Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của xã hội, cả tích cực và tiêu cực, vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự thay đổi của cá nhân người lao động, người sử dụng lao động, và cả chính sách, pháp luật về lao động, việc làm.
1. Tác động của AI đến lao động, việc làm
1.1. AI thay đổi quan hệ lao động
Trong quan hệ lao động truyền thống, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận theo nguyên tắc cơ bản: người lao động phải thực hiện một số công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; được hưởng các chế độ về lương, thưởng, bảo hiểm, điều kiện làm việc, dụng cụ lao động, phương tiện đi lại …; hai bên có quyền và nghĩa vụ phụ thuộc lẫn nhau.
Với sự áp dụng AI trong các doanh nghiệp hiện nay, quan hệ lao động này có thể thay đổi. Các nhà sử dụng lao động hoàn toàn có thể sử dụng AI để đưa ra quyết định liên quan đến người lao động. AI có thể được sử dụng để ra các quyết định đánh giá nhân viên, tự động đánh giá và xếp hạng nhân viên dựa trên nhiều tiêu chí như kinh nghiệm, kỹ năng, thành tích nổi bật.
Điều này đặt ra những lo ngại đáng kể về giới hạn của công nghệ AI trong việc dự đoán và đánh giá cảm xúc của con người và nếu dữ liệu đầu vào không chính xác hoặc không đầy đủ thì quyết định có thể thiên lệch, thiếu công bằng, có thể được sử dụng làm cơ sở để chấm dứt hoặc cắt giảm việc làm.
1.2. AI và năng suất lao động
AI có tác động to lớn đến năng suất lao động và tạo nhiều việc làm mới trong nhiều lĩnh vực. AI, tự động hóa được coi là yếu tố giúp tăng cường sức lao động cho con người, giải phóng nguồn nhân lực có giá trị cho công việc mang tính chiến lược và sáng tạo hơn. Điều này sẽ cải thiện hiệu quả và năng suất trong các ngành từ sản xuất, hậu cần, đến chăm sóc sức khỏe, tài chính. Một khảo sát của PwC cho thấy, các ngành tiếp xúc nhiều với AI đang có mức tăng trưởng năng suất lao động cao hơn gần 5 lần, tạo động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống Theo một khảo sát toàn cầu khác, trong đó có Việt Nam, 60% người lao động ở Việt Nam được hỏi cho rằng AI giúp họ tăng năng suất/hiệu quả làm việc (so với tỷ lệ ở Châu Á Thái Bình Dương là 41%) và 58% coi đó là cơ hội để học các kỹ năng mới (so với Châu Á Thái Bình Dương là 34%). Các ngành như Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông, cũng như Dịch vụ tài chính, có tiềm năng lớn nhất để cải thiện năng suất thông qua AI. Việc ứng dụng AI đã giúp nhân viên của họ tăng năng suất lao động lên nhiều lần, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.
1.3. AI và việc làm
AI có thể tạo những việc làm mới. Theo báo cáo của OECD, do năng suất tăng lên nên nó cũng có thể dẫn đến nhu cầu lao động tăng cao. AI cũng có thể tạo ra các nhiệm vụ mới, từ đó có thể tạo ra việc làm mới, đặc biệt là cho những người lao động có kỹ năng bổ sung cho AI. Theo Báo cáo Tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong 5 năm tới, dự kiến sẽ có 69 triệu việc làm được tạo ra Tương tự, AI có thể tạo ra các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ và các ngành khác của Việt Nam. Khi nhu cầu về chuyên môn AI tăng lên, nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia được đào tạo về khoa học dữ liệu, học máy, phát triển phần mềm, cũng như các công việc đòi hỏi cách làm việc với AI. Điều này sẽ mở ra con đường sự nghiệp mới cho những người trẻ tuổi, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh việc tạo việc làm mới, nguy cơ về mất việc làm, thay thế lao động do việc triển khai, ứng dụng AI ngày càng tăng. Chẳng hạn, việc tích hợp các hệ thống hỗ trợ quyết định, robot trợ giúp và phương tiện tự lái có tiềm năng khiến nhiều người lao động mất việc, củng cố định kiến trên thị trường lao động, ảnh hưởng đến quyền được làm việc, dẫn đến bất ổn kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, với cơ cấu lao động hiện hành, tác động của AI đối với người lao động sẽ là thách thức lớn, rủi ro thất nghiệp và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Trong các ngành nghề chất lượng cao không, khó thay thế các kỹ sư phần mềm hay các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm bằng các ứng dụng AI. Lý do được đưa ra là mặc dù AI nổi bật với khả năng tự học, tuy nhiên những ngành nghề chất lượng cao này lại yêu cầu các kỹ năng đặc biệt như kỹ năng lý luận logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phán đoán, khả suy luận về các tình huống mới lạ,…Đây đều là những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người lao động phải học tập và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Do đó, rất khó để công nghệ AI hiện tại có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Ngược lại, các ngành nghề được xem là “lao động chất lượng thấp” như nhân viên vệ sinh hoặc bảo vệ thường ít có sự tiếp xúc với trí tuệ nhân tạo. Theo OECD, những ngành nghề này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị thay thế bởi các ứng dụng AI, đặc biệt là trong khoảng 20 năm tiếp theo. Chẳng hạn, từ một nghiên cứu ở sáu quốc gia EU đã phát hiện ra rằng những người lao động trẻ, nam giới và những người có trình độ học vấn trung cấp có nhiều khả năng bị thay thế bởi tự động hóa. Với sự phát triển của không chỉ AI mà còn các công nghệ khác, việc các đặc trưng cơ bản của các ngành nghề chất lượng thấp này như tính đơn giản, tính lặp lại,… có thể bị thay thế bởi AI là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, các công việc yêu cầu kỹ năng cao như phân tích, lý luận logic thường chỉ tốn tài nguyên ở mức độ tương đối để AI tính toán. Ngược lại, các tác vụ của các ngành nghề kỹ năng thấp lại thường liên quan đến kỹ năng vận động cảm biến. Những tác vụ này từ góc độ của con người tuy là đơn giản nhưng từ góc độ của máy tính thường không rõ ràng và rất khó để chuyển đổi thành ngôn ngữ máy, do đó sẽ tốn nhiều tài nguyên hơn để xử lý. Mặc dù AI có khả năng tự học, tuy nhiên các tác vụ này không bao giờ là cố định, và luôn có thể phát sinh thêm các trường hợp mới, do đó rất khó để AI có thể thay thế hoàn toàn con người làm các công việc này.
Vào năm 2021, một nhóm tác giả đã đánh giá tác động của AI đến việc làm ở Việt Nam và Lào dựa trên đánh giá sự phù hợp cho học máy của hơn 2.000 hoạt động công việc chi tiết cấu thành nên các nghề nghiệp. Đối với Việt Nam, hầu hết người trả lời có các kỹ năng phù hợp ở mức độ vừa phải với máy học, cho thấy những người này có nguy cơ vừa phải bị thay thế bởi máy móc kỹ thuật số. Mặt khác, một số lượng đáng kể cũng thể hiện các kỹ năng rất phù hợp với máy học. Kết quả phân tích theo giới tính cho thấy, tương tự như các nghiên cứu khác, lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn một chút bởi các công nghệ AI thay thế lao động so với lao động nam. Về độ tuổi, rủi ro bị thay thế bởi các công nghệ học máy nhiều nhất ở những người trong độ tuổi từ 25 đến 35; những người lao động trong nhóm tuổi lớn nhất (55-65 tuổi) chỉ bị ảnh hưởng ở mức độ vừa phải bởi các công nghệ học máy.
Theo đánh giá nói trên, nhiều nghề nghiệp ở Việt Nam có các hoạt động phù hợp với học máy, tức là chịu tác động nhiều từ các công cụ học máy; đặc biệt là “công nhân may mặc và các ngành nghề liên quan”, “nhân viên bán hàng tại cửa hàng” và “người làm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”. Trong số ba nghề nghiệp này, các hoạt động của nhân viên bán hàng tại cửa hàng phù hợp nhất với máy học nói chung; mặc dù vẫn cần có người lao động nghề này để thực hiện một số hoạt động mà AI khó thay thế. Ngược lại, một số ít nghề nghiệp, chủ yếu là trong lĩnh vực dịch vụ có các hoạt động công việc không phù hợp lắm với công nghệ học máy. Mặc dù những nghề nghiệp này có thể được coi là an toàn xét về tác động thay thế lao động của AI, nhưng không có nhiều cơ hội cho những người lao động làm trong những nghề này cải thiện năng suất của họ thông qua AI. Đó là những nghề như "dọn dẹp và giúp việc gia đình, khách sạn và văn phòng", "phục vụ và pha chế".
Thực tế, các tài liệu nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy, xu hướng áp dụng AI để hỗ trợ một phần của công việc dường như phổ biến hơn so với việc thay thế hoàn toàn công việc bằng AI.
2. Vấn đề nhân lực AI
Trong quá trình phát triển AI, nhân công giá rẻ với số lượng lớn không còn là lợi thế của Việt Nam, mà đòi hỏi nhân lực trình độ cao, trước hết là nhân lực CNTT. Lực lượng lao động CNTT ở Việt Nam vào năm 2024 khoảng 560.000, hàng năm có 50.000-60.000 sinh viên ra trường. Nói chung lao động CNTT của Việt Nam trên phương diện nhất định được đánh giá khá cao, cụ thể như: theo khảo sát SkillValue, năng lực lập trình viên Việt Nam nằm trong TOP 10 thế giới; theo UNESCO Statistics, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đào tạo nhiều kỹ sư phần mềm nhất; hạng 6 trong số các quốc gia hàng đầu về gia công phần mềm.
Tuy nhiên, như biểu đồ dưới đây cho thấy, hàng năm Việt Nam vẫn thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên, kỹ sư có chuyên môn cao và các kỹ năng mềm, ngoại ngữ. Đây lại là những năng lực cần phải có để ứng phó với tác động tiêu cực của AI đối với lao động, việc làm.
Theo một khảo sát, đa số các doanh nghiệp, chiếm 87,3% ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm, bằng cấp về CNTT. Ngược lại, chỉ có 5,4% nhà tuyển dụng sẵn lòng tuyển dụng ứng viên chưa có kinh nghiệm/không có nền tảng CNTT/IT. Đối với doanh nghiệp công nghệ số, bài toán cần giải quyết là: Sinh viên học 4-5 năm nhưng vẫn cần đào tại lại từ 6 tháng -1 năm tại doanh nghiệp mới đáp ứng được nhu cầu công việc; sinh viên ra trường chưa có định hướng rõ ràng; doanh nghiệp mất nhiều nỗ lực trong việc kèm cặp đào tạo cả chuyên môn và những kỹ năng mềm cơ bản nhất (viết email, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình/trình bày,...); kỹ năng ngoại ngữ; kinh nghiệm làm việc, khả năng “ thực chiến”. Chiến lược của doanh nghiệp: Hợp tác, đồng hành cùng các trường đại học tham gia thiết kế chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng, huấn luyện thực chiến cho sinh viên từ năm thứ nhất.
Riêng về nhân lực cho AI, theo các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực AI, có thể xếp thành các nhóm sau: Các nhà khoa học, nghiên cứu AI có thể thiết kế các mô hình AI; Kĩ sư hệ thống và kĩ sư lập trình; bộ phận back-end để duy trì AI lâu dài (trong đó nhóm nhân sự dán nhãn dữ liệu có thể là người khuyết tật, người tự kỉ). Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2000 chuyên gia AI làm việc trong nước, chủ yếu sống tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nơi các công ty liên quan đến AI đặt trụ sở chính. Số lượng chuyên gia AI này được đánh giá là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển, ứng dụng AI ở Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiện Việt Nam còn thiếu nhiều các nhà khoa học về AI (nghiên cứu ra các mô hình AI, thiết kế, chỉnh sửa mô hình AI). Còn kĩ sư phần mềm AI (dùng ngôn ngữ lập trình để lập trình mô hình AI) có thể tìm được, nhưng thiếu người có kinh nghiệm và làm tốt; đặc biệt là kĩ sư khoảng 40 tuổi đến 50 tuổi rất hiếm, là độ tuổi đã tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng giỏi để truyền lại cho thế hệ sau. Việt Nam có số lượng du học sinh học về AI đáng kỳ vọng, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế.
Thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy, năm 2024 đã có sự chuyển dịch rõ rệt trong yêu cầu kỹ năng, khi nhiều doanh nghiệp cần nhân lực có năng lực phát triển toàn diện (full-stack) và chuyên sâu vào các công nghệ mới như: Khả năng xây dựng hoặc ứng dụng các mô hình học máy và sử dụng các framework; Hiểu biết và kinh nghiệm với các dịch vụ cloud của AWS, Google Cloud, Azure; nắm vững các công cụ và phương pháp phát hiện, ngăn chặn tấn công, đặc biệt là trong bảo mật hệ thống đám mây. Đồng thời, để ứng dụng được AI trong các ngành, không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức về AI, dữ liệu, mà cũng cần kiến thức chuyên ngành như kinh doanh, y khoa, luật. Theo khảo sát doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam năm 2024, GenAI sẽ là yếu tố thúc đẩy lực lượng lao động của họ phát triển các kỹ năng mới (73%); các nhân viên cần phải phát triển các kỹ năng cần thiết để khai thác tối đa lợi ích từ công nghệ. Tuy nhiên, các ngành không phải là CNTT đang thiếu nhân sự có kiến thức, kỹ năng biết cách ứng dụng AI vào quản trị doanh nghiệp, kinh doanh, cung cấp dịch vụ.
3. Giải pháp giải quyết vấn đề thay thế việc làm do AI
Để giải quyết vấn đề việc làm trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của AI, câu hỏi mấu chốt ở đây là: AI làm được gì và không làm được gì. Khi đã xác định rõ câu trả lời, có thể định hình phương hướng chung về việc làm kể cả từ cấp độ cá nhân người lao động, tổ chức/doanh nghiệp, và chính sách quốc gia.
Hình: Cộng sinh giữa con người với AI trong việc làm
Dựa vào mô hình của Kai-Fu Lee trên đây, có thể thấy rằng ở “Vùng nguy hiểm” (góc trái bên dưới), AI có thể thay thế hoàn toàn con người thực hiện các công việc. Ở các phần còn lại, việc con người cộng sinh với AI ở các mức độ khác nhau là cần thiết để phát triển. AI có thể thay thế một vài nhiệm vụ trong một ngành nghề nào đó của con người nhưng sẽ không thay thế hoàn toàn vị trí đó. Ví dụ như AI có thể hỗ trợ con người trong lĩnh vực y tế, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật,... những không thể thay thế hoàn toàn sự tham gia của con người trong những công việc này. Việc cộng sinh có thể bao gồm việc con người và AI cùng hoạt động, hoặc con người có thể làm việc dựa vào những nền tảng đã được xử lí bởi AI. Đây là điều cần thiết và hợp lí khi con người cũng phải dần thích nghi với sự phát triển của xã hội bởi sự ra đời của những công nghệ mới, tương tự như ba cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử nhân loại.
Như đã trình bày, AI thay đổi những yêu cầu về mặt kĩ năng, cho nên nhân sự cần thay đổi và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động bằng cách tham gia đào tạo và cập nhật kiến thức. Cần thúc đẩy việc học tập dài hạn và thay đổi tư duy về công việc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rằng khi AI tiến bộ, nó sẽ thay thế hoặc loại bỏ hoàn toàn người lao động đến mức không có lượng thời gian đào tạo hoặc điều chỉnh nào là đủ. Có chuyên gia đề xuất, có thể phân chia thời gian lao động, chia nhỏ các khoảng thời gian lao động để tạo ra nhiều ca làm việc và tăng số lượng người có việc làm. Những cách tiếp cận này có thể đồng nghĩa với việc giảm lương thực tế đối với hầu hết người lao động, nhưng những thay đổi này ít nhất có thể giúp mọi người tránh được tình trạng thất nghiệp hoàn toàn. Những những cách tiếp cận này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề triệt để mà AI gây ra ở vấn đề việc làm.
Các vấn đề về việc làm vẫn cần sự can thiệp và hỗ trợ của chính phủ trong việc xây dựng các chính sách công để giải quyết những sự thay đổi lớn về công nghệ, cũng như phân phối thu nhập trong xã hội. Trong đó phổ biến nhất là tăng cường giáo dục và đào tạo người lao động. Sự phát triển của AI có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở những người có trình độ trung bình và thấp, nhưng việc tăng cường đào tạo và chuẩn bị cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn có thể hỗ trợ họ tìm lại việc làm, từ đó đảo ngược hoặc giảm bớt xu hướng này. Do đó, sẽ có nhu cầu lớn hơn về đào tạo lại nghề và nhân sự chủ động, thích ứng. Nhà nước cần đóng vai trò tích cực trong việc giáo dục các kỹ năng mới, đào tạo lại nhân viên để sử dụng AI hiệu quả hơn trong công việc và tạo điều kiện chuyển giao công việc suôn sẻ hơn khi công nghệ phát triển. Cần đặc biệt hỗ trợ nhân viên có trình độ thấp và trung bình phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi tái gia nhập thị trường việc làm thông qua đào tạo, do tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Nhìn chung, AI chưa thể thực hiện tất cả nhiệm vụ trong các ngành nghề. AI là công cụ đắc lực hỗ trợ để một ngành, một doanh nghiệp, một cá nhân tiến nhanh hơn chứ không thay thế con người. AI chỉ thay thế những người không thích ứng, còn vẫn tạo ra cho con người những không gian để làm việc và sáng tạo hơn. Chính vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp rất cần những người có khả năng sử dụng AI, biết cách làm việc cùng với AI để làm ra sản phẩm nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, với giá rẻ hơn.
Chính sách quốc gia cũng cần thích ứng để đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực cho người lao động để phù hợp với cấu trúc phân bổ việc làm đã thay đổi do AI. Cần xác định các việc làm liên quan đến AI và các kiến thức, kỹ năng, năng lực cần thiết để thực hiện các công việc đó; các biện pháp bảo đảm tiếp cận các kỹ năng, kinh nghiệm, giáo dục cho toàn bộ lực lượng lao động hiện tại và tương lai; giảm thiểu mất việc làm; nhu cầu đào tạo của lực lượng lao động.
Hoàng Thị Hải – Phòng Chính sách số
Nguồn tham khảo:
1. Nazanin Andalibi, ‘Emotion-tracking AI on the job: Workers fear being watched – and misunderstood’,The Conversation (7 March 2024); Steven Greenhouse, ‘“Constantly monitored”: the pushback against AI surveillance at work’, The Guardian (7 January 2024).
2 https://www.pwc.com/gx/en/issues/artificial-intelligence/ai-jobs-barometer.html
5. OECD (2023). The supply, demand and characteristics of the AI workforce across OECD countries. Link truy cập: https://www.oecd.org/publications/the-supply-demand-and-characteristics-of-the-ai-workforce-across-oecd-countries-bb17314a-en.htm
7. Đặng Trọng Hợp, Đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ số, Định hướng xây dựng thể chế về công nghiệp công nghệ số, bài tham luận tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, Hà Nội, 15/11/2024.
8. Phạm Thị Nhung, Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ số, bài tham luận tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, Hà Nội, 15/11/2024.