Đang xử lý.....

Xây dựng, củng cố nền tảng Chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thông minh – Hướng đến Xã hội 5.0 của Nhật Bản (phần 1)  

Theo quan niệm của nước ngoài về Nhật Bản thường có xu hướng thể hiện hình ảnh của một nền văn hóa công nghệ cao, đặc biệt trong một số ngành công nghiệp như robot ở các trung tâm dân số lớn, điều này phần lớn là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản đã tụt hậu so với các quốc gia tiên tiến trong việc triển khai, áp dụng các hình thức công nghệ mới hơn, tinh giản các dịch vụ công hướng tới cung cấp dịch vụ thông minh.
Thứ Ba, 17/12/2024 12
|

Lời nói đầu

Theo quan niệm của nước ngoài về Nhật Bản thường có xu hướng thể hiện hình ảnh của một nền văn hóa công nghệ cao, đặc biệt trong một số ngành công nghiệp như robot ở các trung tâm dân số lớn, điều này phần lớn là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản đã tụt hậu so với các quốc gia tiên tiến trong việc triển khai, áp dụng các hình thức công nghệ mới hơn, tinh giản các dịch vụ công hướng tới cung cấp dịch vụ thông minh.

Hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam có thể coi bắt đầu từ năm 2004, được đánh dấu với sự ra đời của Cục Ứng dụng công nghệ thông tin – Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Cục chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông). Đối với hành trình chuyển đổi số của Nhật Bản được bắt đầu từ những năm 2.000 và được chia thành bốn giai đoạn tương ứng với các quá trình phát triển chính sách, đầu tư hướng tới chuyển đổi số. Bài viết này sẽ giới thiệu về nền tảng thiết yếu duy trì các nỗ lực chính sách khác nhau, đồng thời khám phá các khối xây dựng quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi số, đặc biệt là cách các sáng kiến và chính sách của chính phủ hướng tới dữ liệu, cơ sở hạ tầng số, các yếu tố hỗ trợ thể chế và năng lực số. Ngoài ra, bài viết này giới thiệu các trường hợp điển hình cùng với sáng kiến cụ thể trong quá trình chuyển đổi số hướng đến phát triển thành phố thông minh và xã hội 5.0 tại Nhật Bản.

Dữ liệu: Nền tảng của chuyển đổi số để phát triển dịch vụ thông minh

Dữ liệu chiếm vai trò quan trọng đối với quá trình hỗ trợ ra quyết định (mức cao hơn ra quyết định dựa trên bằng chứng), xây dựng chính sách hiệu quả và nuôi dưỡng sự đổi mới trong kỷ nguyên số. Để đạt được điều này, tính khả dụng của dữ liệu phải đối mặt với nhiều thách thức và việc thiếu các chính sách quản trị dữ liệu và sự hợp tác liên ngành có thể làm suy yếu việc thu thập và quản lý dữ liệu một cách có hệ thống.

Trong bối cảnh Nhật Bản, sự phát triển và ban hành các bộ luật mới quan trọng đã đóng vai trò xúc tác trong việc thúc đẩy thu thập, sử dụng, chia sẻ và tích hợp dữ liệu. Các sửa đổi Đạo luật Kinh doanh Điện lực để đồng bộ với bối cảnh ra đời của Đạo luật Thúc đẩy Sử dụng Dữ liệu Công và Riêng tư và Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân là then chốt trong việc triển khai dịch vụ đo điện thông minh để thu thập dữ liệu mới và triển khai các sáng kiến tiếp theo. Được hỗ trợ bởi các đạo luật như vậy, nhiều ứng dụng đã được phát triển, sử dụng nhiều dữ liệu khác nhau để nâng cao sự tiện lợi của người dùng và cải thiện hiệu quả của các cơ quan hành chính công.

Trường hợp điển hình: Công bố dữ liệu hệ thống điện

Bắt đầu từ năm 2014, các nhà cung cấp điện tại Nhật Bản bắt đầu triển khai lắp đặt, sử dụng đồng hồ đo điện thông minh trên toàn quốc để cải thiện hiệu quả chung của ngành năng lượng và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin chi tiết hơn về mức sử dụng điện của họ. Đến năm 2021, khoảng 70 triệu đồng hồ thông minh đã được lắp đặt, đạt được phạm vi phủ sóng 100% tại Tokyo và chiếm gần 86%  phạm vi phủ sóng trên toàn quốc.

Năm 2022, thông qua sửa đổi một số điều của Đạo luật Kinh doanh Điện, Nhật Bản đã cho phép công bố dữ liệu điện được thu thập được từ các đồng hồ thông minh đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các giải pháp thông minh khác.

Khả năng truy cập dữ liệu điện đã thúc đẩy sự phát triển nhiều dịch vụ thông minh đa dạng, nâng cao tính hiệu quả từ quá trình sản xuất - phân phối cung cấp điện cho đến sử dụng điện hiệu quả ở khu vực người dùng cuối hoặc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phòng ngừa. Ví dụ, tại nhiều thành phố của Nhật Bản, việc giải quyết vấn đề chăm sóc phòng ngừa cho những người cao tuổi sống một mình bị cô lập về mặt xã hội là một thách thức đáng kể.

Tại Toin, một thị trấn nhỏ với dân số 25.000 người ở Tỉnh Mie, một sáng kiến hợp tác công tư giữa Chubu Electric Power (nhà cung cấp phân phối điện) và Necolico (một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông) và Japan Data Science Consortium (công ty chuyên về khoa học dữ liệu) đã ra đời vào năm 2022. Sự hợp tác này kết hợp các mô hình sử dụng dữ liệu điện hộ gia đình, phân tích AI và dữ liệu từ các công ty bảo hiểm để phát hiện – dự đoán các nguy cơ rủi ro dễ bị tổn thương của người cao tuổi. Dựa trên dự đoán trong sáng kiến này, cho phép các thành phố địa phương hợp tác sâu hơn với các bên liên quan và cư dân địa phương để cung cấp các dịch vụ thông minh nhằm chăm sóc sớm hoặc phòng ngừa rủi ro cho người cao tuổi. Sau khi nỗ lực ban đầu chứng minh được hiệu quả, Necolico và Japan Data Science Consortium đã tiến hành triển khai một dịch vụ thông minh cho các thành phố vào năm 2023 nhằm cung cấp thông tin chi tiết về việc chăm sóc phòng ngừa cho người cao tuổi.

Sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái dữ liệu mở đã tăng cường khả năng hợp tác giữa khu vực công và tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ví dụ, tính đến tháng 10 năm 2023 tại thành phố Kyoto, cổng dữ liệu mở của thành phố có khoảng 650 tập dữ liệu, bao gồm các danh mục như dữ liệu du lịch và công nghiệp, văn hóa và nghệ thuật, an toàn, an ninh và phòng ngừa thảm họa. Nền tảng dữ liệu mở này đã trở thành chất xúc tác để ra đời các giải pháp, dịch vụ thông minh giải quyết các vấn đề của cộng đồng được các doanh nghiệp, trường đại học và người dùng phát triển. Do đó, bằng cách thu thập dữ liệu và tạo điều kiện trao đổi dữ liệu, nhiều bên liên quan hơn trong xã hội có thể được trao quyền. Các thành phố và tổ chức có thể nâng cao trí tuệ tập thể, thúc đẩy sự đổi mới vượt ra ngoài các thực thể riêng lẻ.

Mặc dù Nhật Bản đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu, nhưng điều đáng chú ý là việc chuẩn hóa các tập dữ liệu và định dạng của chúng vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là giữa các thành phố hoặc giữa các thành phố và chính quyền trung ương. Một số thành phố hoạt động với hệ thống, tiêu chuẩn dữ liệu và định dạng riêng đã cản trở việc chia sẻ dữ liệu hiệu quả và sự hợp tác giữa các cơ quan hành chính. Đây là bài học giá trị cho các nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay về tầm quan trọng của việc thiết lập khuôn khổ cho các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác trong giai đoạn đầu phát triển hệ thống và ứng dụng.

Cơ sở hạ tầng số

Chuyển đổi số là một quá trình năng động, liên tục và thích ứng của sự đổi mới. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng số phải thích ứng với những thay đổi để cho phép tăng trưởng. Việc cung cấp cơ sở hạ tầng vật lý, các nền tảng số, khả năng mở rộng và tính linh hoạt của cơ sở hạ tầng số là những thuộc tính không thể thiếu giúp trao quyền cho xã hội số.

Nền tảng số

Sự hiện diện của các nền tảng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ số thông minh. Các nền tảng này bao gồm các dịch vụ xác thực số như: chữ ký số và xác thực thông tin - thanh toán kỹ thuật số và trao đổi dữ liệu… có thể truy cập thông qua nhiều kênh kỹ thuật số khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính và internet với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ được cung cấp. Đặc biệt, các nền tảng kỹ thuật số do chính phủ cung cấp phải có tiềm năng thúc đẩy sự xuất hiện và phổ biến của các ứng dụng - dịch vụ thông minh trên nhiều khía cạnh của cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thương mại điện tử… cho đến các dịch vụ công của chính phủ, phục vụ người dân, các cơ quan công quyền và xã hội nói chung.

Hệ thống “My Number – Thẻ Số cá nhân” là một ví dụ về nền tảng kỹ thuật số như vậy tại Nhật Bản. Được chính phủ giới thiệu như một hệ thống nhận dạng cá nhân cho tất cả người dân, có mục đích cho phép khả năng tương tác với nhiều hệ thống và ứng dụng khác nhau để tạo điều kiện cho nhiều loại dịch vụ và ứng dụng.

Vào đầu tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Nhật Bản mới nhậm chức Fumio Kishida đã công bố “Tầm nhìn cho một Vườn kỹ thuật số thành phố quốc gia - Vision for a Digital Garden City Nation” (DIGIDEN) là chính sách quan trọng. Tầm nhìn này định vị số hóa toàn bộ xã hội là mục tiêu cốt lõi, nhằm tạo ra một xã hội nơi công dân và cư dân có thể lựa chọn các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ và đạt được sự hài lòng thông qua công nghệ kỹ thuật số.

Theo chính sách này, chính phủ ủng hộ việc sử dụng “Thẻ Số cá nhân” làm phương tiện chính để xác định danh tính công dân trên nhiều ứng dụng công cộng khác nhau. “Thẻ Số cá nhân” là định danh thường dùng của mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số do chính phủ cấp từ năm 2015 cho mỗi cư dân Nhật Bản, bao gồm cả người nước ngoài có tư cách thường trú. Hệ thống này được hình dung là sẽ tập trung thông tin cá nhân như hồ sơ thuế, an sinh xã hội và ứng phó thảm họa.., do đó nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dịch vụ nói chung và dịch vụ công nói riêng được hiệu quả và tính chính xác. Theo thời gian, chính phủ Nhật Bản tiếp tục mở rộng các lĩnh vực ứng dụng của hệ thống, định vị nó như một nền tảng chung để nhận dạng và xác thực trên nhiều dịch vụ công và tư.

“Thẻ Số cá nhân”, một thẻ nhựa sử dụng chip IC nhúng, đã được phát hành liên quan đến số định danh. Đến giữa năm 2023, tỷ lệ thâm nhập của thẻ đã đạt khoảng 70 phần trăm toàn bộ dân số Nhật Bản. Thẻ có thể được sử dụng để nhận dạng cá nhân cho nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm thanh toán thuế trực tuyến và cấp sổ đăng ký thường trú. Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch tích hợp, thay thế thẻ bảo hiểm y tế thông thường vào Thẻ. Ngoài ra, các khoản trợ cấp cũng đã được sử dụng để hỗ trợ phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới sử dụng Thẻ căn cước công dân của chính quyền địa phương.

Mặc dù Thẻ Số cá nhân được sử dụng rộng rãi, nhưng ứng dụng của nó đã gặp phải những hạn chế và thách thức về kết nối liên thông và tích hợp với nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu hiện có, yêu cầu liên kết Thẻ Số cá nhân với các tổ chức khác. Những vấn đề này cho thấy sự cần thiết trong việc thiết lập kiến trúc cơ bản của các nền tảng kỹ thuật số như Thẻ Số cá nhân ở giai đoạn đầu, bao gồm khả năng tương thích của các ứng dụng trong tương lai với các hệ thống hiện có.

Một ví dụ khác từ khu vực công là PLATEAU, một nền tảng chia sẻ dữ liệu do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) phát triển. Hoạt động như một mô hình 3D của các thành phố Nhật Bản, PLATEAU tích hợp nhiều thuộc tính xây dựng khác nhau, cho phép người dùng đóng góp dữ liệu và mô phỏng tác động từ các đề xuất xây dựng hoặc giải pháp phát triển của họ. Theo cách này, PLATEAU thực sự đóng vai trò là bản sao kỹ thuật số của một thành phố, cung cấp một nền tảng chung để chia sẻ dữ liệu giữa những người tham gia dự án phát triển đô thị, tạo điều kiện xây dựng các mô hình chung để các bên liên quan khác nhau có thể hợp tác, phân tích và ra quyết định.

Nâng cao khả năng tương tác của hệ thống và quản lý các hệ thống cũ

Tại Nhật Bản, cả chính phủ và chính quyền địa phương đều phải đối mặt với những thách thức thiếu khả năng tương tác về kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu của các hệ thống được phát triển và vận hành độc lập. Cơ quan Kỹ thuật số, được thành lập vào năm 2021 để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở cả cấp quốc gia và địa phương, đã triển khai giải pháp hợp nhất các hệ thống vào một cơ sở hạ tầng CNTT dựa trên đám mây duy nhất, thúc đẩy chuẩn hóa và hoạt động chung. Cơ quan này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm hiệu quả cho nhiều cơ quan chính phủ khác nhau bằng cách lựa chọn trước các dịch vụ đám mây đủ điều kiện cho đám mây của chính phủ và nới lỏng một số điều kiện để khuyến khích sự tham gia của các nhà cung cấp địa phương.

Giải pháp này được dựa trên sáng kiến của Cơ quan Kỹ thuật số, thành phố Kurashiki hợp tác với thành phố Takamatsu và thành phố Matsuyama để thành lập Hội đồng thúc đẩy đám mây đô thị ba thành phố. Sáng kiến hợp tác này tập trung kiểm tra toàn diện quá trình chuẩn hóa và hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ trong chính quyền, nhằm mục đích giảm nỗ lực tùy chỉnh và tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống. Vào năm 2023, Thành phố Kurashiki đã bắt đầu thí điểm di chuyển sang đám mây của chính phủ, thể hiện cam kết về khả năng mở rộng, tính linh hoạt và tiềm năng của quy trình làm việc kỹ thuật số hợp lý.

Trong khu vực công, Cơ quan Kỹ thuật số đóng vai trò then chốt trong việc quản lý Đám mây Chính phủ - một hệ thống đám mây công cộng nhằm thúc đẩy khả năng tương tác giữa chính quyền trung ương và địa phương. Hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp ICT được chỉ định, Cơ quan Kỹ thuật số giám sát các nỗ lực tích hợp hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển các hệ thống cục bộ có liên quan sang cơ sở hạ tầng đám mây trung tâm. Đồng thời, Cơ quan này ủng hộ các chính quyền địa phương tập trung dữ liệu của họ vào các nền tảng tích hợp thống nhất được thiết kế riêng cho từng tỉnh

Đối với các khu vực tư, việc bắt tay vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cũng liên quan đến việc giải quyết những thách thức do các hệ thống cũ đặt ra. Các hệ thống cũ này, thường được xây dựng trên các công nghệ lỗi thời, phức tạp và thiếu linh hoạt, gây trở ngại cho việc áp dụng các công nghệ mới nhất. Chúng có xu hướng đòi hỏi chi phí bảo trì cao, dễ bị hỏng hóc thường xuyên và cản trở việc đưa ra các giải pháp sáng tạo. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người dùng Hệ thống Thông tin Nhật Bản năm 2017, gần 80% các công ty tại Nhật Bản đang phải chịu gánh nặng từ các hệ thống cũ, với khoảng 70% báo cáo rằng các hệ thống đó cản trở nỗ lực số hóa của họ.

Việc tích hợp các giải pháp kỹ thuật số mới với các hệ thống cũ có thể dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả, dữ liệu bị cô lập và khả năng tương thích. Các tổ chức sẽ cần xây dựng các chiến lược di chuyển để giảm thiểu sự gián đoạn đồng thời đảm bảo tích hợp liền mạch dữ liệu và quy trình hiện có vào hệ sinh thái kỹ thuật số mới. Quá trình chuyển đổi cũng bao gồm việc đánh giá xem việc di chuyển hay xây dựng các hệ thống mới từ đầu có hiệu quả về mặt chi phí hơn không.

 

Hình 1. Ngân hàng dưới dạng dịch vụ (Ngân hàng BaaS)

Ngân hàng Hokkoku là một trường hợp điển hình, tiên phong chuyển đổi cơ sở hạ tầng sang đám mây công cộng cho phép chuyển đổi cơ bản liên quan đến quy trình ra quyết định và văn hóa tổ chức.

Với mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái mở rộng ra ngoài các hệ thống ngân hàng truyền thống, thu hút khách hàng và tạo ra các dịch vụ mới cực kỳ tiện lợi thông qua việc chuyển đổi Ngân hàng dưới dạng Dịch vụ (Banking as a Service-BaaS). Ngân hàng Hokkoku định nghĩa chuyển đổi số không chỉ là việc sử dụng công nghệ mà còn là quá trình chuyển đổi số cơ bản của chính ngân hàng, bao gồm các quy trình ra quyết định, thẩm quyền, tiêu chí quyết định và văn hóa tổ chức.

Kể từ khi thành lập Phòng Hệ thống vào năm 2007, Ngân hàng Hokkoku vẫn tiếp tục đầu tư vào các hệ thống chiến lược, với việc nâng cấp phần mềm nhóm - một loại phần mềm máy tính giúp các thành viên trong nhóm làm việc cùng nhau -vào năm 2011 và xây dựng lại cơ sở hạ tầng CNTT vào năm 2013 bằng cách triển khai Surface của Microsoft—một loạt máy tính cá nhân và máy tính bảng màn hình cảm ứng. Trong một động thái táo bạo, ngân hàng cũng đã cập nhật hệ thống quản lý tài khoản của mình vào năm 2015, thừa nhận những thay đổi đáng kể đối với các hoạt động cốt lõi của ngân hàng, có thể ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng, bảo mật dữ liệu và quy trình tài chính.

Năm 2019, Ngân hàng Hokkoku quyết định dịch vụ đám mây Azure do Microsoft cung cấp làm cơ sở hạ tầng hệ thống của công ty. Thực hiện chính sách ưu tiên đám mây, Ngân hàng Hokkoku đã đạt được vị thế là nhà điều hành ngân hàng đầu tiên của Nhật Bản có hệ thống ngân hàng đầy đủ trên đám mây công cộng. Ngày nay, Ngân hàng Hokkoku là một trong những ngân hàng khu vực tiên tiến nhất, được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp công nhận là “nhà điều hành được chứng nhận DX” vào năm 2021.

(Hết phần 1)

 

Người thực hiên

Lê Việt Hưng

Phòng Dịch vụ số

Tài liệu tham khảo:

https://www.yomiuri.co.jp/pluralphoto/20221206-OYT1I50278

https://adanic.ir/en/banking-as-a-service-baas-saas-baking-the-whats-hows-and-whys/

https://medium.com/tokyo-fintech/japans-2025-digital-cliff-48dbb838fb27

https://ms-f1-sites-03-ea.azurewebsites.net/en-gb/story/1687922579120746345-hokkoku-bank-capital-markets-azure-en-japan

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1874
    • Khách Khách 1872
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3891517