Indonesia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường tiếp cận giáo dục trong vài thập kỷ qua thông qua việc cải cách trong hệ thống giáo dục công về mặt nâng cao chất lượng chi tiêu, việc sử dụng công nghệ để học tập (hay còn gọi là EdTech). Bài viết dưới đây sẽ nghiên cứu kinh nghiệm triển khai hệ sinh thái EdTech của Indonesia và các khuyến nghị được rút ra từ kinh nghiệm đó.
Hình 1: Công nghệ trong giáo dục ở Indonesia
Hệ thống giáo dục ở Indonesia lớn thứ tư trên thế giới, bao gồm gần 220.000 trường công lập và tư thục, với khoảng 45,5 triệu học sinh và hơn 2,7 triệu giáo viên. Năm 2016, giáo dục yêu cầu bắt buộc kéo dài 12 năm, bắt đầu khi học sinh tròn 6 tuổi đến 18 tuổi. Theo nguồn báo cáo EdTech của Indonesia, giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia, tương ứng với 3% Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Indonesia; xét về tổng chi tiêu cho giáo dục, Indonesia đứng ở vị trí trung bình giữa các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Chi tiêu cho giáo dục của Chính phủ đã tăng từ 416.000 tỷ Rupiah Indonesia (IDR) vào năm 2017 lên 444 IDR (xấp xỉ 3,1 tỷ USD) vào năm 2018.
Chính phủ Indonesia đã thể hiện một số thiện chí trong việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. Ngoài quỹ hoạt động thường xuyên của trường học, Chính phủ Indonesia đã thành lập Chương trình Indonesia thông minh (Chương trình Indonesia Pintar [PIP]) vào năm 2016 để đẩy nhanh việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thí điểm mở rộng giáo dục bắt buộc lên 12 tuổi và giải quyết tình trạng bỏ học ở mức cao. Với chương trình này, Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ giảm số lượng trẻ em không đƣợc đến trường và cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục bắt buộc cho tất cả các công dân của Indonesia. Chương trình này dành cho sinh viên có thu nhập thấp, được cung cấp hỗ trợ tiền mặt từ 450.000 IDR (khoảng 34 USD) đến 1.000.000 IDR (khoảng 75 USD) dưới dạng thẻ ATM được gọi là Thẻ thông minh Indonesia (Kartu Indonesia Pintar [KIP]). Thẻ này có thể được sử dụng để mua tài nguyên học tập, bao gồm các sản phẩm EdTech, (ví dụ như: sách điện tử, DVD học tập, đăng ký nền tảng eLearning được bán trong các hiệu sách). Điều này góp phần cho một số công ty Edtech có thể phát triển.
Các thành phần trong hệ sinh thái EdTech của Indonesia có thể khái quát như sau:
1. Cơ sở hạ tầng
Truy cập và sử dụng Internet ở Indonesia khá phổ biến với giá cả phải chăng, tuy nhiên tốc độ kết nối thường thấp. Quốc gia này có 143,26 triệu người dùng Internet, chiếm 55% dân số, theo một báo cáo từ Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia (Asosiasi Penyelenggara Jasa Internet Indonesia [APJII]). Bảy mươi phần trăm người dùng Internet ở độ tuổi từ 13 đến 34 tuổi. Ngoài ra, cả nước có 177,9 triệu điện thoại di động, chiếm 67% dân số.
Internet được coi là có giá cả phải chăng đối với hầu hết mọi người. Giá dữ liệu di động ở Indonesia xấp xỉ 50% so với các nước láng giềng ASEAN. Khả năng chi trả kết nối Internet với giá cả thấp là một yếu tố tạo điều kiện cho Các công ty EdTech phát triển vừa cải thiện khả năng họ sẽ tiếp cận những người dùng cần hỗ trợ giáo dục nhiều nhất, thường là những người ở các nhóm kinh tế xã hội thấp hơn.
Các kết nối Internet được cung cấp bởi hơn 300 nhà cung cấp dịch vụ Internet thương mại và các điểm truy cập mạng, bao gồm các nhà khai thác quy mô lớn, chẳng hạn như PT Telkom (thuộc sở hữu của Chính phủ) và PT Indosat. Mặc dù một số khu vực hẻo lánh ở Indonesia vẫn chưa kết nối Internet, Chính phủ đặt mục tiêu kết nối tất cả 34 tỉnh và 514 thành phố / khu vực sau khi hoàn thành dự án Vành đai Palapa. Dự án này xây dựng mạng lưới 22.000 km cáp quang biển sẽ cung cấp Internet băng thông rộng nhanh chóng cho người Indonesia ở các khu vực thành thị và nông thôn trên toàn quốc. Việc mở rộng truy cập Internet này, kết hợp với khả năng chi trả kết nối giá thấp, có thể sẽ dẫn đến với sự gia tăng nhanh chóng hơn nữa về người dùng Internet.
Chính phủ Indonesia từ lâu đã ủng hộ việc sử dụng công nghệ trong giáo dục để mở rộng phạm vi tiếp cận các nội dung giáo dục. Bộ Giáo dục và Văn hóa MoEC thành lập cơ quan điều phối và giám sát EdTech - Trung tâm Thông tin và Công nghệ Truyền thông cho Giáo dục (Pusat Teknologi Informasi dan Komunikasi unauk Pendidikan [Pustekkom]) vào năm 1978. Trung tâm này ban đầu tập trung vào phát triển tài liệu để giảng dạy và học tập dành cho việc phát thanh và truyền hình, nhưng kể từ những năm 2000, đã bắt đầu phát triển các tài liệu đa phương tiện dựa trên web.
Năm 2012, Trung tâm ra mắt nền tảng tài nguyên giáo dục mở dựa trên web của họ, Rumah Belajar, tích hợp với các kênh TV (TV Edukasi và Education TV theo yêu cầu), các kênh radio (Radio Suara Edukasi và Radio Edukasi) và ứng dụng học tập trên thiết bị di động (M-Edukasi). Nền tảng này được thiết kế để tổng hợp các phương tiện giáo dục kỹ thuật số, các tài liệu học tập. Khoảng 52.000 trường học, 128.000 giáo viên và 300.000 sinh viên đã sử dụng nền tảng Rumah Belajar kể từ khi ra mắt.
Chính phủ Indonesia cũng đã thể hiện cam kết đầu tư vào các giải pháp EdTech cho các cấp học cao hơn. Đại học Mở Indonesia IOU được thành lập năm 1984 với hình thức đào tạo từ xa, phương thức học tập chính ban đầu qua tài liệu trên giấy, băng ghi âm, sau đó là CD hoặc DVD, các kênh truyền hình và đài phát thanh riêng. Việc mở rộng truy cập Internet đã cho phép IOU đào tạo thông qua nền tảng eLearning trực tuyến (E-Learning Universitas Terbuka). Ngoài ra, Đại học Mở Indonesia tiếp tục phân phối nội dung thông qua kênh radio (UT Radio) và kênh TV (UT-TV) cũng như có thể truy cập được dưới dạng kênh YouTube. Hơn 62% (181,565) sinh viên của Đại học Mở Indonesia đã tốt nghiệp và Đại học Mở Indonesia tiếp tục đào tạo để bồi dưỡng các giáo viên thiếu cơ hội tham dự các phương thức giáo dục đại học trực tiếp do các khó khăn về địa lý, tài chính và thời gian.
Chính phủ Indonesia cũng đã hỗ trợ quyền truy cập cơ bản vào EdTech bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn quốc kết nối đến các trường học ở vùng sâu vùng xa hơn. Một loạt các sáng kiến chính của Chính phủ Indonesia là Mạng Giáo dục Quốc gia, Jardiknas và SchoolNet, đƣợc ra mắt vào năm 2006 và 2011. Cơ sở hạ tầng mạng máy tính này nhằm mục đích kết nối các tổ chức trường học, các phòng giáo dục tỉnh / huyện / quận và Trung tâm ICT và các cơ sở giáo dục khác. Mạng Jardiknas chứa nhiều hệ thống con khác nhau để hỗ trợ giáo dục quốc gia, bao gồm trung tâm dữ liệu giáo dục, thư viện kỹ thuật số và các khóa học điện tử khác nhau. Tính đến năm 2011, 32,678 các Trường được kết nối qua Jardiknas hoặc SchoolNet.
Năm 2015, khi các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa dựa trên máy tính được giới thiệu, cũng là lúc bùng nổ đầu tư vào EdTech. Ví dụ, Indosat Ooredoo cam kết đầu tƣ 1 triệu USD trong 5 năm để cung cấp máy tính bảng, nội dung kỹ thuật số, nền tảng học tập dựa trên đám mây và đào tạo giáo viên cho 05 tỉnh. Đồng thời Microsoft cam kết cung cấp phần mềm cho tất cả học sinh Indonesia. Chính phủ Indonesia cũng giới thiệu eLearning cho phép sinh viên ở mọi lứa tuổi, kể cả những người đã bỏ học, để chuẩn bị và thực hiện các bài kiểm tra bất cứ lúc nào, từ bất kỳ đâu trên đất nước.
Cũng trong năm 2015, Bộ Giáo dục và Văn hóa cùng với Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin đã triển khai chương trình kết nối Internet đến các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Thành quả của chương trình này còn khiêm tốn, chỉ tiếp cận khoảng 1.500 trường học, nhưng dù sao, đó cũng chứng tỏ Chính phủ Indonesia sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến cải thiện kết nối.
Để kết nối Internet cho các khu vực khó tiếp cận vùng sâu, vùng xa, năm 2012 Indonesia đã triển khai hệ thống anten Parabol để cung cấp các kết nối vô tuyến.
2. Đầu tư tư nhân
Indonesia đã chứng kiến mức đầu tư đáng kể vào EdTech, đặc biệt là trong 5 năm qua. Chính các nhà đầu tư tư nhân, chẳng hạn như Venturra Capital, United Overseas Bank (UOB) Venture Management,CyberAgent Ventures, East Ventures và PT Insight Investments, đã đầu tư phát triển của hệ sinh thái giáo dục. Quốc gia này hiện là nơi có ít nhất 30 công ty khởi nghiệp (vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) và 20 chương trình vườn ươm công nghệ đang hoạt động do các tổ chức đa dạng như Google, các công ty viễn thông lớn của Indonesia (ví dụ: PT Telkom, PT Telkomsel, PT Indosat), Sở giao dịch chứng khoán Indonesia và Cơ quan Kinh tế Sáng tạo (Badan Ekonomi Kreatif Indonesia [BEKRAF]) thuộc Chính phủ. Tại thời điểm này, Indonesia là thị trường EdTech lớn nhất ở Đông Nam Á.
Pesona Edu22 đã thành công trong việc mở rộng quy mô ở Indonesia và quốc tế bằng cách sản xuất bài giảng số về khoa học và toán học. Kể từ khi hỗ trợ học tập dựa trên máy tính ban đầu vào năm 1986, họ đã khai trương chi nhánh tại Singapore để thâm nhập thị trường toàn cầu và tuyên bố đã đạt được nhiều hơn 7.500 trường học ở Indonesia và 2.500 trường học ở ít nhất 30 quốc gia trên toàn thế giới. Chi phí sử dụng các nội dung của chương trình này là khoảng 350 USD/năm. Tại Indonesia, một báo cáo năm 2012 chỉ ra rằng 95% doanh số bán hàng là cho các trường công lập nhưng doanh số bán hàng này chỉ đạt 3% các trường học vì hạn chế của từng trường về phần cứng và kết nối.
3. Giải pháp băng thông thấp
Do kết nối Intenet một số vùng vẫn ở tốc độ thấp, trung bình chỉ 13,79 Mbps (9,82 Mbps cho điện thoại di động) nên để tăng khả năng tiếp cận để mở rộng quy mô sử dụng sản phẩm, các công ty EdTech phải thiết kế băng thông thấp kết nối. Ví dụ: một số công ty đã xây dựng các chế độ “ngoại tuyến” trong sản phẩm của họ, cho phép truyền dữ liệu khi có thể nhưng vẫn cho phép sử dụng khi kết nối không khả dụng hoặc chậm. Các phần mềm, giả pháp yêu cầu băng thông truy nhập cao rất khó được phổ biến rộng rãi. Ngược lại, khi một cộng đồng học tập được thiết lập trên Facebook và WhatsApp, sẽ được hưởng ứng nhiều hơn vì các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet thường có chính sách khuyến mại truy nhập không tính phí vào Facebook và WhatsApp.
4. Tiếp thị thông qua truyền thông xã hội
Phương tiện truyền thông xã hội được coi là một phương tiện hiệu quả để tăng cường nhận thức của cộng đồng và tương tác với cộng đồng trên EdTech, cũng như thu hút người dùng EdTech. Ví dụ,một số nhà cung cấp EdTech tạo các nhóm WhatsApp / Telegram / Line / Facebook để tiếp cận sinh viên và hướng dẫn, trao đổi tài liệu học tập.
Một số công ty tận dụng Facebook và WhatsApp để chia sẻ Tài liệu học và kiểm tra tiếng Anh (TOEFL) có thể được truy cập miễn phí. Học viện Line là sự hợp tác giữa Line Indonesia và Ruang Guru để cung cấp bài kiểm tra thực hành và phụ đạo cho học sinh; các cá nhân có thể thiết lập tài khoản Line Academy miễn phí để truy cập các câu đố, trò chơi và video hoặc trò chuyện trực tiếp với một gia sư. Một số nhóm Facebook do giáo viên tổ chức đạt 120.000 thành viên trở lên.
Các công ty EdTech cũng sử dụng mạng xã hội như một chiến lược tiếp thị, cho phép họ tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp (ví dụ: Ruang Guru, Quipper) để thu hút người dùng mới.
5. Quan hệ đối tác
Trong bối cảnh Indonesia, quyền lực phân bổ về các bang thì các mô hình đối tác giữa khu vực tư nhân với Chính phủ liên bang, trường học và các bên liên quan khác là cần thiết để phát triển EdTech trong trường học. Bất kể như thế nào một sản phẩm EdTech có thể tốt, nếu không có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền khu vực hoặc các nhà quản lý trường học, việc mở rộng quy mô sử dụng trong trường học sẽ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết những người được phỏng vấn đều nói rằng mở rộng quy mô thông qua bán hàng giữa doanh nghiệp với Chính phủ B2G, các công ty EdTech phải giao tiếp và thương lượng với nhiều bên liên quan của Chính phủ trong khi cũng tính đến các nhu cầu riêng của các trường khác nhau.
Hiệp hội EdTech Indonesia INETA là một hiệp hội EdTech phi lợi nhuận mới được thành lập. Sứ mệnh của INETA là thu hẹp khoảng cách giữa các EdTech, các nhà cung cấp, đặc biệt là giữa các công ty vì lợi nhuận và phi lợi nhuận với Chính phủ. INETA tìm kiếm tập hợp các bên liên quan đến EdTech ở Indonesia, với mục tiêu vận động Chính phủ và người dân sử dụng Edtech. Hiệp hội hoạt động nhằm mục đích kết nối sinh viên, người học và trường học với nguồn lực từ Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các công ty tư nhân.
Hầu hết đều đồng ý rằng việc thành lập một hiệp hội có thể thúc đẩy hệ sinh thái EdTech ở Indonesia bằng cách hoạt động như một cơ quan độc lập thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến giáo dục cho những người quan tâm, sử dụng EdTech, đặc biệt là Chính phủ. Hiệp hội cũng có khả năng tác động đến các quy định và chính sách giáo dục để tạo ra một hệ thống giáo dục hiệu quả hơn, đặc biệt là liên quan đến chi tiêu giáo dục của Chính phủ.
Bài học kinh nghiệm
Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển Edtech tại Indonesia USAID có một số nhận định, đánh giá và khuyến nghị như sau :
- Hầu hết các công ty EdTech nhắm mục tiêu trực tiếp đến sinh viên, học sinh trong khi chưa quan tâm một cách thích đáng đến cha mẹ, đây là đối tượng đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến các sản phẩm EdTech và quyết định việc chi tiền cho các sản phẩm và dịch vụ Edtech.
- Các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực EdTech của Indonesia thường hướng đến đối tượng là các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và giáo dục đại học, cũng như các chuyên gia, tuy nhiên lại thiếu các sản phẩm đối với bậc tiểu học, mẫu giáo và các trường dạy nghề.
- Khả năng sinh lời của các công ty Edtech rất thấp. Rất ít các công ty Edtech có lãi. Việc tiếp cận các nguồn vốn khó khăn, chủ yếu là các nhà đầu tư thiên thần, còn lại các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư khác chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực Edtech.
Khuyến nghị
Chính phủ Indonesia (GoI) nên đặt ra các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu liên quan đến EdTech.
Các công ty EdTech có thể hợp tác với các nhà khoa học và chính phủ để thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng về thực hiện và giá thành các sản phẩm, dịch vụ Edtech, cũng như đánh giá một số sản phẩm tiêu biểu.
- Chính phủ nên tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối, đặc biệt là trong các khu vực kém phát triển để nâng cao cơ hội tiếp cận Edtech cho các khu vực đó.
- Tuyên truyền lợi ích của việc ứng dụng Edtech, làm cho người dân tin tưởng vào Edtech qua đó có thể sẵn sàng trả tiền cho các ứng dụng và dịch vụ Edtech. Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech.
-. Cả khu vực công và khu vực tư nhân cần phải tham gia kết hợp với nhau một cách hiệu quả hơn. Các công ty cần tìm hiểu rõ nhu cầu của giáo viên, nhà trường và phụ huynh, trong khi khu vực công cần làm rõ cơ chế quản lý Edtech, cũng như thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển các sản phẩm.
- Hệ thống giáo dục công lập có thể hợp tác với các công ty EdTech để cải thiện khả năng giảng dạy của giáo viên đặc biệt tập trung nâng cao năng lực công nghệ. Quan hệ đối tác hiệu quả với các công ty EdTech cũng có thể giúp giáo dục công cập nhật nội dung của chương trình giảng dạy quốc gia, đặc biệt các chủ đề liên quan đến công nghệ. Sự hợp tác này cũng có thể hỗ trợ việc học tập của sinh viên trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hạn chế khả năng tiếp cận trường học của học sinh, làm tăng khả năng phục hồi của hệ thống giáo dục.
Trần Thanh Hà
Tài liệu tham khảo
Growth and Impact of Educational Technology Industries in Indonesia 2024.
The impact of education technology in Indonesia - Asia 2020.
EdTech in Indonesia - Ready for take-off? May 2020, World Bank Group.