Dữ liệu là yếu tố mới, có những đặc thù nhất định, chiến lược dữ liệu lại là bước khởi đầu. Các quốc gia trong đó có Liên minh Châu Âu đã và đang tìm hướng đi Chiến lược cho mình và sau đó sẽ phải giải quyết bài toán làm thế nào để thực hiện chiến lược để đạt được mục tiêu của mình.
Chiến lược dữ liệu Châu Âu nhằm mục đích đưa Châu Âu trở thành quốc gia dẫn đầu trong xã hội dữ liệu. Việc tạo ra một thị trường dữ liệu duy nhất sẽ cho phép dữ liệu lưu thông tự do trong Châu Âu và giữa các lĩnh vực vì lợi ích của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chính quyền công.
Liên minh Châu Âu là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên. Liên minh Châu Âu là nơi sinh sống của khoảng 447 triệu người, chiếm khoảng 6% dân số thế giới. Liên minh Châu Âu đã phát triển một thị trường chung thông qua một hệ thống luật tiêu chuẩn áp dụng ở tất cả các quốc gia thành viên. Những chính sách này nhằm bảo đảm sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa các quốc gia thành viên.
Chiến lược dữ liệu của Châu Âu
Chiến lược dữ liệu của Liên minh Châu Âu quy định:
1- Một không gian dữ liệu Châu Âu, một thị trường dữ liệu duy nhất.
2- Dữ liệu hòa hợp trên một dòng chảy và trên mọi lĩnh vực.
3- Tạo ra những dữ liệu chất lượng cao và đổi mới.
4- Các quy tắc và giá trị của Châu Âu được tôn trọng đầy đủ.
5- Các quy tắc truy cập và sử dụng dữ liệu công bằng, thiết thực và có cơ chế quản trị dữ liệu rõ ràng.
Chiến lược dữ liệu của Liên minh Châu Âu thể hiện các chính sách về: Khung pháp lý về dữ liệu của Liên minh Châu Âu; Chiến lược dữ liệu; Trao đổi, chia sẻ dữ liệu; Dịch vụ công; Các chỉ số báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; Dữ liệu mở; Thị trường dữ liệu.
Khung pháp lý về dữ liệu của Liên minh Châu Âu
Khung pháp lý về dữ liệu ở Liên minh Châu Âu được xác định chủ yếu bởi Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu chung GDPR và Chỉ thị Bảo vệ dữ liệu trong lĩnh vực Hình sự:
Luật Dữ liệu số 2023/2854 là một đạo luật được thiết kế để tăng cường nền kinh tế dữ liệu của Liên minh Châu Âu và thúc đẩy thị trường dữ liệu cạnh tranh bằng cách làm cho dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu công nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng hơn, khuyến khích đổi mới dựa trên dữ liệu và tăng tính sẵn có của dữ liệu. Để đạt được điều này, Luật Dữ liệu bảo đảm sự công bằng trong việc phân bổ giá trị dữ liệu giữa các tác nhân trong nền kinh tế dữ liệu. Luật Dữ liệu đã là rõ ai có thể sử dụng dữ liệu nào và trong điều kiện nào.
Quy định (EU) 2016/679 về bảo vệ thể nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân và về việc di chuyển dữ liệu. Quy định này bao gồm bản sửa đổi được xuất bản trong OJEU ngày 23/5/2018.
Quy định 2018/1725 đặt ra các quy tắc áp dụng cho việc xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cơ quan, văn phòng và cơ quan của Liên minh Châu Âu. Quy định này được đưa vào áp dụng ngày 11/12/2018.
Chỉ thị (EU) 2016/680 về bảo vệ thể nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến tội phạm hình sự hoặc thi hành các hình phạt hình sự và về tự do di chuyển các dữ liệu đó.
Các nước Liên minh Châu Âu đã thành lập các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Điều 8(3) của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh Châu Âu.
Chiến lược dữ liệu
Chiến lược dữ liệu tập trung của Liên minh Châu Âu vào việc đặt người dân lên hàng đầu trong việc phát triển công nghệ, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các giá trị và quyền của Châu Âu trong thế giới kỹ thuật số.
Dữ liệu là nguồn tài nguyên thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và tiến bộ xã hội nói chung. Trong tương lai, việc phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho cả người dân và doanh nghiệp trong việc:
- Cải thiện sức khỏe.
- Tạo ra hệ thống giao thông an toàn hơn và sạch hơn.
- Tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
- Giảm chi phí dịch vụ công.
- Nâng cao tính bền vững và hiệu quả năng lượng.
Trao đổi, chia sẻ dữ liệu
Đạo luật quản trị dữ liệu (European Data Governance Act) tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các ngành và các quốc gia EU, nhằm tận dụng tiềm năng của dữ liệu vì lợi ích của công dân và doanh nghiệp Liên minh Châu Âu.
Đạo luật quản trị dữ liệu tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu và trao quyền kiểm soát cho người dân, còn Đạo luật dữ liệu Châu Âu (European Data Act) cung cấp nhiều dữ liệu hơn, loại bỏ các rào cản đối với việc sử dụng dữ liệu).
Không gian dữ liệu chung Châu Âu (Common European Data Spaces) cung cấp dữ liệu để truy cập và tái sử dụng. Không gian dữ liệu chung Châu Âu hiện đang được phát triển trên 14 lĩnh vực, đó là: Nông nghiệp, Di sản văn hóa, Năng lượng, Tài chính, Thỏa thuận xanh, Sức khỏe, Ngôn ngữ, Chế tạo, Phương tiện truyền thông, Tính cơ động, Hành chính công, Nghiên cứu và Đổi mới, Kỹ năng, Du lịch.
Với Đạo luật Dữ liệu Châu Âu, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2024, Ủy ban đặt mục tiêu cung cấp nhiều dữ liệu hơn để sử dụng thông qua các quy tắc mới về những người có thể sử dụng và truy cập dữ liệu và cho mục đích nào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế trong EU. Các quy tắc mới dự kiến sẽ tạo ra 270 tỷ euro GDP bổ sung cho các Quốc gia thành viên EU vào năm 2028 bằng cách giải quyết các vấn đề pháp lý, kinh tế và kỹ thuật dẫn đến việc dữ liệu bị sử dụng không đầy đủ.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp tạo ra dữ liệu bằng cách sử dụng các sản phẩm và dịch vụ. Với Đạo luật Dữ liệu, họ sẽ được hưởng lợi từ:
- Giá rẻ hơn cho các dịch vụ hậu mãi và sửa chữa các đối tượng liên quan của họ.
- Cơ hội mới để sử dụng các dịch vụ dựa trên quyền truy cập vào dữ liệu này.
- Truy cập tốt hơn vào dữ liệu được thu thập hoặc tạo ra bởi một thiết bị.
- Biện pháp bảo vệ mới chống lại việc chuyển giao dữ liệu bất hợp pháp.
- Giảm chi phí khi di chuyển dữ liệu sang nhà cung cấp đám mây khác.
Dịch vụ công
Cổng Dịch vụ công Châu Âu cung cấp thông tin và truy cập đến các dịch vụ công của Liên minh Châu Âu, giúp công dân và doanh nghiệp tìm hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
- Cổng Dịch vụ công Your Europe: Hướng dẫn đến các trang web Liên minh Châu Âu và quốc gia phù hợp.
- Cổng Dịch vụ công Châu Âu Funding&Tenders cung cấp các dịch vụ và thông tin từ hướng dẫn về quyền lợi và nghĩa vụ trong EU cho người nộp đơn, nhà thầu và chuyên gia trong các chương trình tài trợ và đấu thầu do Ủy ban Châu Âu quản lý.
Các chỉ số báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội
Các chỉ số kinh tế - xã hội của Liên minh Châu Âu cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia thành viên:
- Chỉ số Tiến bộ Xã hội của Liên minh Châu Âu (EU-SPI): Được phát triển như một phần của chương trình “Beyound GDP”, EU-SPI đánh giá tiến bộ xã hội dựa trên các yếu tố không kinh tế như sức khỏe, giáo dục và môi trường.
- Chỉ số Kinh tế và Xã hội: Các chỉ số này được thu thập từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm cả dữ liệu lớn từ các dịch vụ và hệ thống để phân tích và cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà hoạch định chính sách.
- Euro indicators: Cung cấp thông tin kinh tế chung về khu vực euro, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên. Các chỉ số được công bố hàng tháng hoặc hàng quý theo lịch trình phát hành.
Những chỉ số này giúp đánh giá và so sánh tình hình phát triển giữa các quốc gia và khu vực trong Liên minh Châu Âu, từ đó hỗ trợ việc đưa ra các quyết định chính sách phù hợp và hiệu quả.
Dữ liệu mở
Cổng Dữ liệu mở data.europa.eu là điểm truy cập trung tâm vào dữ liệu mở Châu Âu từ các cổng quốc tế, Liên minh Châu Âu quốc gia, khu vực, địa phương và dữ liệu địa lý. Cổng này được hợp nhất Cổng Dữ liệu mở Châu Âu trước đây và Cổng Dữ liệu Châu Âu.
Chỉ thị dữ liệu mở (Open Data Directive) chính thức được gọi là Chỉ thị (EU) 2019/1024 tập trung vào dữ liệu mở và tái sử dụng thông tin khu vực công. Chỉ thị Dữ liệu mở là một phần của Chiến lược Dữ liệu Châu Âu rộng hơn và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Liên minh Châu Âu nhằm tạo ra khung pháp lý chung cho dữ liệu do Chính phủ nắm giữ. Dữ liệu có thể được chia sẻ và tái sử dụng miễn phí để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế.
Thị trường dữ liệu
Chiến lược dữ liệu của Châu Âu nhằm mục đích tạo ra một thị trường dữ liệu duy nhất để bảo đảm khả năng cạnh tranh toàn cầu và chủ quyền dữ liệu của Châu Âu. Điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra các Không gian Dữ liệu Chung Châu Âu với mục đích có nhiều dữ liệu hơn để sử dụng trong nền kinh tế và xã hội, đồng thời vẫn kiểm soát được các công ty và cá nhân tạo ra dữ liệu:
- Dữ liệu có thể lưu chuyển trong Liên minh Châu Âu và giữa các lĩnh vực.
- Các quy tắc về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, cũng như luật cạnh tranh, hoàn toàn được tôn trọng.
- Các quy tắc truy cập và sử dụng dữ liệu là công bằng, thiết thực và rõ ràng.
Động lực tích cực của thị trường dữ liệu và các công ty dữ liệu tại Châu Âu được phản ánh qua sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục của nền kinh tế dữ liệu, thể hiện giá trị của những tác động trực tiếp và gián tiếp của thị trường dữ liệu đối với nền kinh tế tổng thể.
Bài học kinh nghiệm
Kinh nghiệm từ việc xây dựng chiến lược dữ liệu ở Liên minh Châu Âu cho thấy một số điểm quan trọng cần lưu ý:
- Tập trung vào giá trị và minh bạch: Chiến lược dữ liệu cần phải dựa trên các giá trị của Châu Âu về quyền riêng tư và tính minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp Châu Âu được hưởng lợi từ tiềm năng của dữ liệu công nghiệp và công cộng.
- Luật pháp và quy định: Cần có các quy định rõ ràng về quyền sở hữu dữ liệu, chính sách mua bán dữ liệu và các nguyên tắc sử dụng dữ liệu có trách nhiệm.
- Hợp tác và chia sẻ dữ liệu: Việc kích hoạt luồng dữ liệu giữa các ngành và quốc gia là quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp Châu Âu.
Phát triển kỹ năng: Tăng cường số lượng chuyên gia dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế dữ liệu đang phát triển.
Dữ liệu là trung tâm của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Do đó, dữ liệu là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế dài hạn ở châu Âu. Thị trường dữ liệu duy nhất do EU thiết kế sẽ cho phép các công ty (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trên toàn EU thu được lợi ích từ dữ liệu mà họ khó hoặc không thể truy cập.
“Dữ liệu Châu Âu sẽ được các công ty châu Âu sử dụng để tạo ra giá trị ở Châu Âu”, Uỷ viên thị trường nội khối Thierry Breton khái quát lại khái niệm thị trường dữ liệu chung tại một cuộc họp ở Berlin hồi năm 2020.
Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin trong chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam như: Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 được quy định tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia được quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Luật Dữ liệu mới được ban hành thì nhiệm vụ “Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia” là một trong những nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; và “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quyết định lộ trình tạo lập, số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động chuyển đổi số theo Chiến lược dữ liệu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành”.
Và Chiến lược dữ liệu quốc gia đã xác định tầm nhìn “Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
https://en.wikipedia.org/wiki/General_Data_Protection_Regulation
A European Strategy for Data.
https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/strategy-data.