duy tu, bảo dưỡng… hệ thống kỹ thuật công nghệ thông tin, nền tảng số là kết quả thực hiện dự án đầu tư:

Thứ nhất, Quy định tại Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành

- Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thể hiện đầy đủ các nội dung theo khoản 2 Điều 44 Luật đầu tư công. Trong đó, quy định yêu cầu tại điểm k khoản 2 điều 44 “Xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác dự án”.

- Tại khoản 3 Điều 81 Luật Đầu tư công giao Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ quan tài chính của địa phương cân đối kinh phí thường xuyên để thanh toán các chi phí lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư chương trình và bảo trì, vận hành dự án đưa vào sử dụng.

Thứ hai, Quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành

- Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công theo khoản 2 Điều 6 Luật QLSD TSC có quy định: 2. Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa...

- Phương thức và nội dung quản lý vận hành tài sản công theo tại khoản 1, 2 Điều 35 Luật QLSD TSC có quy định: Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công trực tiếp thực hiện hoặc thuê đơn vị quản lý vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng. Nội dung quản lý vận hành tài sản công bao gồm: a) Điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên tài sản công; b) Cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường và dịch vụ khác bảo đảm cho tài sản công hoạt động bình thường.

- Quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được quy định tại Điều 39 Luật QLSD TSC: 1.Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công hoặc cơ quan, đơn vị quản lý vận hành tài sản công có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành. 2. Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật...

Tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản cũng như Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa có quy định rõ về việc phương thức sử dụng chung và nguyên tắc phân bổ các chi phí phát sinh khi thực hiện khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng… đối với tài sản là hạ tầng kỹ thuật, nền tảng phục vụ chuyển đổi số… là kết quả của những dự án đầu tư khi thực hiện nhiệm vụ thuộc Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Như vậy, kinh phí cho các hoạt động này được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước (chủ yếu là kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan trung ương) bố trí cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng sản phẩm dự án.

Vướng mắc kinh phí khai thác vận hành, duy tu, bảo dưỡng… hệ thống kỹ thuật công nghệ thông tin, nền tảng số là kết quả thực hiện dự án đầu tư:

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định căn cứ để lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm là định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước. Đồng thời Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ Ngân sách nhà nước. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách nhà nước năm 2022 (áp dụng cho năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội, đến thời điểm hiện tại vẫn áp dụng theo Nghị quyết này).

Trong Nghị quyết có giao “Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 về phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước; trong đó các khoản chi thanh toán chi phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ công tác chuyên môn nằm trong định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế (Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu đồng/biên chế;  Từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65 triệu đồng/biên chế; Từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61 triệu đồng/biên chế; Từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57 triệu đồng/biên chế).

Hiện nay, đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho chuyển đổi số, là đầu tư cho các hệ thống thông tin, nền tảng quốc gia, dùng chung trong Bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước chung, không phải đầu tư cho cá nhân người lao động. Kinh phí để vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin/nền tảng là rất lớn. Theo đó, nếu vẫn sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách nhà nước phân bổ theo định mức biên chế quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg nêu trên để vận hành và bảo trì là không đủ, không đảm bảo, dẫn tới sản phẩm của dự án sau đầu tư bị hoạt động gián đoạn, không đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.

Tháo gỡ vướng mắc kinh phí khai thác vận hành, duy tu, bảo dưỡng:

Ngày 10 tháng 7 năm 2024, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP bổ sung quy định trách nhiệm phải thực hiện quản trị, vận hành, bảo trì các sản phẩm sau đầu tư để bảo đảm hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục, khai thác hiệu quả; bổ sung trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác quản trị, vận hành, bảo trì. Nghị định cũng quy định nhiệm vụ quản trị, vận hành, bảo trì sản phẩm của dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng cho hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ đặc thù. Quy định này là cơ sở để cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên nằm ngoài định mức phân bổ theo biên chế thực hiện.

Tháo gỡ vướng mắc về xây dựng dự toán kinh phí khai thác vận hành, duy tu, bảo dưỡng:

Thời điểm trước đây, quy định của pháp luật không có hướng dẫn cách thức xác định chi phí quản trị, vận hành cho các hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu, mà chỉ có hướng dẫn về xác định chi phí bảo trì theo báo giá tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP; cũng không có tỷ lệ/định mức cụ thể cho hoạt động này. Do vậy, khoản kinh phí này được trình lên nhưng cơ quan, đơn vị thẩm định lúng túng trong việc xác định kinh phí này phù hợp không.

Hình ảnh: Minh họa quản lý hoạt động quản trị, vận hành, bảo trì

Hiện nay, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP đã bổ sung phương pháp xác định chi phí quản trị, vận hành, bảo trì cho hệ thống là sản phẩm của các dự án đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu, bao gồm lập dự toán hoặc báo giá của nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về từng phương pháp này. Bài viết này gợi ý về thực hiện chi tiết từng phương pháp, cụ thể như sau:

- Phương pháp lập dự toán

CVH/BT= CCG + CQL + CK + TN + VAT

Trong đó:

CVH/BT: Chi phí của công việc quản trị, vận hành hoặc chi phí bảo trì (đồng).

CCG: Chi phí chuyên gia trực tiếp (đồng). Đây là khoản chi phí trực tiếp của chuyên gia thực hiện công việc cần lập dự toán, được xác định theo số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia, tiền lương của chuyên gia.

CQL: Chi phí quản lý (đồng). Đây là khoản chi phí hoạt động quản lý chung bao gồm các chi phí liên quan đến hoạt động của bộ phận quản lý, điều hành tổ chức tư vấn (tiền lương của bộ phận quản lý), chi phí duy trì hoạt động của tổ chức tư vấn; chi phí văn phòng làm việc; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và các khoản chi phí quản lý khác có liên quan đến hoạt động của tổ chức tư vấn. Được xác định bằng 45-65% của tổng chi phí chuyên gia.

CK: Chi phí khác (đồng). Bao gồm chi phí đi lại, lưu trú (nếu có); chi phí văn phòng phẩm, thông tin, liên lạc; chi phí khấu hao thiết bị; chi phí ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình; chi phí hội nghị, hội thảo và các khoản chi phí khác (nếu có). Các khoản chi phí này xác định trên cơ sở dự kiến nhu cầu cần thiết của từng loại công việc tư vấn.

TN: Thu nhập chịu thuế tính trước (đồng). Được xác định bằng 6% của tổng chi phí chuyên gia, chi phí quản lý và chi phí khác.

VAT: Thuế giá trị gia tăng (đồng). Được xác định phù hợp với từng loại công việc theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

- Phương pháp trên cơ sở báo giá: lấy tối thiểu 03 báo giá của tổ chức, cá nhân cung cấp khác nhau.

Với hướng dẫn xác định dự toán chi phí quản trị, vận hành và bảo trì hệ thống nêu trên, phần nào có thể giúp các cơ quan, đơn vị thuận tiện hơn trong công tác lập dự toán kinh phí. Về lâu dài, đây là công tác cấp thiết cần có sau đầu tư, mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin, thì cần có một bộ định mức cho công tác quản trị, vận hành, quản trị làm cơ sở để lập dự toán đúng, chuẩn, phù hợp và có cơ sở. Qua tìm hiểu thông tin trên thế giới và qua thông tin khảo sát một số doanh nghiệp, mức kinh phí bảo trì phần mềm thương mại dao động khác nhau trong khoảng từ 5-27% tùy theo từng phần mềm và chính sách của mỗi hãngcung cấp (có phần mềm được cập nhật miễn phí, có phần mềm phải mất phí cập nhật hàng năm), và đối với phần cứng, phần mềm nội bộ là khoảng từ 5-32% tùy vào quy mô hệ thống thông tin.

Do vậy, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin xem xét việc quy định hoặc bổ sung hướng dẫn cho t lệ chi phí bố trí cho quản trị, vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin so với tổng mức đầu tư để tránh trường hợp chi phí quản lý, vận hành hệ thống quá lớn không phù hợp với hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Quách Hồng Trang - Phòng Quản lý đầu tư

 

Tài liệu tham khảo:

- Luật Đầu tư công năm 2019;

- Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách nhà nước năm 2022;

- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/8/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

- Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước;

- Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;

- How To Analyze Software Maintenance Costs Accurate In 2024?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 299
    • Khách Khách 299
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 4034311