Đang xử lý.....

Kinh nghiệm của nước Pháp trong việc chia sẻ “tài sản dùng chung” để chuyển đổi số tốt hơn  

Pháp thực hiện chuyển đổi số rộng rãi trong lĩnh vực dịch vụ công từ nhiều thập kỷ qua với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công đồng thời mang lại trải nghiệm mượt mà hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện phi giấy tờ hóa trong cung cấp dịch vụ công, Nhà nước Pháp đã nhận thấy lợi ích của việc chia sẻ và cung cấp các nguồn lực như phần mềm, dữ liệu hoặc các nền tảng công nghệ theo hướng mở vì “lợi ích chung”.
Thứ Ba, 31/12/2024 3
|

Ngay từ năm 2011, nhận thức được tầm quan trọng của việc điều phối trong xây dựng các hệ thống thông tin Nhà nước, Pháp đã quyết định thành lập Cục liên bộ các hệ thống thông tin và truyền thông của Nhà nước (DISIC). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm đặt ra các nền tảng về quản trị số giữa các cơ quan hành chính và đảm bảo sự đồng bộ cho các hệ thống thông tin Nhà nước, tăng cường hiệu quả chung của công tác chuyển đổi số.

Cần phải thực hiện một loạt hành động có mục tiêu cụ thể như:

- Xây dựng và ban hành các “bộ tiêu chuẩn tham chiếu chung”. Có ba bộ tiêu chuẩn tham chiếu chung: Tiêu chuẩn tham chiếu về đảm bảo mức độ dễ tiếp cận của cơ quan hành chính (RGAA), Bộ tiêu chuẩn tham chiếu về khả năng kết nối liên thông các hệ thống (RGI), Bộ tiêu chuẩn tham chiếu về an toàn hệ thống (RGS). Ba công cụ này phải áp dụng bắt buộc cho mọi hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước;

- Lựa chọn nền tảng các giải pháp công nghệ chung, có thể được sử dụng rộng rãi. Danh sách liên bộ liệt kê các phần mềm mã nguồn mở (SILL) thường xuyên được cập nhật, chính là kết quả của mong muốn phát triển các giải pháp công nghệ trên cơ sở tăng cường sử dụng phần mềm mã nguồn mở;

- Thiết lập cơ chế quản trị cho “các dự án lớn của Nhà nước”. Cơ chế chỉ đạo điều hành liên bộ được thiết lập để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các dự án chuyển đổi số quy mô lớn. Trong khuôn khổ đó, để thúc đẩy quản trị hệ thống thông tin trong mỗi cơ quan Nhà nước, ban chuyên môn về hệ thống thông tin do Cục DISIC thành lập có thể đưa ý kiến tham vấn hoặc ý kiến quyết định – tùy theo ngân sách từng dự án – đối với các định hướng để xây dựng một dự án hệ thống thông tin.

Kế thừa mong muốn tập hợp thống nhất và chia sẻ nguồn lực chung do Cục DISIC khởi xướng và chủ trì thực hiện, tài sản dùng chung là cách gọi để chỉ một nguồn tài nguyên được sản xuất và/hoặc duy trì chung bởi một cộng đồng có thành viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và được quản trị bằng các quy tắc đảm bảo tính chất cộng đồng và chia sẻ của tài sản đó. Tài sản dùng chung này được gọi là tài sản số khi tài nguyên được sản xuất ra là tài nguyên số: phần mềm, cơ sở dữ liệu, nội dung số (văn bản, hình ảnh, video và/ hoặc âm thanh), v.v.

Việc phát triển và phát huy giá trị của các tài sản số chung này là một trong các trụ cột trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Pháp. Cách tiếp cận dùng chung và chia sẻ này còn được củng cố khi mỗi cơ quan hành chính Nhà nước lại có thêm được sự đồng hành và trợ giúp để được hướng dẫn sử dụng các tài sản và công cụ dùng chung trong thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Tài sản số dùng chung giữa các cơ quan Nhà nước có thêm các đặc điểm mới: việc sử dụng tài nguyên của cơ quan này không hạn chế cơ quan khác trong việc sử dụng chính tài nguyên đó (tài nguyên dùng chung không mang tính bù trừ, cạnh tranh) và không cần thiết phải dành quyền sử dụng chỉ cho một cộng đồng hạn chế nào đó để tiết kiệm (tài nguyên dùng chung không độc quyền). Như vậy, các tài sản dùng chung này chỉ có lợi khi được chia sẻ. Chia sẻ làm tăng giá trị của tài nguyên và giúp mớ rộng cộng đồng những người sử dụng (giống như các sản phẩm số của khu vực tư nhân, sau khi trở thành tiêu chuẩn tham chiếu và mọi người đều phải sử dụng, ví dụ định dạng pdf vốn được phát triển trong những năm 1990 hay phần mềm Adobe). Công nghệ số là nguồn gốc cho sự phát triển của một tài sản/lợi ích chung kiểu mới, mang tính mở, được chia sẻ và nhờ đó tăng thêm tiềm năng của tài sản chung đó.

1. Kế hoạch hành động phần mềm mã nguồn mở và tài sản số dùng chung

Được Nhà nước Pháp khởi động vào tháng 11/2021, kế hoạch hành động về phần mềm mã nguồn mở góp phần thực hiện chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công với ba mục tiêu: hiểu rõ hơn và sử dụng phần mềm mã nguồn mở và tài sản số chung trong các cơ quan hành chính; phát triển và hỗ trợ mở mã nguồn trong khu vực công; dựa vào phần mềm mã nguồn mở và miễn phí để tăng sức hấp dẫn của các cơ quan Nhà nước nhằm thu hút các tài năng kỹ thuật số vào làm việc.

Hiểu rõ hơn và sử dụng phần mềm mã nguồn mở

Để hiểu rõ hơn và sử dụng được các phần mềm mã nguồn mở, cần tập hợp các mã nguồn mở vào một điểm tiếp cận duy nhất, đó là danh sách liên bộ liệt kê các phần mềm mã nguồn mở SILL. Nền tảng này cung cấp catalog tham khảo tất cả các phần mềm mã nguồn mở được khuyến nghị sử dụng cho các cơ quan hành chính của Pháp. Các cơ quan hành chính có thể tra cứu và lựa chọn phần mềm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, theo quy định tại điều 16, Luật vì nền Cộng hòa số.

- Tiêu chí để bổ sung một phần mềm vào danh mục khuyến nghị trên nền tảng SILL là phần mềm đó phải được công bố theo diện giấy phép mở được chấp nhận, được triển khai trong một đơn vị công lập hoặc do một công chức, viên chức cài đặt.

- Chuyên viên phụ trách SILL là các công chức viên chức tình nguyện nhận trách nhiệm quản lý và cập nhật thông tin về các mã nguồn mở được đưa vào danh mục của catalog.

- Bản kế hoạch hành động này quy định tổ công tác liên bộ về phần mềm mã nguồn mở và tài sản số chung có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường hỗ trợ cho các phần mềm này và giúp đỡ các cơ quan quản lý trong việc tạo ra tài sản số dùng chung nhằm phục vụ việc thực hiện các chính sách công.

Phát triển, hỗ trợ mở, chia sẻ và sử dụng phần mềm mã nguồn mở

Nhiều cơ quan quản lý vẫn gặp khó khăn khi mở mã nguồn của các sản phẩm kỹ thuật số mà họ phát triển vì cách làm này không phải là thói quen của họ. Tổ công tác liên bộ về phần mềm mã nguồn mở và tài sản số dùng chung có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan trong việc mở mã nguồn của họ và giúp huy động hệ sinh thái xung quanh các mã nguồn đã công bố để chứng minh lợi ích của việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật dùng chung.

Nêu bật những đóng góp của cơ quan hành chính đối với hệ sinh thái phần mềm miễn phí (các giải pháp và thư viện phần mềm) và các tài sản kỹ thuật số chung: nền tảng code.gouv.fr liệt kê danh sách các mã nguồn và thư viện mã nguồn do các cơ quan khác nhau công bố và khuyến nghị sử dụng các mã nguồn có tiềm năng tái sử dụng cao. Nền tảng này cũng liệt kê các mã nguồn chưa được công bố nhưng có thể tái sử dụng.

Việc duy trì và phát triển mạng lưới các đại sứ quảng bá cho các tài sản số dùng chung cũng rất quan trọng: việc liệt kê danh mục các phần mềm và mã nguồn có thể mở, chia sẻ và tái sử dụng cần đi kèm với các nỗ lực duy trì các hoạt động trao đổi về mở và công bố mã nguồn mở giữa các thành viên trong cộng đồng chuyên viên phụ trách trong các bộ ngành.

Dựa vào phần mềm mã nguồn mở và miễn phí để tăng sức hấp dẫn của các cơ quan Nhà nước nhằm thu hút các tài năng kỹ thuật số vào làm việc.

Trục cuối cùng của kế hoạch hành động phần mềm mã nguồn mở và tài sản số dùng chung là vấn đề liên quan đến năng lực kỹ thuật của các cơ quan Nhà nước. Dù liên quan đến các công chức viên chức đang làm việc hay những người sẽ được tuyển dụng trong tương lai cũng đều cần phải xây dựng một chiến lược để nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ nhân sự. Để đáp ứng tham vọng này, tổ công tác liên bộ về phần mềm mã nguồn mở và tài sản số dùng chung có nhiệm vụ duy trì và tổ chức các hoạt động của mạng lưới trao đổi thông tin và chia sẻ kiến thức chuyên môn, mạng lưới này được đặt tên là mạng lưới mũ xanh “Blue Hats”.

- Thành viên của mạng lưới mũ xanh BlueHats đều là những người mong muốn tham gia vào công việc phát triển và/hoặc tái sử dụng các mã nguồn mở trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước; ngoài ra còn có các cá nhân nhận thấy công việc mình thực hiện đối với việc phát triển và chia sẻ mã nguồn mở có thể hỗ trợ cho dự án phần mềm mã nguồn mở của cơ quan Nhà nước.

- BlueHats không phải là một sản phẩm hay một thương hiệu, đây là một phong trào mà DINUM có tham gia đóng góp qua việc xuất bản bản tin phần mềm mã nguồn mở, tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề trực tuyến và các hoạt động gặp gỡ trực tiếp – tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước đều được mời tham gia đóng góp cho phong trào.

2. Một vài tài sản số dùng chung đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính

Phần mềm Open Street Map (OSM)

OpenStreetMap là một dự án bản đồ trực tuyến cộng tác được bắt đầu phát triển vào tháng 7/2004 bởi Steve Coast tại Đại học College London nhằm mục đích xây dựng một cơ sở dữ liệu địa lý thế giới miễn phí (ví dụ: cho phép lập bản đồ theo giấy phép mở), sử dụng hệ thống GPS và các dữ liệu miễn phí khác.

Dự án được lấy cảm hứng từ sự thành công của Wikipedia và vị trí quan trọng của các dữ liệu bản đồ có sở hữu ở Vương quốc Anh và các quốc gia khác. Từ khi được phát triển cho đến nay, phần mềm này đã đạt hơn mười triệu người dùng đăng ký. Người dùng có thể thu thập dữ liệu từ nguồn khảo sát bằng tay, GPS, ảnh chụp trên không, các nguồn miễn phí khác hoặc sử dụng kiến thức riêng về khu vực định lập bản đồ. Dữ liệu được sản xuất bằng phương pháp có sự tham gia cộng tác của nhiều bên, sau đó được cung cấp và chia sẻ theo hệ thống giấy phép mở Open Database License.

Dữ liệu từ phần mềm OSM có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ lập và in bản đồ giấy và bản đồ điện tử, mã hóa địa lý địa chỉ và địa danh cho đến việc xây dựng lộ trình đi lại. Trong số những người sử dụng hàng đầu phần mềm này, có Facebook, Wikimedia Maps, Apple, Microsoft, Amazon Logistics, Uber, Craigslist, Snapchat, OsmAnd, Maps.me, MapQuest, Qwant Maps, phần mềm thống kê JMP và Foursquare.

Hình: Giao diện phần mềm OpenStreetMap

Phần mềm Open Food Facts

Open Food Facts là một dự án cộng tác, với mục tiêu xây dựng một phần mềm cơ sở dữ liệu mở và miễn phí về các sản phẩm thực phẩm được kinh doanh trên toàn thế giới. Truyền thông so sánh phần mềm này với Wikipédia do có cùng phương thức vận hành theo hình thức cộng tác và sử dụng giấy phép mở.

Mỗi người đóng góp có thể bổ sung và chỉnh sửa thông tin trên phiếu dữ liệu của từng sản phẩm thực phẩm, dựa vào nguồn thông tin bổ sung từ dữ liệu ghi trên bao bì. Theo đó, mã số sản phẩm thương mại toàn cầu GTIN (Global Trade Item Number) được mã hóa trong mã vạch có trên bao bì (nếu bao bì sản phẩm có mã vạch) sẽ là mã định danh của phiếu dữ liệu của sản phẩm. Có thể sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để chụp ảnh và quét thông tin, sau đó thông tin được những người tình nguyện xử lý lại theo cách thủ công, với sự hỗ trợ của các thuật toán xác minh cũng như các hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Phần mềm adresse.data.gouv.fr của Pháp

Nền tảng adresse.data.gouv.fr là phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ. Phần mềm này liệt kê toàn bộ các địa chỉ được đánh số trên lãnh thổ quốc gia và cho phép mọi người khai thác, tái sử dụng. Phần mềm này cho phép người sử dụng được truy cập tự do vào dữ liệu liên kết với cơ sở dữ liệu địa chỉ quốc gia (BAN), quản lý và sản xuất dữ liệu địa chỉ cho các chính quyền địa phương thông qua hai nền tảng cơ sở dữ liệu địa chỉ địa phương và nền tảng công cụ dùng chung để khai thác dữ liệu địa chỉ (trình duyệt, API, trình mã hóa địa lý, trình xác thực, v.v.).

Người sử dụng dịch vụ công giờ đây có thể thực hiện tất cả các thủ tục trực tuyến. Họ không còn phải cung cấp các thông tin mà chính quyền đã có hoặc phải tự mình làm cầu nối giữa vô số các cơ quan hành chính để được xử lý thủ tục. Việc phi giấy tờ hóa thủ tục cùng không còn là một hạng mục phải đầu tư về con người và tài chính đối với các cơ quan quản lý và công chức viên chức nữa, mà sẽ là một yếu tố giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, hiện nay điều này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Phần mềm hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính “Démarches Simplifiées” của Pháp

Phần mềm hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính “Démarches simplifiées” giúp phi giấy tờ hóa thủ tục bằng tính năng tạo biểu mẫu tự động và nền tảng nộp hồ sơ trực tuyến. Đây là một ứng dụng trực tuyến sử dụng được ngay, do DINUM phát triển, bảo trì, vận hành và cung cấp máy chủ, công cụ này được cung cấp cho tất cả các cơ quan đơn vị công ích, được kết nối với nhiều hệ thống ứng dụng của Nhà nước, trong đó có France Connect, giao diện kết nối chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp API Entreprise, giao diện kết nối chia sẻ dữ liệu địa lý API Géo và cơ sở dữ liệu địa chỉ quốc gia BAN.

Phần mềm này có mục tiêu đảm bảo thực hiện phi giấy tờ hóa thủ tục hành chính trong những điều kiện tốt nhất, nhằm đơn giản hóa quy trình làm thủ tục cho người dùng và quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ thủ tục của công chức viên chức, thông qua một giải pháp dễ triển khai, tuân thủ các quy định của pháp luật và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tóm lại, đây là một công cụ:

- Đơn giản: thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến, không cần cài đặt, có thể sử dụng được ngay (model Typeform, Google Form) có thể tham khảo cùng nhiều phần mềm khác trên đường dẫn: https://dashlord.incubateur.net/

- Tích hợp được vào hệ sinh thái số Nhà nước: tự động truy xuất thông tin về người nộp đơn qua API Entreprise và France Connect và truy xuất thông tin địa lý qua BAN và API Géo;

- Hoạt động trên hình thức cộng tác: có thể nhiều người cùng nôp hoặc cùng xử lý một hồ sơ giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục cho cả người dùng và công chức viên chức, điều này giúp đơn giản hóa việc xử lý một hồ sơ thủ tục có liên quan đến nhiều cơ quan;

- An toàn: phần mềm này được công nhận hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chuẩn tham chiếu về an toàn hệ thống RGS, tỷ lệ khả dụng quan sát được luôn cao hơn 99% trong khoảng thời gian quan sát là 30 ngày.

Chỉ tính riêng các thủ tục dành cho doanh nghiệp cần phải thực hiện ở cấp trung ương, hơn 1.000 thủ tục hiện đang chỉ được quản lý bằng hồ sơ giấy. Với tốc độ phi giấy tờ hóa đạt 100 thủ tục/năm, cần gần 10 năm mới hoàn thành công việc này.

Nếu mỗi cơ quan quản lý đều lựa chọn sử dụng các công cụ dùng chung như phần mềm demarches-simplifiees.fr thay vì tự sử dụng các giải pháp công nghệ đầu tư riêng, có thể tiết kiệm được hàng chục triệu euro cho ngân sách Nhà nước và người đóng thuế.

Kết luận:

Cách tiếp cận về chia sẻ tài sản số dùng chung có tác động tích cực không chỉ trên phương diện kinh tế (chia sẻ dùng chung, tăng nguồn đầu tư) mà còn ở phương diện chủ quyền số quốc gia. Việc xây dựng các tài sản số dùng chung tạo ra các cộng đồng, các quy tắc, đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước với chức năng là cơ quan quản lý, bảo đảm cho việc xây dựng nền tảng công nghệ và giải pháp kỹ thuật số chính thống, và thúc đẩy cách tiếp cận khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thông qua các tài sản số dùng chung, tinh thần của một chính phủ mở và chiến lược xây dựng nền tảng số đang hình thành.

Nguyễn Trung Kiên

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. https://code.gouv.fr/fr/

2. http://adresse.data.gouv.fr/

3. https://dashlord.incubateur.net/

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 203
    • Khách Khách 202
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3889749