Trong thời đại công nghệ số với những dòng chảy dữ liệu khổng lồ từ những thiết bị thông minh và nguồn dữ liệu này ngày càng lớn dần, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Internet vạn vật (IoT) đang trở thành xu hướng dẫn đầu. Trong đó, dữ liệu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là tài nguyên quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh các nguồn lực: đất đai, vốn, lao động, tài nguyên khoáng sản, dữ liệu đã trở thành đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất trong các mô hình kinh tế truyền thống. Dữ liệu cung cấp nguyên liệu cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo ra những dự báo được sử dụng cho nhiều ứng dụng… Dữ liệu có đặc điểm khác biệt so với những yếu tố đầu vào truyền thống. Nếu tài nguyên, sức lao động, máy móc bị hao mòn và cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng thì ngược lại, nguồn dữ liệu không bị cạn kiệt, càng nhiều người sử dụng càng làm tăng tăng giá trị của nó. Dữ liệu riêng lẻ có thể mang ít giá trị, nhưng nó có thể nhân lên khi được tổng hợp và phân tích với các dữ liệu liên quan khác, từ đó tạo ra cạnh tranh trong quá trình đổi mới sáng tạo và hình thành tri thức.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia, dựa trên 5 nội dung chính, đó là: Khung pháp lý về dữ liệu; Chiến lược dữ liệu; Kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu; Dịch vụ công; Dữ liệu mở.
Kinh tế Hàn Quốc là một nền kinh tế hỗn hợp phát triển cao được đặc trưng bởi những tập đoàn sở hữu bởi các gia đình giàu có được gọi là Chaebol. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở Châu Á và thứ 10 trên thế giới theo tăng trưởng GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này từng đạt 6.2% trong năm 2010, đây là một sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2008 và năm 2009 khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ lần lượt là 2.3% và 0.2% trong suốt thời kỳ Đại suy thoái. Nền kinh tế Hàn Quốc dần phục hồi trở lại với mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục là 70.7 tỷ USD vào cuối năm 2013, tăng 47% so với năm 2012. Mức tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn với những bất ổn kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này chủ yếu có được là nhờ việc quốc gia này đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.
Khung pháp lý về dữ liệu
Luật Bảo vệ dữ liệu: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hàn Quốc được gọi là Personal Information Protection Act (PIPA). Đây là một quy định pháp luật quan trọng để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân. Dưới đây là một số điểm chính của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hàn Quốc:
- Phạm vi áp dụng: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân PIPA áp dụng cho việc thu thập, sử dụng và xử lý thông tin cá nhân bởi các tổ chức và cá nhân tại Hàn Quốc.
- Quyền của người dùng: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân PIPA bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách bảo đảm rằng họ có quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình.
- Báo cáo vi phạm: Các tổ chức phải báo cáo vi phạm về dữ liệu cá nhân cho cơ quan quản lý dữ liệu cá nhân.
- Xử phạt: Nếu tổ chức vi phạm luật, họ có thể bị phạt nặng.
Chiến lược dữ liệu
Chính phủ nền tảng số (Digital Platform Government) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả Chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để cung cấp các dịch vụ công hiệu quả và thuận tiện cho người dân. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến Chính phủ nền tảng số với mục đích xây dựng một Chính phủ phản ứng nhanh và hiệu quả hơn bằng cách sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để chuyển đổi các dịch vụ công.
Chính phủ nền tảng số được hình dung sẽ đổi mới cơ bản các hoạt động của chính phủ trở thành một chính phủ lấy người dân làm trung tâm, một Chính phủ khoa học và minh bạch, và một Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân bằng cách tận dụng triệt để các cơ hội do các công nghệ số đang phát triển nhanh chóng như AI và điện toán đám mây.
Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra Chính phủ một cửa, phá vỡ rào cản giữa các bộ, ngành tìm cách hiện thực hóa Chính phủ nền tảng số nhằm cung cấp các dịch vụ ưu tiên, tích hợp và cá nhân hóa theo nhu cầu của công dân thông qua hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành.
Một mục tiêu quan trọng khác là xây dựng một chính phủ khoa học trên cơ sở việc hoạch định chính sách dựa vào dữ liệu. Chính phủ nền tảng số sẽ hoạt động như một nền tảng cho hợp tác công - tư. Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ công khai hầu hết dữ liệu của chính phủ và hỗ trợ tối đa các công ty tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ của chính phủ kết hợp với các dịch vụ của họ thông qua các Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Chính phủ nền tảng số của Hàn Quốc cũng sẽ đóng vai trò là nơi cho khu vực công và tư hợp tác để thử nghiệm các phương pháp đổi mới khác nhau.
Chính phủ nền tảng số là sự chuyển đổi mô hình hoạt động của chính phủ, trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm và chính phủ hỗ trợ họ. Đó sẽ là một chính phủ vươn tới người dân và doanh nghiệp, chứ không phải một chính phủ để người dân và doanh nghiệp phải tìm đến mình. Trong Chính phủ nền tảng số, các bộ, ngành sẽ hợp tác với nhau, chính phủ và khu vực tư sẽ phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề. Chính phủ nền tảng số sẽ đóng vai trò là nơi thử nghiệm để các công ty khởi nghiệp lập kế hoạch và đưa ra các dịch vụ mới. Các ý tưởng sáng tạo từ khu vực tư sẽ thành hiện thực và các công ty khởi nghiệp có năng lực sẽ tập hợp lại với nhau để tạo ra một hệ sinh thái trên Chính phủ nền tảng số.
Sáng kiến Chính phủ nền tảng số nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định của Chính phủ, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ, đồng thời thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế.
Kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu
Hàn Quốc đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về:
1- Cơ sở dữ liệu tài năng quốc gia: Cơ sở dữ liệu nhân tài quốc gia được xây dựng nhằm quản lý hiệu quả thông tin về cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực khác nhau của xã hội, cho phép tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia khi lựa chọn các vị trí chủ chốt như văn phòng chính trị,…
2- Cơ sở dữ liệu Giao thông quốc gia KTDB: Thống kê lưu lượng truy cập Giao thông quốc gia. Hàn Quốc cung cấp số liệu thống kê và dữ liệu về giao thông vận tải khách quan và có độ tin cậy cao nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá khứ, hiện tại và tương lai của Giao thông vận tải Hàn Quốc.
3- Cổng Thông tin không gian quốc gia: Cổng Thông tin này rất quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ và tích hợp dữ liệu không gian được thu thập từ các nguồn công cộng và riêng tư, ngăn chặn việc phát triển dữ liệu trùng lặp và giải quyết các vấn đề về dữ liệu không nhất quán.
4- Chính sách kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu: Chính sách kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức công và nhằm hiện thực hóa “một Chính phủ không có sự phân chia”. Chính sách này được thúc đẩy thông qua việc sửa đổi Luật Quản trị dữ liệu và cho phép tất cả các tổ chức công chia sẻ và sử dụng dữ liệu do các tổ chức công nắm giữ,…
5- Về chia sẻ, trao đổi giữa các cơ quan nhà nước: Hàn Quốc sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia để quản lý dữ liệu của các cơ quan Chính phủ, từ đó trích xuất và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khác nhằm phá vỡ rào cản giữa các bộ.
Đẩy mạnh dịch vụ công
Dịch vụ công của Hàn Quốc được đánh giá cao về mức độ hiện đại hóa và số hóa. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều chương trình để cải thiện dịch vụ công thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công.
Hàn Quốc cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân. Hiện tại Hệ thống Cổng Dịch vụ công của Chính phủ Hàn Quốc tại địa chỉ: https://www.gov.kr; Ngoài ra, các cơ quan vẫn có hệ thống dịch vụ công riêng (Ví dụ như cơ quan về tố tụng có hệ thống dịch vụ công: https://help.scourt.go.kr/nm/min_16/min_16_12/index.html).
Đẩy mạnh ranh giới dữ liệu mở
Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc liên tục đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về Chỉ số dữ liệu mở, hữu ích và có thể tái sử dụng (Open, Useful, and Re-usable data (OURdata) Index).
Hình 1: Giá trị dữ liệu mở của Hàn Quốc
Giá trị của dữ liệu mở của Hàn Quốc được định nghĩa là tất cả dữ liệu điện tử ngoại trừ thông tin cá nhân và an ninh quốc gia do các tổ chức công tạo ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển nền kinh tế quốc gia.
Chính phủ Hàn Quốc đã và đang đẩy mạnh ranh giới về những gì có thể làm với dữ liệu mở, giúp các doanh nghiệp và người dùng dễ dàng khai thác dữ liệu chính phủ mở, cung cấp năng lượng cho các ứng dụng và dịch vụ của họ.
Theo Giám đốc Cơ quan Xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc NIA, ông Dongyub Baek, hiện nay các cơ quan khu vực công ngày càng quan tâm đến việc khai thác nguồn dữ liệu như vậy để đào tạo các mô hình AI, mặc dù tất cả vẫn còn ở giai đoạn đầu.
Ông Baek làm việc tại bộ phận dữ liệu mở của Cơ quan Xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc, nơi xử lý các chính sách, cơ sở hạ tầng như Cổng dữ liệu mở quốc gia cũng như đánh giá tác động của các sáng kiến của chính phủ.
Cổng Dữ liệu mở quốc gia Hàn Quốc được thành lập vào năm 2013 như một trung tâm một cửa để công dân truy cập các tập dữ liệu công khai. Những tập dữ liệu này được lưu ở nhiều định dạng khác nhau, tạo điều kiện cho việc truy cập và tải dễ dàng.
Tính đến năm nay, đã có 87.000 tập dữ liệu công khai có sẵn trên cổng thông tin, ông Baek cho biết tại Hội nghị quốc tế về dữ liệu và quản trị số do Bộ phận kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc UN DESA tổ chức vào ngày 19 - 21/10/2024.
Hợp tác chủ động trong dữ liệu mở
Hàn Quốc ban hành Luật Dữ liệu mở cho phép các truy cập thương mại và phi thương mại, cũng như việc tái sử dụng dữ liệu của Chính phủ; các dữ liệu được sử dụng thường xuyên gồm: Dữ liệu về các cửa hàng trên toàn quốc; danh sách đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội; dữ liệu sản lượng gas của tập đoàn gas Hàn Quốc; thông tin về kết quả khám sức khỏe định kỳ của người tham gia bảo hiểm sức khỏe trên 40 tuổi; thông tin về tai nạn giao thông; thông tin về tình trạng kinh doanh và thông tin xác minh tính xác thực cho các mục đầu vào - Cơ quan thuế Quốc gia; dự báo thời tiết; thông tin về các cửa hàng trên toàn quốc; thông tin về giao dịch bất động sản; thông tin về ô nhiễm không khí...
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc giao tiếp chủ động với khu vực tư nhân và công dân - những người sử dụng dữ liệu, ông Beak cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một hội đồng chiến lược dữ liệu mở, do Thủ tướng Han Duck-Soo và các chuyên gia dữ liệu khu vực tư nhân đồng chủ trì, để thảo luận, phối hợp, giám sát và đánh giá các chính sách và việc thực hiện dữ liệu mở của chính phủ.
Một nửa số thành viên của hội đồng đến từ khu vực tư nhân, bao gồm các công ty đã thành lập và khởi nghiệp.
Đối với các Chính phủ đang tìm cách khởi động các sáng kiến dữ liệu mở, ông Beak nhấn mạnh tầm quan trọng của một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để hướng dẫn các cơ quan thực hiện các chính sách dữ liệu mở.
“Giống như nhiều quốc gia khác, chúng tôi đã ban hành một số luật quan trọng, bao gồm Luật thông tin (Information Law), Luật dữ liệu mở (Open Data law) năm 2013 và cuối cùng là Luật quản lý dữ liệu (The Data-driven Administration Law) được ban hành gần đây vào năm 2020”, ông Baek lưu ý.
Chính phủ Hàn Quốc hiện cũng đang hỗ trợ Bộ Công nghệ và Truyền thông (MIC) của Lào về dữ liệu mở và Văn phòng Thống kê Quốc gia (NSO) của Mông Cổ về xây dựng năng lực và quản lý chất lượng dữ liệu. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tăng cường hợp tác quốc tế xung quanh nền kinh tế dữ liệu - quan hệ đối tác gần đây nhất diễn ra cách đây vài ngày với Liên minh Châu Âu (EU) để thúc đẩy hợp tác về quản trị dữ liệu toàn cầu và thương mại.
Bài học kinh nghiệm
Chính phủ Hàn Quốc coi Chính phủ nền tảng số như một chiến lược đổi mới Chính phủ. Trong những năm qua, người dân đã quen với các dịch vụ phù hợp, được cá nhân hóa cao mà các công ty nền tảng sáng tạo cung cấp. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội được đẩy nhanh và sâu rộng hơn do địa dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể kỳ vọng của người dân đối với Chính phủ. Kết quả là, Chính phủ mới nhận ra rằng cần có những thay đổi cơ bản để cung cấp cho người dân các dịch vụ toàn diện, ưu tiên và phù hợp nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của họ. Do đó, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu hành trình mới của Chính phủ nền tảng số để mở ra quá trình chuyển đổi số toàn diện, toàn bộ Chính phủ.
Trần Chí Nam
Tài liệu tham khảo
Big Data Strategy of statistics Korea.
Enhancing Transparency and Quality of Public Services: The Republic of Korea’s Open Data Policy.
Data Innovations and Challenges in South Korea.
The Korean Way With Data