EdTech là công nghệ được phát triển trong vài năm trở lại đây, EdTech xuất hiện như mở ra một cuộc cách mạng về dạy và học, trở thành một xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19, việc học trực tuyến đã trở thành bắt buộc tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Philippines. Sự phát triển của các phần mềm đã giải phóng các giáo viên khỏi công việc đứng lớp truyền thống để chuyển sang vai trò là những người hướng dẫn và đồng hành cùng mỗi học sinh, sinh viên. Bài viết dưới đây sẽ nghiên cứu kinh nghiệm triển khai hệ sinh thái EdTech của Philippines và các bài học được rút ra từ kinh nghiệm đó.
Philippines là một quần đảo có hơn 100 triệu người sinh sống trên 7.600 hòn đảo ở Tây Thái Bình Dương. Philippines là một trong năm nền kinh tế hàng đầu của ASEAN với mức tăng trưởng GDP bình quân trong thập kỷ qua là 5%. Philippines đứng thứ 106 trong số 188 quốc gia về Chỉ số Phát triển con người do UNDP xếp hạng vào năm 2019. Ngân hàng Thế giới WorldBank dự kiến rằng Philippines sẽ sớm trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần nhờ vào lực lượng lao động cạnh tranh đặc biệt mạnh mẽ trong liĩnh vực dịch vụ.
Hệ thống giáo dục phổ thông của Philippines bao gồm 13 năm học và được chia làm 3 cấp học, cụ thể: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Hàng năm đều có kỳ thi đánh giá cho các khối lớp 6, 10 và 12. Các thành phần trong hệ sinh thái EdTech của Philippines có thể khái quát như sau:
1. Chính sách phát triển hệ sinh thái Edtech của Philippines
Philippines có chính sách và chiến lược nêu rõ các mục tiêu sử dụng EdTech, cả về nâng cao trình độ tin học của người dùng và việc sử dụng công nghệ để cải tiến việc dạy và học. Các kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông ICT cơ bản được dạy từ lớp 4 đến lớp 6. Các nội dung cao hơn về ICT sẽ được đưa vào chương trình Phổ thông trung học.
Hình 1: Hồ sơ hệ sinh thái EdTech: Philippines
Hồ sơ hệ sinh thái EdTech ở Philippines là một trong những nội dung đã được Chính phủ Philippines hỗ trợ mạnh mẽ cho công nghệ trong giáo dục, phần lớn được thể hiện dưới hình thức cung cấp phần cứng cho các trường học. Mô hình hệ sinh thái EdTech của Philippines phổ biến là học về công nghệ (tức là kiến thức số để chuẩn bị cho lực lượng lao động thời đại thông tin) hoặc giảng dạy bằng công nghệ (tức là số hóa kế hoạch bài học để chuyển từ bảng đen sang máy chiếu), nhưng không phải là học bằng công nghệ.
2. Phần cứng và các kết nối
Bộ Giáo dục Philippines đã triển khai Chương trình tin học hóa từ năm 1996. Bên cạnh đó, năm 2009, Bộ Giáo dục Philippines cũng triển khai chương trình kết nối Internet tới các trường học. Ngoài ra, Bộ Thương mại và Công nghiệp cũng khởi động dự án Máy tính cá nhân cho các trường công lập; Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai Chương trình iSchools để trang bị phần cứng và phần mềm cho các trường học.
Ban đầu, ưu tiên của Chính phủ Philippines là trang bị và kết nối các trường trung học. Chương trình tin học hóa được triển khai tại các trường tiểu học từ năm 2011 và đã đạt được mục tiêu kết nối đến tất cả các trường phổ thông trung học. Kinh phí cho Chương trình tin học hóa được ngân sách quốc gia Philippines phân bổ hàng năm. Kinh phí này là một phần của tổng ngân sách được phân bổ cho Bộ Giáo dục và tăng dần từ năm này qua năm khác. Năm 2008, ngân sách ở mức 78 triệu PhP; đến năm 2015 số tiền đã đạt 6 tỷ PhP và 8,6 tỷ PhP vào năm 2018. Nguồn ngân sách này chiếm khoảng 2% hoặc ít hơn tổng ngân sách của nhà nước tùy thuộc vào các năm. Trong Báo cáo toàn cảnh công nghệ thông tin và giáo dục của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID về Philippines, đến tháng 11/2018 là 11.000 trường với 460.000 thiết bị ICT. Đến năm 2022, Bộ Giáo dục DepEd đặt mục tiêu có một phòng máy tính ở mỗi trường công lập. Theo thời gian, cấu hình của các gói trang bị của Chương trình tin học hóa đã thay đổi theo nhu cầu và lựa chọn công nghệ phù hợp đối với vị trí của các trường học. Chương trình Kết nối Internet DICP tới các trường học phân bổ ngân sách cho các trường học là 4.000 PhP mỗi tháng đạt 48.000 PhP hàng năm cho mỗi trường để kết nối Internet. Tính đến năm 2016, ngân sách Philippines được cung cấp trực tiếp cho các trường học như một phần của dòng Chi phí bảo trì và hoạt động khác của các trường. Tài trợ bổ sung cho Internet, phần cứng và cơ sở hạ tầng cũng thường đến từ chính quyền địa phương, cựu sinh viên, hiệp hội phụ huynh - giáo viên, quan hệ đối tác khu vực tư nhân và các khoản đóng góp khác. Hiện nay, Chương trình Digital Rise là một sáng kiến để bảo đảm rằng các lớp học được cung cấp thiết bị CNTT thông qua Chương trình tin học hóa DCP, kết hợp với tài nguyên giáo dục mở OER và đào tạo giáo viên.
3. Hợp tác Công - Tư
Trước khi có dự án kết nối Internet của ngành giáo dục, đã có một chương trình hợp tác công - tư để phổ biến truy cập Internet đến các trường trung học cơ sở công lập, được gọi là Nâng cao hiểu biết và tiếp cận Internet cho học sinh, sinh viên GILAS với trị giá 8,5 triệu đô la Mỹ. Chương trình này là sự hợp tác của một tập đoàn đa ngành, các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan Chính phủ. Chương trình hợp tác công - tư cung cấp tiếp cận Internet cho 3.306 trường trung học công lập và đào tạo 13.538 giáo viên và 542 Hiệu trưởng. Chương trình cũng hợp tác trực tiếp với các công ty CNT-TT lớn Microsoft, Intel và Facebook để hỗ trợ thiết bị phần cứng và phần mềm. Bên cạnh đó, chương trình mỗi trẻ một máy tính xách tay của Philippines vào năm 2011 cũng được hỗ trợ bởi công ty Protecr&Gamble.
Microsoft hợp tác trực tiếp với Cơ quan giáo dục trong việc mua sắm và phân phối phần cứng và các gói phần mềm của Microsoft theo chương trình phổ cập máy tính. Nó cũng hỗ trợ các trường học trực tiếp và có một số chương trình như Microsoft Education Ambassador, Microsoft Showcase, Hội nghị thượng đỉnh về trường học và giáo dục. Giáo viên có thể tìm thấy các tài nguyên toàn cầu thông qua Cổng Thông tin trực tuyến của Cộng đồng giáo dục Microsoft. Các khóa đào tạo và nền tảng của Microsoft hỗ trợ tích hợp các sản phẩm của Microsoft trong việc giảng dạy.
Bên cạnh đó, One Meralco Foundation hỗ trợ điện khí hóa nông thôn thông qua năng lượng mặt trời. Việc sử dụng điện mặt trời đã hỗ trợ rất lớn cho việc ứng dụng EdTech tại những nơi chưa có điện lưới. Một trương trình tình nguyện đã cung cấp thiết bị đa phương tiện cho các trường nhận chương trình điện khí hóa, lên tới khoảng 50.000 PhP mỗi trường.
Công ty viễn thông Smart Communications đã hợp tác với các trường học để cung cấp công nghệ dưới dạng Gói “School-in-a-Bag”. “School-in-a-bag” là một phòng học kỹ thuật số di động gồm máy tính xách tay, TV LED, ổ cứng, điện thoại thông minh, Wifi bỏ túi, bảng điều khiển năng lượng mặt trời và năm máy tính bảng dành cho sinh viên được tải trước nội dung kỹ thuật số. Các tài nguyên kỹ thuật số bao gồm phần mềm toán học của Viện Giáo dục Khoa học, video về kiến thức tài chính, ứng dụng hiểu biết về tài chính được phát triển tùy chỉnh và sách truyện từ Nhà Adarna.
Một chương trình khác, TechnoCart dành cho các trường có điện phục vụ các lớp Mẫu giáo. Mỗi gói hỗ trợ gồm có một máy tính xách tay, 20 máy tính bảng được tài trợ với nội dung kỹ thuật số, 12 ứng dụng xóa mù chữ, máy chiếu, máy tính bảng cho giáo viên và Wifi bỏ túi. Theo TechnoCart, 6 chương trình khuyến khích các nhà tài trợ và đối tác quan tâm đến EdTech tặng gói TechnoCart trị giá 200.000 PhP, gói này cũng bao gồm đào tạo giáo viên, giám sát và đánh giá. Truyền thông thông minh (Smart Communications) dựa vào các đối tác cộng đồng để triển khai các gói này đến các trường công lập. Ví dụ: TechnoCart hợp tác với Quỹ Trẻ em Liên hợp quốc UNICEF cung cấp cho 50 trường học ở Westem Samar các gói trường học trong tháng 5 năm 2019. Trước đó, TechnoCart đã phân phối các gói thông qua nền tảng của riêng mình và hợp tác với các nhà tài trợ khác như Câu lạc bộ Rotary. Truyền thông thông minh cũng kết hợp các gói với một chương trình phi công nghệ được gọi là Chương trình học tập năng động từ Trung tâm Visayan Institute Foundation. Chương trình có khoảng 1.400 nội dung hoạt động học tập có sẵn tại địa chỉ http://www.dlp.ph và có một nền tảng học tập trực tuyến. Các phiếu học tập nhằm hướng dẫn người học tự nghiên cứu độc lập về một khái niệm cụ thể. Ngoài ra, còn có các mẫu có thể học được bản địa hóa và Đại sứ Chương trình học tập năng động là một giáo viên được đào tạo giúp các giáo viên và trường học khác áp dụng chương trình. Chương trình học tập năng động được báo cáo là đã giúp cải thiện kết quả học tập.
Một công ty viễn thông khác đó là Công ty Viễn thông toàn cầu Globe Tetecommunications cũng đã hoạt động hỗ trợ tích hợp CNTT-TT. Các hỗ trợ bao gồm cung cấp truy cập Internet và phần cứng. Dựa trên các mô hình thí điểm ban đầu, Công ty Viễn thông toàn cầu đã cung cấp Chương trình Global Filipino School bắt đầu từ năm 2012. Chương trình này cung cấp một gói dịch vụ, bao gồm: cơ sở hạ tầng, truy cập Internet không dây và có dây, đào tạo giáo viên.
4. Nội dung, bài giảng
Không có chính sách hoặc phần cứng nào sẽ thay đổi kết quả học tập nếu không có nội dung kỹ thuật số hoặc các công cụ có thể áp dụng cho việc dạy và học. Có một số cách để tiếp cận nội dung cho EdTech.
Một là, áp dụng các công cụ phần mềm tiêu chuẩn hoặc các phần mềm có sẵn phổ biến để làm cho việc học trở nên tương tác giữa giáo viên và học sinh hoặc lấy học sinh làm chủ thể. Ví dụ: chúng ta sử dụng Skype để kết nối với một gia sư ảo hoặc trao đổi trong lớp học; tạo trò chơi đố vui trong PowerPoint để ôn lại nội dung bài học.
Hai là, tích hợp nội dung kỹ thuật số liên quan đến nội dung học vào bài giảng. Ví dụ: chiếu video về một sự kiện lịch sử; hiển thị mô phỏng một quá trình khoa học; sử dụng phần mềm học tập có sự hỗ trợ của máy tính để rèn luyện kỹ năng làm toán hoặc kỹ năng đọc.
Trong mô hình EdTech tích hợp thứ nhất phụ thuộc phần lớn vào năng lực thiết kế giảng dạy của giáo viên để tạo ra và tích hợp công nghệ theo những cách hữu ích, trong khi mô hình EdTech tích hợp thứ hai có lợi thế là các nội dung số liên quan đến bài giảng đã có và giáo viên có thể nhanh chóng lồng ghép các nội dung cụ thể theo chủ đề vào bài học của học sinh.
Nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc và Indonesia đang trải qua sự bùng nổ với hàng tỷ đô la đầu tư về EdTech. Phần mềm thương mại và nền tảng đang được phát triển và tiếp thị trực tiếp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng hoặc từ doanh nghiệp đến Chính phủ.
Tại Philippines, thị trường nội dung số cho giáo dục vẫn còn manh mún, phân mảnh, chủ yếu là thử nghiệm. Do vậy, làm cho các giáo viên rất khó tìm kiếm các bài giảng cũng như các nội dung số phục vụ cho bài giảng của họ. Phần lớn các sản phầm của EdTech là của Microsoft và các tài nguyên bài giảng có thể được cung cấp qua Chương trình tin học hóa giáo dục. Các phần mềm giáo dục chủ yếu được sử dụng phần mềm của Microsoft.
Chính phủ Philippines xây dựng một Cổng tài nguyên giáo dục. Cổng này là một kho lưu trữ các tài liệu giảng dạy và chuyên môn đã được phê duyệt mà giáo viên có thể truy nhập để sử dụng trong giảng dạy. Các tài liệu này bao gồm các bài giảng, ảnh và video,… Cổng này cũng chứa các tài liệu mà các giáo viên có thể sưu tầm và chia sẻ cho nhau nhưng muốn được phê duyệt để đưa lên cổng chính thức phải được thẩm định và phê duyệt của cơ quan quản lý. Việc thẩm định các tài liệu học tập đưa lên Cổng Thông tin này dựa trên các tiêu chí sau:
1- Quyền sở hữu trí tuệ.
2- Tính phù hợp với chương trình và mục tiêu giảng dạy.
3- Chất lượng tài liệu, bao gồm: tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của nội dung.
4- Chất lượng số của tài liệu, bao gồm: định dạng phù hợp, có khả năng truy cập rộng rãi,…
Ngoài ra các trường học cũng có thể xây dựng các kho tài nguyên học tập dùng riêng trong nội bộ trường mình. Giáo viên cũng thường xuyên truy cập và chia sẻ nội dung từ Internet thông qua phương tiện truyền thông xã hội.
Hiện nay, Chính phủ Philippines đang có chương trình thúc đẩy kỹ thuật số trong giáo dục và sáng kiến tài nguyên giáo dục mở OER. Tháng 6/2019, Bộ Giáo dục đã ký một bản ghi nhớ hỗ trợ tài nguyên mở trong tương trình thúc đẩy kỹ thuật số trong giáo dục. Chương trình thúc đẩy kỹ thuật số trong giáo dục nhằm mục đích phát triển CNTT, truyền thông và các kỹ năng công nghệ cho giáo viên và học sinh để đạt được các mục tiêu về EdTech đã đề ra trong tương lai. Tài liệu giáo dục mở có điểm thuận lợi là cho phép giáo viên có thể tùy chỉnh lại tài liệu cho phù hợp với nhu cầu của mình và chia sẻ với các giáo viên khác qua đó khuyến khích việc hợp tác, trao đổi giữa các giáo viên. Tài liệu giáo dục mở cũng hỗ trợ tích cực cho các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Sáng kiến tài liệu giáo dục mở bao gồm 2 thành phần chính là cung cấp một thư viện tài liệu giáo dục ngoại tuyến và liên kết với chương trình DCP và được cài đặt trên đến các máy tính thuộc chương trình này.
Chương trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tăng tốc DOST-SEI đã hợp tác với các trường đại học để tạo và phân phối nội dung kỹ thuật số bằng cách tạo ra các tài liệu học tập mà giáo viên có thể sử dụng để dạy tốt hơn về khoa học và toán học. DOST-SEI cũng phối hợp với Viện khoa học quốc gia và Viện toán phát triển phần mềm giáo dục tương tác về Toán từ lớp 1 đến lớp 6. Chương trình học miễn phí và được phân phát trên trang web của DOST-SEI và thông qua kho ứng dụng Google Play.
Chương trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tăng tốc cũng duy trì các trang mạng xã hội để giúp tiếp cận những người dùng. Ngoài ra còn có Chương trình phát triển nguồn nhân lực ICT DOST-ICT với dự án Công nghệ cho giáo dục để kiếm việc làm, đào tạo doanh nhân hướng tới Chương trình Phát triển Kinh tế TECH4ED. Dự án này nhằm mục đích thiết lập lên đến 42.000 điểm truy cập tiếp cận công nghệ trên toàn quốc, nơi công dân có thể tiếp cận chính phủ điện tử, dịch vụ y tế điện tử, giáo dục và đào tạo không chính quy và việc làm điện tử, đồng thời tạo cơ hội hợp tác kinh tế. DOST - SEI cũng hợp tác với Ủy ban Đào tạo cao học xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ giáo dục nơi thử nghiệm ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong giáo dục.
Một số phần mềm EdTech tiêu biểu :
- Quipper là hệ thống quản lý giảng dạy trực tuyến.
- Edukasyon.ph là một nền tảng cho các trường đại học và trung học có thể truy cập tới các học bổng, khóa học on line và các tài nguyên khác, cũng nhờ liên kết các người dùng.
- Frontlearners cung cấp đến 3,5 triệu bài giảng cho lớp 12 và 200000 câu hỏi. Công ty này có hơn 29.000 người dùng trả tiền, kết nối đến hơn 60.000 người dùng.
Một số trường học cũng truy cập EdTech thông qua các gói phần cứng, nội dung và dịch vụ được cung cấp bởi các đối tác khu vực tư nhân.
Tổ chức Kênh tri thức là một tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu phát sóng video dưới dạng Kênh tri thức trên truyền hình (ABS-CBN TV Plus và Sky Direct truyền hình vệ tinh) hoặc phát trực tuyến trên kênh YouTube của nó. Kênh Tri thức có hơn 1.500 các bộ tài liệu giáo dục và hơn 1.000 bộ tài nguyên đa phương tiện có sẵn miễn phí. Tổ chức này đã tiếp cận được 5 triệu người học Philippines và đã kết nối hơn 8.000 trường học.
5. Đào tạo giáo viên dùng EdTech
Có rất nhiều chương trình đào tạo giáo viên về sử dụng EdTech, tạo bài giảng số, sử dụng công nghệ trong giảng dạy, sử dụng các nền tảng phần mềm giáo dục,… Các chương trình này có thể là chương trình của Chính phủ hoặc tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp. Điển hình có các chương trình như Intel® Teach Program, PLDT Infoteach Outreach Program, Digital Rise and the OER program, Smart Communications, The Coalition for Better Education.
Một hệ thống thông tin toàn quốc được thiết lập để giám sát giáo viên trong việc sử dụng Edtech ở tất cả các cấp. Hệ thống đã tạo ra động cơ khuyến khích giáo viên thực hiện EdTech sử dụng trong lớp học của họ. Một công cụ quan sát lớp học cụ thể được sử dụng để tiến hành đánh giá kết quả hoạt động của giáo viên và một trong các tiêu chuẩn đánh giá cho biết rằng một giáo viên phải chứng minh rằng họ có thể lựa chọn, phát triển, tổ chức và sử dụng tài nguyên giảng dạy và học tập, bao gồm cả CNTT-TT, để giải quyết các mục tiêu học tập. (Một số trường học cũng sử dụng phiên bản kỹ thuật số của công cụ quan sát lớp học này, đây là một cách gián tiếp khác để đưa công nghệ vào giáo dục.)
Từ năm 2017, Philippines đã sử dụng tiêu chuẩn năng lực ICT cho giáo viên do UNESCO ban hành.
Một số bài học về phát triển hệ sinh thái EdTech
Philipines trong quá trình triển khai hệ sinh thái Edtech có rút ra một số kinh nghiệm như sau :
- Cần có một tầm nhìn và chiến lược ở tầm quốc gia đối với EdTech, bảo đảm huy động tốt nhất các nguồn lực quốc gia cho ứng dụng công nghệ vào giáo dục.
- Chiến lược cần chuyển từ việc học về công nghệ và dạy với công nghệ sang học với công nghệ. Sự khác biệt lớn nhất của quá trình này là tận dụng tối đa các khả năng của công nghệ để hướng tới học theo chủ đề, tăng thời gian làm bài tập và cá thể hóa quá trình học tập. Điều này nên áp dụng đối với các môn khó dạy và kết quả học của học sinh ít tiến bộ nếu dạy theo cách học truyền thống.
- Tập trung đầu tư vào các nhà lãnh đạo giáo dục và hiệu trưởng các trường học, những người có vai trò rất lớn trong việc phổ biến ứng dụng EdTech, đồng thời cũng khuyến khích, động viên thích hợp với tất cả đội ngũ giáo viên, các chuyên gia, các nhà phát triển nội dung, đánh giá sản phẩm, đào tạo và phản biện chính sách.
- Xây dựng chuẩn giáo viên trong đó có các yêu cầu thích hợp về EdTech. Các yêu cầu này sẽ tương ứng với các mức độ ứng dụng EdTech trong giáo dục (4 mức theo mức độ ứng dụng EdTech nói trên) qua đó thúc đẩy giáo viên chuyển sang ứng dụng EdTech ở mức cao chứ không chỉ sử dụng các bài giảng số hóa đơn giản.
- Đầu tư vào giáo dục nên tập trung vào chuyển đổi công nghệ bao gồm việc xác định rõ nhu cầu, lựa chọn sản phẩm, tích hợp công nghệ theo hướng cá nhân hóa học tập. Tận dụng công nghệ để tạo ra các cơ hội học tập tốt hơn. Giáo viên cần được khuyến khích tham gia vào các chương trình đào tạo chính quy và không chính quy. Giáo viên nên cải thiện kiến thức kỹ thuật số của chính họ bằng cách sử dụng công nghệ trong công việc của họ để quản lý, báo cáo, giao tiếp và các nhiệm vụ chung khác, cải thiện thông qua học tập đồng nghiệp và hỗ trợ tại trường hơn là đào tạo trực tiếp.
- Các nhà lãnh đạo trường học phải có năng lực đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng năng lực giảng dạy, đặt ra các mục tiêu về sử dụng công nghệ, hỗ trợ đánh giá việc sử dụng công nghệ, lựa chọn công nghệ sử dụng... Các hướng dẫn và tiêu chuẩn đặt ra ở cấp trung ương phải hướng dẫn các nhà lãnh đạo trường học trong việc thiết lập và giám sát những mục tiêu đề ra, cũng như xây dựng các chương trình đào tạo năng lực lãnh đạo EdTech.
- Cải thiện kênh tiếp thị và phân phối cho cả tài nguyên giáo dục mở và các sản phẩm thương mại sẽ giúp giáo viên tìm thấy các tài nguyên hiện có đáp ứng nhu cầu trước khi bắt tay vào phát triển bài học kỹ thuật số mới. Ngoài ra, giáo viên những người đã đầu tư vào tài nguyên kỹ thuật số nên có một kênh để chia sẻ những tài nguyên này với các giáo viên khác sau khi đã kiểm soát chất lượng hiệu quả. Có một số tùy chọn: thêm một phần mới vào cổng tài nguyên học tập hiện tại để tương tác, trao đổi tài nguyên số; Tạo một Cổng Thông tin mới cho các nguồn tài nguyên kỹ thuật số; hoặc hỗ trợ cho một đơn vị độc lập quản lý kho tài nguyên.
- Cần phải có đánh giá độc lập về việc triển khai các nội dung trên.
Trần Thanh Hà
Tài liệu tham khảo
EdTech Ecosystem Report: Philippines, RTI International 3040 East Cornwallis Road Research Triangle Park, NC 27709-0155 Tel: (919) 541-6000, USAID.
Philippines Education Technology Ecosystem Profile.
2019 Philippines EdTech Ecosystem Review - SUMMARY FINDINGS AND RECOMMENDATIONS.