Đặt trụ sở tại Hải Phòng – vốn không phải là trung tâm CNTT lớn nhưng Công ty CP May Hai luôn là điển hình về ứng dụng CNTT trong ngành dệt may hiện nay, thậm chí còn vượt trội hơn cả một số doanh nghiệp dệt may lớn đóng trên địa bàn Hà Nội và TPHCM.
Tại công ty, tất cả cán bộ quản lý nghiệp vụ đều được trang bị máy tính cá nhân. Ngoài ra, Công ty áp dụng khá nhiều phần mềm quản lý tiên tiến như chương trình giác sơ đồ, mẫu Acumate của Mỹ trong khâu thiết kế sản phẩm; chương trình thiết kế quy trình lắp ráp sản phẩm và chương trình lập kế hoạch, quản lý thiết bị trong sản xuất.
Trong khâu quản lý, công ty đã triển khai chương trình quản lý kế toán, khai báo hải quan, quản lý lương, nhân sự, chấm công điện tử, email và thương mại điện tử trong giao dịch và mua bán trên mạng.
Đặc biệt, Công ty May 2 là một trong những doanh nghiệp dệt may đầu tiên áp dụng giải pháp ERP, tích hợp đồng bộ tất cả các phần mềm như quản lý nghiệp vụ như kế toán, nhân sự, lương, lập kế hoạch sản xuất... vào trong một hệ thống duy nhất và có sự liên kết với nhau. Nhờ có hệ thống này mà lãnh đạo Công ty và đội ngũ cán bộ quản lý có thể kiểm soát xuyên suốt quy trình lao động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như xử lý các tình huống phát sinh mà không mất nhiều thời gian và công sức. Theo ông Đỗ Nam Hải – Phó tổng giám đốc cho biết: từ khi áp dụng CNTT mà đặc biệt là ERP vào quản lý (năm 2009) đến nay năng suất lao động của toàn Công ty đã tăng gấp đôi.
Nhiều người cho rằng, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nên vai trò của CNTT là thứ yếu. Tuy nhiên ngành nghề nào cũng cần được quản trị một cách hợp lý, khoa học, và CNTT là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho yêu cầu này.
Từ thực tế tại Công ty May Hai cho thấy, CNTT cần được ứng dụng tại nhiều khâu trong dệt may, ví dụ như thiết kế mẫu mã, tạo ra sản phẩm đa dạng, như vậy mới tạo được những bước đột phá về kiểu mẫu vốn còn đơn điệu của thời trang Việt Nam, để phục vụ cho cả hai thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra CNTT còn giúp doanh nghiệp tương tác với thị trường luôn luôn biến động bên ngoài, xóa bỏ tình trạng vì thiếu thông tin mà bỏ lỡ cơ hội kinh doanh lớn. Việc quản trị tốt cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả lao động và năng lực sản xuất.
Trước việc hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như quá trình chuẩn bị cho chuỗi cung ứng toàn diện của ngành Dệt May Việt Nam, vai trò của CNTT càng trở nên quan trọng. Có thể lãnh đạo nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư một khoản chi phí lớn và đội ngũ nhân lực cao cấp cho CNTT song các doanh nghiệp cũng cần xác định rằng đầu tư cho CNTT là điều tất yếu để cạnh tranh và phát triển trong thời đại số hoá như hiện nay.